5. Sát hạch, cấp Giấy phép lái tàu

Posted on

Người trực tiếp lái phương tiện giao thông đường sắt phải được cơ quan có thẩm quyền thực hiện sát hạch, cấp Giấy phép lái tàu. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cung cấp nội dung cụ thể về sát hạch, cấp giấy phép lái tàu theo Luật Đường sắt 2017, và Thông tư 198/2016/TT-BTC.

1. Các loại giấy phép lái tàu

Theo khoản 1, 2 Điều 27 Thông tư 33/2018/TT- BGTVT:

– Giấy phép lái tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng và giấy phép lái tàu phục vụ dây chuyền công nghệ của doanh nghiệp (đường sắt dùng riêng của doanh nghiệp) bao gồm các loại sau:

+ Giấy phép lái đầu máy diesel (dùng cho cả lái toa xe động lực diesel);

+ Giấy phép lái đầu máy điện (dùng cho cả lái toa xe động lực chạy điện);

+  Giấy phép lái đầu máy hơi nước;

+  Giấy phép lái phương tiện chuyên dùng đường sắt.

– Giấy phép lái tàu trên đường sắt đô thị bao gồm:

+  Giấy phép lái tàu điện (bao gồm cả đầu máy điện), đầu máy diesel, phương tiện chuyên dùng trên đường sắt đô thị;

+  Giấy phép lái tàu điện, đầu máy diesel, đầu máy điện, phương tiện chuyên dùng trong phạm vi xưởng kiểm tra tàu đường sắt đô thị (depot);

+  Giấy phép lái tàu điện (bao gồm cả đầu máy điện), đầu máy diesel, phương tiện chuyên dùng trên đường sắt đô thị cấp cho lái tàu là người nước ngoài.

=> Như vậy, giấy phép lái tàu bao gồm các loại giấy phép trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, giấy phép lái tàu phục vụ dây chuyền công nghệ của doanh nghiệp và giấy phép trên đường sắt đô thị.

2. Điều kiện sát hạch và cấp giấy phép lái tàu

– Điều kiện sát hạch:

+ Có độ tuổi từ đủ 23 đến 55 đối với nam, từ đủ 23 đến 50 đối với nữ, có đủ sức khỏe để lái các loại phương tiện giao thông đường sắt theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

+ Có bằng hoặc chứng chỉ về lái phương tiện giao thông đường sắt phù hợp với loại phương tiện dự sát hạch;

+ Đối với chức danh lái tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng phải có thời gian làm phụ lái tàu an toàn liên tục 24 tháng trở lên.

– Điều kiện để được cấp giấy phép lái tàu:

+ Có đủ hồ sơ theo quy định;

+ Đạt yêu cầu đối với các nội dung sát hạch theo quy định (Điều 28 Thông tư 33/2018/TT- BGTVT).

3. Những lưu ý khi sát hạch, cấp giấy phép lái tàu

– Thí sinh được công nhận đạt yêu cầu kỳ sát hạch khi đạt yêu cầu cả sát hạch lý thuyết và sát hạch thực hành và không vi phạm các lỗi bị đình chỉ sát hạch theo quy định (Điều 34 Thông tư 33/2018/TT- BGTVT).

* Đình chỉ sát hạch: Chủ tịch Hội đồng sát hạch ra quyết định đình chỉ sát hạch đối với thí sinh dự sát hạch trong các trường hợp sau đây:

– Đối với sát hạch lý thuyết:

+ Vi phạm quy định bị lập biên bản đến lần thứ 2;

+ Mang tài liệu, vật dụng không được phép vào phòng thi.

– Đối với thực hành khám máy, kiểm tra kỹ thuật trước khi vận hành, xử lý sự cố và tình huống khẩn cấp:

+ Quá thời gian quy định trên 20 phút;

+ Để xảy ra tai nạn lao động đến mức Tổ sát hạch phải dừng sát hạch để giải quyết;

+ Làm hỏng các chi tiết máy đến mức phải bồi thường vật chất hoặc phải thay thế.

