19. Chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với các công trình thi công liên quan đến đường thủy nội địa địa phương; đường thuỷ nội địa chuyên dùng nối với đường thuỷ nội địa địa phương
Chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với các công trình thi công liên quan đến đường thủy nội địa địa phương; đường thuỷ nội địa chuyên dùng nối với đường thuỷ nội địa địa phương là thủ tục hành chính là thủ tục hành chính do chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân thực hiện để đề nghị chấp thuận phương án đảm bảo an toàn giao thông. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), Thông tư 15/2016/TT-BGTVT như sau:
1. Một số khái niệm liên quan
– Hoạt động giao thông đường thủy nội địa gồm hoạt động của người, phương tiện tham gia giao thông vận tải trên đường thủy nội địa; quy hoạch phát triển, xây dựng, khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa và quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa. (khoản 1 Điều 1 Luật giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014)
– Luồng chạy tàu thuyền (sau đây gọi là luồng) là vùng nước được giới hạn bằng hệ thống báo hiệu đường thuỷ nội địa để phương tiện đi lại thông suốt, an toàn. (khoản 2 Điều 3 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004)
– Chiều dài luồng đường thủy nội địa được xác định từ điểm đầu đến điểm cuối theo chiều dài của tim luồng đường thủy nội địa. (khoản 2 Điều 3 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT)
– Tuyến đường thủy nội địa là một hoặc nhiều luồng chạy tàu, thuyền trên sông, kênh, rạch, hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo. Chiều dài tuyến đường thủy nội được xác định từ điểm đầu đến điểm cuối. (khoản 3 Điều 3 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT)
– Âu tàu là công trình chuyên dùng dâng nước, hạ nước để đưa phương tiện qua nơi có mực nước chênh lệch trên đường thuỷ nội địa. (khoản 3 Điều 3 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004)
– Đường thủy nội địa là luồng, âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thuỷ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải. (khoản 4 Điều 3 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004)
Người vận tải là tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện để vận tải người, hàng hóa trên đường thuỷ nội địa. (khoản 22 Điều 3 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004)
Người kinh doanh vận tải là người vận tải giao kết hợp đồng vận tải hàng hoá, hành khách với người thuê vận tải để thực hiện việc vận tải hàng hoá, hành khách mà có thu cước phí vận tải. (khoản 23 Điều 3 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004)
2. Các loại đường thủy nội địa
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT thì đường thủy nội địa được phân loại thành đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa địa phương và đường thủy nội địa chuyên dùng, cụ thể:
– Đường thủy nội địa quốc gia là đường thủy nội địa nối liền các trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội, các đầu mối giao thông vận tải quan trọng phục vụ kinh tế, quốc phòng, an ninh quốc gia hoặc đường thủy nội địa có hoạt động vận tải thủy qua biên giới. Danh mục các tuyến đường thủy nội địa quốc gia quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
– Đường thủy nội địa địa phương là đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ yếu phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) công bố Danh mục các tuyến đường thủy nội địa địa phương trên cơ sở đề nghị của Sở Giao thông vận tải.
– Đường thủy nội địa chuyên dùng là đường thủy nội địa nối liền cảng, bến thủy nội địa chuyên dùng với đường thủy nội địa quốc gia hoặc đường thủy nội địa địa phương, phục vụ cho nhu cầu giao thông vận tải của tổ chức, cá nhân. Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố đường thủy nội địa chuyên dùng theo quy định tại các Điều 6, 7 và Điều 8 của Thông tư này.
3. Dự án xây dựng công trình liên quan đến giao thông đường thủy nội địa
Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT:
– Các dự án xây dựng công trình liên quan đến giao thông đường thủy nội địa khi lập dự án đầu tư phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 12 của Thông tư này và trước khi thi công công trình phải có văn bản chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 12 của Thông tư này.
– Các dự án xây dựng công trình có liên quan đến giao thông đường thủy nội địa bao gồm:
+ Xây dựng cầu vĩnh cửu, cầu tạm, âu tàu, bến phà, cảng, bến thủy nội địa bốc xếp hàng hóa và đón trả hành khách, phong điện, nhiệt điện, các công trình nổi, công trình ngầm trên đường thủy nội địa;
+ Xây dựng, đường dây, đường ống vượt qua luồng trên không hoặc dưới đáy luồng;
+ Xây dựng công trình kè, đập, thủy điện, thủy lợi, thủy điện kết hợp giao thông, thủy lợi kết hợp giao thông, công trình chính trị khác (trừ công trình khẩn cấp phòng, chống lụt bão, bảo vệ đê);
+ Xây dựng cảng cá; cảng, bến làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng;
+ Thi công nạo vét (trừ nạo vét bảo trì đường thủy nội địa hàng năm và nạo vét bảo đảm giao thông kết hợp tận thu sản phẩm);
+ Khai thác tài nguyên;
+ Thi công trục vớt, thanh thải vật chướng ngại;
+ Các khu vực nuôi trồng thủy sản, hải sản (bè cá, đăng đáy cá, bài nuôi trồng thủy sản, hải sản), khu vực vùng nước hoạt động dạy nghề, vùng nước neo đậu phương tiện, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, khu vực thể thao trên đường thủy nội địa.
4. Chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với các công trình thi công liên quan đến đường thủy nội địa
4.1 Thẩm quyền chấp thuận
Căn cứ theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 12 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT về thẩm quyền chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa thì Sở Giao thông vận tải chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với thi công công trình trên đường thủy nội địa địa phương; đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương.
4.2 Hồ sơ
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT thì trước khi thi công công trình được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và điểm g khoản 2 Điều 11 của Thông tư này, chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân thi công dự án gửi 01 (một) bộ hồ sơ qua đường bưu chính, nộp trực tiếp hoặc hình thức phù hợp khác đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 12 của Thông tư này. Hồ sơ bao gồm:
– Văn bản đề nghị chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này.
– Phương án thi công công trình.
– Phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa khu vực thi công công trình, bao gồm:
+ Thuyết minh chung về phương án;
+ Bản vẽ mặt bằng tổng thể thể hiện phương án bố trí báo hiệu bảo đảm an toàn giao thông, vị trí các trạm điều tiết khống chế, bố trí phương tiện điều tiết khống chế;
+ Phương án bố trí nhân lực;
+ Quy chế hướng dẫn phương tiện qua khu vực thi công;
+ Thời gian thực hiện phương án.
Lưu ý: Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT: Đối với phương án bảo đảm an toàn giao thông điều chỉnh, ngoài phương án thi công công trình và phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa khu vực thi công công trình thì phải nêu rõ lý do điều chỉnh cho mỗi trường hợp.
4.3 Trình tự chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với thi công công trình liên quan đến đường thủy nội địa
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT: Đối với đường thủy nội địa địa phương; đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương thì trình tự chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với thi công công trình liên quan đến đường thủy nội địa như sau::
– Sở Giao thông vận tải tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng, đầy đủ theo quy định thì trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Giao thông vận tải phải hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ;
– Chậm nhất 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Sở Giao thông vận tải có văn bản chấp thuận. Trường hợp không chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do;
– Chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân thi công công trình và Sở Giao thông vận tải thống nhất xác định vùng nước và hiện trạng luồng trong phạm vi thi công công trình;
– Trong quá trình thi công công trình, chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân phải thực hiện đầy đủ phương án bảo đảm an toàn giao thông. Trường hợp phải thay đổi phương án thi công công trình và khai thác công trình, chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân thi công công trình phải lập lại hồ sơ trình Sở Giao thông vận tải xem xét chấp thuận điều chỉnh phương án bảo đảm an toàn giao thông. Trình tự thủ tục đề nghị điều chỉnh phương án bảo đảm an toàn giao thông thực hiện theo quy định tại Điều 15 của Thông tư này và điểm a, b, c khoản này.
5. Xử phạt hành chính
Căn cứ theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 6 Nghị định 132/2015/NĐ-CP: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng phương án bảo đảm an toàn giao thông được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa chấp thuận khi thi công công trình, trục vớt, thanh thải vật chướng ngại, nạo vét luồng, nạo vét vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác, khảo sát, thăm dò, tổ chức diễn tập, tập luyện thể dục, tập luyện, biểu diễn thi đấu thể thao, lễ hội, vui chơi giải trí trên đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa, phạm vi hành lang bảo vệ luồng:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định 132/2015/NĐ-CP: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thi công công trình, trục vớt, thanh thải vật chướng ngại, nạo vét luồng, khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác, khảo sát, thăm dò, tổ chức diễn tập, tập luyện thể dục, tập luyện, biểu diễn thi đấu thể thao, lễ hội, vui chơi giải trí trên đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa, phạm vi hành lang bảo vệ luồng mà không có phương án bảo đảm an toàn giao thông hoặc không thực hiện phương án bảo đảm an toàn giao thông được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa chấp thuận.
Kết luận: Chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với các công trình thi công liên quan đến đường thủy nội địa địa phương; đường thuỷ nội địa chuyên dùng nối với đường thuỷ nội địa địa phương là thủ tục hành chính do chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân thực hiện để đề nghị chấp thuận phương án đảm bảo an toàn giao thông. Khi thực hiện thủ tục này chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân cần phải tuân thủ theo quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), Thông tư 15/2016/TT-BGTVT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với các công trình thi công liên quan đến đường thủy nội địa địa phương; đường thuỷ nội địa chuyên dùng nối với đường thuỷ nội địa địa phương