7. Chấp thuận chủ trương kết nối các tuyến đường sắt
Về chấp thuận chủ trương kết nối các tuyến đường sắt. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Luật đường sắt 2017, Nghị định 12/2017/NĐ-CP, Thông tư 26/2018/TT-BGTVT.
1. Một số khái niệm
Tuyến đường sắt là một hoặc nhiều khu đoạn liên tiếp tính từ ga đường sắt đầu tiên đến ga đường sắt cuối cùng. (khoản 27 Điều 3 Luật đường sắt 2017)
Nguyên tắc kết nối các tuyến đường sắt theo quy định tại Điều 4 Thông tư 26/2018/TT-BGTVT. như sau:
– Việc kết nối và vị trí kết nối các tuyến đường sắt phải phù hợp với quy hoạch về đường sắt và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nơi có vị trí kết nối đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Việc khai thác các tuyến đường sắt sau khi kết nối phải bảo đảm hiệu quả, tạo động lực phát triển hơn so với khi chưa kết nối; bảo đảm đồng bộ, an toàn, quốc phòng, an ninh, phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn, cảnh quan đô thị và bảo vệ môi trường.
– Việc kết nối các tuyến đường sắt không làm ảnh hưởng đến vận hành, khai thác, an toàn giao thông của các tuyến đường sắt liên quan.
– Việc điều hành giao thông vận tải trên tuyến đường sắt sau khi kết nối phải tuân thủ theo quy định của Luật Đường sắt và thực hiện như sau:
+ Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia chủ trì, phối hợp và thống nhất với chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị khi kết nối với đường sắt quốc gia;
+ Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị trên tuyến đường sắt đô thị sẽ được kết nối chủ trì, phối hợp và thống nhất với doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị trên tuyến đường sắt đô thị có nhu cầu kết nối.
– Hồ sơ dự án đầu tư xây dựng công trình kết nối các tuyến đường sắt phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và phải được sự chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải khi kết nối với đường sắt quốc gia hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi kết nối với đường sắt đô thị.
– Trường hợp cần kết nối các tuyến đường sắt đô thị để dùng chung kết cấu hạ tầng hoặc kết nối tạm để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho từng trường hợp cụ thể.
– Trường hợp các tuyến đường sắt đô thị do một chủ đầu tư thực hiện đã có kế hoạch chạy tàu thông tuyến, thiết kế kỹ thuật, công nghệ đồng bộ và phù hợp với chủ trương kết nối đã được chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt thì được miễn giấy phép kết nối.
Điều kiện kết nối theo quy định tại Điều 5 Thông tư 26/2018/TT-BGTVT. bao gồm:
– Việc kết nối các tuyến đường sắt phải được cấp có thẩm quyền cho phép và chỉ được thực hiện khi có giấy phép kết nối theo quy định tại Thông tư này.
– Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ áp dụng của tuyến đường sắt có nhu cầu kết nối phải tương thích với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ áp dụng của tuyến đường sắt sẽ được kết nối.
– Khổ giới hạn đầu máy toa xe và tải trọng đoàn tàu khi khai thác từ tuyến đường sắt có nhu cầu kết nối vào tuyến đường sắt sẽ được kết nối không được vượt quá khổ giới hạn đầu máy toa xe, tải trọng cho phép cho từng đoạn, khu đoạn, tuyến đường sắt sẽ được kết nối theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt và công lệnh tải trọng đã công bố.
– Việc kết nối các tuyến đường sắt đô thị chỉ thực hiện đối với các tuyến đồng nhất về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ áp dụng trong xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng, chế tạo đoàn tàu đồng thời bảo đảm công tác quản lý điều hành chạy tàu liên tục, thông suốt, an toàn và hiệu quả.
2. Chấp thuận chủ trương kết nối các tuyến đường sắt
Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương kết nối các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng với đường sắt quốc gia theo quy định tại Thông tư này. (khoản 1 Điều 7 Thông tư 26/2018/TT-BGTVT.)
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có đường sắt đô thị chấp thuận chủ trương kết nối đối với: Các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn quản lý; Các tuyến đường sắt đô thị với tuyến đường sắt đô thị đi qua địa giới hành chính hai tỉnh trở lên trong trường hợp vị trí kết nối trên địa bàn quản lý. (khoản 2 Điều 7 Thông tư 26/2018/TT-BGTVT)
Trước khi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình phải thực hiện nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định đề nghị chấp thuận chủ trương kết nối trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương kết nối để được chấp thuận chủ trương kết nối. (điểm a khoản 2 Điều 8 Thông tư 26/2018/TT-BGTVT)
Cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương kết nối tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, chậm nhất sau 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ phải có văn bản hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện. (điểm b khoản 2 Điều 8 Thông tư 26/2018/TT-BGTVT)
Thời hạn giải quyết hồ sơ: 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền có văn bản chấp thuận chủ trương kết nối. Trường hợp không chấp thuận phải có văn bản nêu rõ lý do. (khoản 3 Điều 8 Thông tư 26/2018/TT-BGTVT)
Kết luận: Trước khi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình phải thực hiện nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định đề nghị chấp thuận chủ trương kết nối. Trình tự thủ tục chấp thuận chủ trương kết nối các tuyến đường sắt phải tuân theo quy định Luật đường sắt 2017, Nghị định 12/2017/NĐ-CP, Thông tư 26/2018/TT-BGTVT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Chấp thuận chủ trương kết nối các tuyến đường sắt