– Đối với thực hành lái tàu:

+ Phạm lỗi đến mức bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành đối với lái tàu;

+ Tự động mở máy cho tàu chạy vào khu gian khi chưa có chứng vật chạy tàu hoặc tín hiệu phát xe của trực ban chạy tàu ga, trưởng tàu;

+ Tàu chưa dừng hẳn đã đổi chiều chạy;

+ Sử dụng hãm với áp lực gió quá lớn gây trượt lết tàu;

+ Để tàu chết máy trên dốc, gây sự cố, dừng tàu vượt mốc tránh va chạm;

+ Không phát hiện và xử lý kịp thời tình huống phát sinh gây chết máy, dừng tàu;

+ Để xảy ra các tình huống nguy hiểm khác mà Tổ sát hạch buộc phải sử dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn, chống xảy ra tai nạn.

– Trong quá trình sát hạch không chấp hành lệnh của sát hạch viên hoặc có hành vi gây rối, mất trật tự đến mức bị lập biên bản (Điều 33 Thông tư 33/2018/TT- BGTVT).

– Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị thuê người nước ngoài đã có giấy phép lái tàu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền nước ngoài cấp thì phải có hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị và lái tàu là người nước ngoài (khoản 2 Điều 36 Thông tư 33/2018/TT- BGTVT).

 – Giấy phép lái tàu có thời hạn là 10 năm, kể từ ngày cấp (khoản 3 Điều 27 Thông tư 33/2018/TT- BGTVT).

4. Sử dụng giấy phép lái tàu

– Người được cấp giấy phép chỉ được điều khiển loại phương tiện giao thông đường sắt và phạm vi điều khiển đã quy định trong giấy phép và phải mang theo giấy phép khi lái tàu.

– Người được cấp Giấy phép lái đầu máy diesel (dùng cho cả lái toa xe động lực diesel); Giấy phép lái đầu máy điện (dùng cho cả lái toa xe động lực chạy điện); Giấy phép lái đầu máy hơi nước được phép lái các loại phương tiện chuyên dùng đường sắt tương ứng nhưng phải được đào tạo, kiểm tra nghiệp vụ đạt yêu cầu đối với loại phương tiện giao thông đường sắt chuyên dùng tương ứng do doanh nghiệp quy định và tổ chức.

– Người được cấp Giấy phép lái đầu máy diesel (dùng cho cả lái toa xe động lực diesel); Giấy phép lái đầu máy điện (dùng cho cả lái toa xe động lực chạy điện); Giấy phép lái đầu máy hơi nước; Giấy phép lái phương tiện chuyên dùng đường sắt được phép lái tàu chạy trên đường sắt dùng riêng của doanh nghiệp.

– Người được cấp Giấy phép lái đầu máy diesel (dùng cho cả lái toa xe động lực diesel), Giấy phép lái đầu máy hơi nước được phép lái tàu trong phạm vi xưởng kiểm tra tàu đường sắt đô thị (depot).

Lưu ý: Lái tàu không đảm nhiệm chức danh theo giấy phép từ 12 tháng trở lên thì giấy phép đó không còn giá trị, nếu muốn đảm nhiệm lại chức danh thì phải thực hiện sát hạch và cấp giấy phép lái tàu theo quy định (khoản 4 Điều 27 Thông tư 33/2018/TT- BGTVT).

5. Xử phạt vi phạm hành chính

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lái tàu thực hiện hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường sắt mà không mang theo Giấy phép lái tàu hoặc sử dụng Giấy phép lái tàu quá hạn hoặc Giấy phép lái tàu không phù hợp với phương tiện điều khiển.

– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn giả, Giấy phép lái tàu giả hoặc không có Giấy phép lái tàu. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân thực hiện hành vi vi này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu bằng, chứng chỉ chuyên môn giả, Giấy phép lái tàu giả (Điều 62 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Kết luận: Khi sát hạch, cấp giấy phép lái tàu thì doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu sát hạch cấp giấy phép lái tàu nộp hồ sơ đến Cục Đường sắt Việt Nam, đồng thời đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Thông tư 33/2018/TT- BGTVT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Sát hạch, cấp Giấy phép lái tàu