6. Chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang (đối với đường sắt có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 100 km/giờ giao nhau với đường bộ; đường sắt giao nhau với đường bộ từ cấp IV trở xuống)
Chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang (đối với đường sắt có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 100 km/giờ giao nhau với đường bộ; đường sắt giao nhau với đường bộ từ cấp IV trở xuống) là thủ tục quan trọng nhằm xem xét điều kiện xây dựng đường ngang đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông đường bộ, đường sắt. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo Luật Đường sắt 2017 và Nghị định 65/2018/NĐ-CP.
1. Một số khái niệm liên quan.
Tại Khoản 6 Điều 3 Luật Đường sắt 2017 có quy định: “Công trình đường sắt là công trình xây dựng phục vụ giao thông vận tải đường sắt, bao gồm đường, cầu, cống, hầm, kè, tường chắn, ga, đề-pô, hệ thống thoát nước, hệ thống thông tin, tín hiệu, hệ thống báo hiệu cố định, hệ thống cấp điện và các công trình, thiết bị phụ trợ khác của đường sắt.”.
Theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật Đường sắt 2017 thì: “Đường ngang là đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng và khai thác.”.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 65/2018/NĐ-CP thì: “Đường ngang nguy hiểm là đường ngang thường xuyên xảy ra hoặc có thể xảy ra tai nạn giao thông trong khu vực đường ngang theo tiêu chí xác định tại Điều 6, Điều 7 của Nghị định này.”.
2. Quy định về đường sắt giao nhau với đường sắt hoặc đường bộ.
Tại Điều 17 Nghị định 65/2018/NĐ-CP có quy định về việc đường sắt giao nhau với đường sắt hoặc đường bộ như sau:
– Đường sắt giao nhau với đường sắt phải giao khác mức, trừ trường hợp đường sắt chuyên dùng giao nhau với đường sắt chuyên dùng.
– Đường sắt giao nhau với đường bộ phải xây dựng nút giao khác mức trong các trường hợp sau đây:
+ Đường sắt có tốc độ thiết kế từ 100 km/h trở lên giao nhau với đường bộ;
+ Đường sắt giao nhau với đường bộ từ cấp III trở lên; đường sắt giao nhau với đường bộ đô thị;
+ Đường sắt đô thị giao nhau với đường bộ, trừ đường xe điện bánh sắt.
– Chủ đầu tư xây dựng đường sắt mới phải chịu trách nhiệm xây dựng nút giao khác mức theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Chủ đầu tư xây dựng đường bộ mới phải chịu trách nhiệm xây dựng nút giao khác mức theo quy định tại khoản 2 Điều này.
– Trường hợp không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khi chưa có đủ điều kiện tổ chức giao khác mức thì Ủy ban nhân dân các cấp, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ đầu tư dự án hoặc tổ chức, cá nhân có nhu cầu giao thông qua đường sắt phải tuân theo những quy định sau đây:
+ Nơi xây dựng đường ngang phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép;
+ Nơi không được phép xây dựng đường ngang phải xây dựng đường gom nằm ngoài hành lang an toàn giao thông đường sắt để dẫn tới đường ngang hoặc nút giao khác mức gần nhất.
– Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về:
+ Đường ngang, giao thông tại khu vực đường ngang; việc cấp, gia hạn Giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bãi bỏ đường ngang;
+ Cầu chung, giao thông trên khu vực cầu chung;
+ Kết nối tín hiệu đèn giao thông đường bộ với tín hiệu đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang, cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.
– Chính phủ quy định việc xử lý các vị trí đường sắt giao nhau với đường sắt, đường sắt giao nhau với đường bộ không phù hợp với quy định của Luật này, các lối đi tự mở và lộ trình thực hiện.
Lưu ý: Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 65/2018/NĐ-CP thì việc xử lý các vị trí đường sắt giao nhau với đường sắt, đường sắt giao nhau với đường bộ không phù hợp với quy định của Luật Đường sắt, các lối đi tự mở phải đảm bảo các yêu cầu và nguyên tắc sau:
– Phù hợp với quy hoạch tuyến, ga đường sắt và quy hoạch tỉnh nơi có đường sắt đi qua.
– Không phát sinh thêm lối đi tự mở; giảm và tiến tới xóa bỏ các lối đi tự mở bằng các biện pháp xây dựng các đường gom, hàng rào dọc theo đường sắt, giao cắt khác mức qua đường sắt phù hợp khả năng huy động vốn.
– Các công trình xây dựng dọc ngoài hành lang an toàn giao thông đường sắt tại đường ngang phải có giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện trong quá trình khai thác.
– Đường ngang xây dựng mới phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, phù hợp với quy hoạch và tuân thủ các quy định của pháp luật.
3. Đường sắt có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 100 km/giờ giao nhau với đường bộ; đường sắt giao nhau với đường bộ từ cấp IV trở xuống.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định 65/2018/NĐ-CP thì: “Tại điểm giao cắt giữa đường sắt có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 100 km/giờ với đường bộ, đường sắt giao nhau với đường bộ từ cấp IV trở xuống phải xây dựng đường ngang. Dự án đầu tư xây dựng đường ngang được thực hiện theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.”.
Lưu ý: Tại Khoản 4, Khoản 5 và Khoản 6 Điều 12 Nghị định 65/2018/NĐ-CP có quy định như sau:
– Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng, tổ chức, cá nhân sử dụng đường ngang có trách nhiệm thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt tại đường ngang.
– Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đường sắt đi qua chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng, tổ chức, cá nhân liên quan để giải tỏa hành lang an toàn giao thông tại đường ngang theo quy định.
– Chủ đầu tư xây dựng công trình mới có trách nhiệm đầu tư, xây dựng, nâng cấp, cải tạo và tổ chức quản lý, bảo trì, vận hành đường ngang theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Kết luận: Khi thực hiện thủ tuc chấp nhận chủ trương xây dựng đường ngang (đối với đường sắt có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 100 km/giờ giao nhau với đường bộ; đường sắt giao nhau với đường bộ từ cấp IV trở xuống) cần phải tuân thủ theo quy định tại Luật Đường sắt 2017 và Nghị định 65/2018/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Chấp nhận chủ trương xây dựng đường ngang (đối với đường sắt có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 100 km/giờ giao nhau với đường bộ; đường sắt giao nhau với đường bộ từ cấp IV trở xuống)