4. Xóa, thu hồi, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt

Posted on

Xóa, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt là thủ tục quan trọng trong lĩnh vực giao thông đường sắt. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cung cấp nội dung cụ thể về Xóa, thu hồi, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt theo Luật Đường sắt 2017Thông tư 21/2018/TT-BGTVT như sau:

1. Một số khái niệm cơ bản

Phương tiện giao thông đường sắt là đầu máy, toa xe, phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt (khoản 26 Điều 3 Luật Đường sắt 2017).

Phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt là phương tiện dùng để vận chuyển người, vật tư, thiết bị phục vụ cứu viện, cứu hộ tai nạn giao thông đường sắt; kiểm tra thi công, bảo trì, sửa chữa công trình đường sắt; phục vụ an ninh, quốc phòng (khoản 1 Điều 3 Thông tư 21/2018/TT-BGTVT).

Thay đổi tính năng sử dụng hoặc thay đổi các thông số kỹ thuật chủ yếu của phương tiện giao thông đường sắt là việc thay đổi động cơ khác kiểu loại, thay đổi công suất động cơ, thay đổi kiểu truyền động, thay đổi khổ đường đối với đầu máy; thay đổi tính năng sử dụng, thay đổi tải trọng, thay đổi khổ đường đối với toa xe; thay đổi tính năng sử dụng, thay đổi khổ đường đối với phương tiện chuyên dùng; thay đổi kiểu loại, công suất động cơ, kiểu truyền động đối với toa xe động lực đường sắt đô thị (khoản 2 Điều 3 Thông tư 21/2018/TT-BGTVT).

Cấp Giấy chứng nhận đăng ký là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho những phương tiện được nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp trong nước trước khi đưa ra khai thác, vận dụng trên đường sắt theo đề nghị của chủ sở hữu (khoản 1 Điều 4 Thông tư 21/2018/TT-BGTVT).

2. Điều kiện đối với phương tiện giao thông đường sắt

2.1. Điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông đường sắt

Phương tiện giao thông đường sắt khi tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện sau đây (khoản 1 Điều 30 Luật Đường sắt 2017):

– Bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;

– Có Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt do cơ quan có thẩm quyền cấp;

– Có Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt hoặc Giấy chứng nhận kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt do cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực.

2.2. Điều kiện đăng ký phương tiện giao thông đường sắt

Phương tiện giao thông đường sắt khi đáp ứng các yêu cầu sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt (khoản 1 Điều 31 Luật Đường sắt 2017):

– Có nguồn gốc hợp pháp;

– Đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

3. Cấp lại giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt

Các trường hợp cấp lại giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt (khoản 2 Điều 4 Thông tư 21/2018/TT-BGTVT và khoản 2, khoản 3 Điều 31 Luật Đường sắt 2017)

– Phương tiện giao thông đường sắt thay đổi tính năng sử dụng hoặc thay đổi các thông số kỹ thuật chủ yếu.

– Trường hợp chuyển quyền sở hữu.

– Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký bị mất, bị hư hỏng.

4. Xóa, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt

Căn cứ tại Khoản 4 Điều 31 Luật Đường sắt 2017, theo đó chủ sở hữu phương tiện giao thông đường sắt phải khai báo và nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt để xóa đăng ký trong các trường hợp sau đây:

– Phương tiện giao thông đường sắt không còn sử dụng cho giao thông đường sắt;

– Phương tiện giao thông đường sắt bị mất tích, bị phá huỷ.

5. Những lưu ý khi xóa, thu hồi, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt

– Chủ sở hữu phương tiện có nhu cầu thu hồi, xóa, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và hợp pháp của hồ sơ thu hồi, xóa giấy chứng nhận đăng ký theo quy định.  

– Khi chủ sở hữu có nhu cầu cấp lại giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt mà giấy chứng nhận đăng ký trước đó bị mất thì căn cứ vào hồ sơ của phương tiện, Cục Đường sắt Việt Nam xem xét và cấp cho chủ sở hữu phương tiện Giấy xác nhận khai báo mất giấy chứng nhận đăng ký theo quy định.

– Hồ sơ đề nghị xóa, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký phải có bản chính giấy chứng nhận đăng ký. Trường hợp chủ sở hữu bị mất giấy chứng nhận đăng ký thì căn cứ vào hồ sơ của phương tiện, Cục Đường sắt Việt Nam xem xét và cấp cho chủ sở hữu phương tiện Giấy xác nhận khai báo mất giấy chứng nhận đăng ký theo quy định

– Sau khi thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký, trong vòng 03 ngày làm việc, Cục Đường sắt Việt Nam thông báo kết quả bằng văn bản cho chủ sở hữu phương tiện biết.

Kết luận: Khi xóa, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt thì chủ sở hữu phương tiện nộp hồ sơ đề nghị thu hồi, xóa giấy chứng nhận đăng ký gửi đến Cục Đường sắt Việt Nam, đồng thời đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Điều 31 Luật Đường sắt 2017 và Điều 7, 8 Thông tư 21/2018/TT-BGTVT.

Chi tiết trình tự thủ tục, hồ sơ, mẫu đơn xem tại đây:

Xóa, thu hồi, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt