1. Cấp, gia hạn giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt

Posted on

Khi thực hiện việc xây dựng cấc công trình thiết yếu trong những phạm vi đất dành cho đường sắt thì phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Do đó thủ tục cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt phải được tiến hành đúng trình tự. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể vấn đề này theo quy định của Luật Đường sắt 2017, Nghị định 56/2018/NĐ-CP, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Thông tư 50/2015/TT-BGTVT, Thông tư 25/2018/TT-BGTV và Quyết định 52/QĐ-BGTVT như sau:

I. CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THIẾT YẾU TRONG PHẠM VI ĐẤT DÀNH CHO ĐƯỜNG SẮT

1. Khái quát

Kết cấu hạ tầng đường sắt là công trình đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt (khoản 15 Điều 9 Luật Đường sắt 2017).

Điều 12 Luật Đường sắt 2017 quy định đất dành cho đường sắt bao gồm:

– Đất dùng để xây dựng công trình đường sắt

– Đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt

– Đất trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt

Việc sử dụng đất dành cho đường sắt được quy định theo khoản 2 Điều 12 Luật Đường sắt 2017 như sau:

– Đất dành cho đường sắt được dùng để xây dựng công trình đường sắt và bảo đảm an toàn giao thông đường sắt theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

– Trường hợp đất dành cho đường sắt phải sử dụng kết hợp để xây dựng công trình thiết yếu phục vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế – xã hội không thể bố trí ngoài phạm vi đất này thì không được làm ảnh hưởng đến công trình đường sắt,
an toàn giao thông đường sắt và khi thực hiện phải được cấp phép theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

– Tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm sử dụng, khai thác đất dành cho đường sắt theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật. Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT thì công trình thiết yếu bao gồm:

– Công trình phục vụ yêu cầu đảm bảo an ninh, quốc phòng;

– Công trình có yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật không thể bố trí ngoài phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bao gồm các công trình viễn thông, điện lực, công trình chiếu sáng đường bộ, cấp nước, thoát nước, xăng, dầu, khí, năng lượng, hóa chất..

2. Cấp Giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt

Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt theo quy định tại Điều 48 Thông tư 25/2018/TT-BGTVT bao gồm:

– Cục Đường sắt Việt Nam có thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt quốc gia.

– Cơ quan theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện cấp Giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt đô thị.

Trách nhiệm thực hiện: Tổ chức là chủ đầu tư dự án có nhu cầu xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt lập 01 bộ hồ sơ đề nghị, nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trên môi trường mạng đến cơ
quan có thẩm quyền.

Việc thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt được tiến hành theo quy định tại Điều 50 Thông tư 25/2018/TT-BGTVT.

Giấy phép xây dựng theo mẫu quy định tại Phụ lục 15 của Thông tư này.

Lưu ý:

Chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng quyết định trình tự thực hiện cấp giấy phép xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt chuyên dùng (khoản 8 Điều 50 Thông tư 25/2018/TT-BGTVT).

3. Xử lý vi phạm

Việc xây dựng công trình thiết yêu trong phạm vi đất dành cho đường sắt không được cấp phép có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 54 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Theo đó:

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Thi công công trình khi chưa có văn bản chấp thuận phương án tổ chức thi công, biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, thời gian phong tỏa phục vụ thi công của tổ chức có thẩm quyền theo quy định;

+ Khi thi công hoàn thành công trình không bàn giao lại hiện trường, hồ sơ hoàn công cho tổ chức có liên quan theo quy định;

+ Để vật tư, vật liệu, máy móc, thiết bị phục vụ thi công vi phạm khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt khi khu gian chưa được phong tỏa hoặc hết thời gian phong tỏa khu gian.

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Không thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt trong quá trình thi công;

+ Không gia cố kịp thời công trình thiết yếu để bảo đảm an toàn công trình đường sắt, an toàn giao thông vận tải đường sắt khi phát hiện hoặc nhận được tin báo công trình thiết yếu bị hư hỏng;

+ Không tự di chuyển hoặc cải tạo công trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

+ Không tự phá dỡ công trình khi hết hạn sử dụng;

+ Không tự tháo dỡ công trình khi xây dựng không đúng với giấy phép hoặc khi cơ quan có thẩm quyền đã thu hồi, hủy giấy phép.

– Phạt tiền từ 7.500.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi khởi công xây dựng công trình khi chưa được bàn giao mặt bằng thi công theo quy
định.

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thi công công trình gây sự cố, tai nạn giao thông đường sắt.

– Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

+ Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều này buộc phải đưa vật tư, vật liệu, máy móc, thiết bị ra khỏi khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt;

+ Thực hiện hành vi quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều này buộc phải gia cố, di chuyển hoặc cải tạo công trình gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường sắt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

+ Thực hiện hành vi quy định tại điểm d, điểm đ khoản 2 Điều này buộc phải phá dỡ công trình hết hạn sử dụng, tháo dỡ công trình xây dựng không đúng với giấy phép hoặc bị thu hồi, hủy giấy phép.

II. GIA HẠN GIẤY PHÉP XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THIẾT YẾU TRONG PHẠM VI ĐẮT DÀNH CHO ĐƯỜNG SẮT

1. Một số khái niệm cơ bản

Công trình thiết yếu bao gồm công trình phục vụ yêu cầu đảm bảo an ninh, quốc phòng; công trình có yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật không thể bố trí ngoài phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt như: Viễn thông; điện lực; đường ống cấp nước, thoát nước, xăng, dầu, khí, năng lượng, hóa chất (khoản 5 Điều 3 Nghị định 56/2018/NĐ-CP).

Theo Điều 12 Luật Đường sắt 2017, quy định về đất dành cho đường sắt như sau:

– Đất dành cho đường sắt bao gồm:

+ Đất dùng để xây dựng công trình đường sắt;

+ Đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt;

+ Đất trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt.

– Việc sử dụng đất dành cho đường sắt được quy định như sau:

+ Đất dành cho đường sắt được dùng để xây dựng công trình đường sắt và bảo đảm an toàn giao thông đường sắt theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Trường hợp đất dành cho đường sắt phải sử dụng kết hợp để xây dựng công trình thiết yếu phục vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế – xã hội không thể bố trí ngoài phạm vi đất này thì không được làm ảnh hưởng đến công trình đường sắt, an toàn giao thông đường sắt và khi thực hiện phải được cấp phép theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

+ Tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm sử dụng, khai thác đất dành cho đường sắt theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật.

2. Điều kiện gia hạn

Theo Điều 52 Thông tư 25/2018/TT-BGTVT, tổ chức là chủ đầu tư dự án có nhu cầu gia hạn giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt thì lập hồ sơ đề nghị đến cơ quan cấp giấy phép theo quy định của pháp luật để được gia hạn giấy phép xây dựng.

Lưu ý

Chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng quyết định trình tự thực hiện gia hạn giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt chuyên dùng (khoản 7 Điều 52 Thông tư 25/2018/TT-BGTVT).

3. Thẩm quyền gia hạn

Theo quy định tại Điều 48 Thông tư 25/2018/TT-BGTVT thì:

Cục Đường sắt Việt Nam có thẩm quyền gia hạn Giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt quốc gia.

Cơ quan theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện gia hạn Giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt đô thị.

4. Một số lưu ý

Mỗi Giấy phép chỉ được gia hạn 01 lần, thời gian gia hạn không quá 12 tháng đồng thời không vượt quá thời gian thực hiện dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (khoản 6 Điều 52 Thông tư 25/2018/TT-BGTVT).

– Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm trả kết quả trong ngày làm việc về thành phần hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt.

– Trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc thực hiện qua môi trường mạng, nếu thành phần hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền thông báo bằng văn bản hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.

– Trường hợp thực hiện trên môi trường mạng, chủ đầu tư dự án có nhu cầu gia hạn giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt lập hồ sơ đề nghị gồm tệp tin chứa bản chụp chính hồ sơ, tài liệu theo quy định và thực hiện trên địa chỉ website: https://dichvucong.mt.gov.vn.

Kết luận: Việc cấp, gia hạn Giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt là một thủ tục bắt buộc và quan trọng, được quy định cụ thể tại Luật Đường sắt 2017, Nghị định 56/2018/NĐ-CP, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Thông tư 50/2015/TT-BGTVT, Thông tư 25/2018/TT-BGTV và Quyết định 52/QĐ-BGTVT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp Giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt

Gia hạn Giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt