2. Phê duyệt phương án vận tải hàng hóa siêu trường hoặc hàng hóa siêu trọng trên đường thủy nội địa

Posted on

Đối với hàng hóa siêu trường hoặc hàng hóa siêu trọng, trước khi được vận tải trên đường thủy nội địa, người vận tải phải lập phương án vận tải và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Nghị định 24/2015/NĐ-CP, Thông tư 61/2015/TT-BGTVT như sau:

1. Khái niệm

Hàng hóa là bất cứ tài sản nào, kể cả công-ten-nơ, ván sàn, tấm nâng hàng, vật liệu chèn lót hàng hóa hay công cụ vận chuyển, đóng gói tương tự khác mà không do tổ chức, cá nhân vận tải cung cấp (khoản 1 Điều 3 Thông tư 61/2015/TT-BGTVT).

Hàng hóa siêu trường là hàng hóa có kích thước thực tế không thể tháo rời với chiều rộng trên 10 m hoặc chiều dài trên 40 m hoặc chiều cao trên 4,5 m (khoản 8 Điều 3 Thông tư 61/2015/TT-BGTVT).

Hàng hóa siêu trọng là hàng hóa không thể tháo rời, có trọng lượng toàn bộ trên 100 tấn (khoản 9 Điều 3 Thông tư 61/2015/TT-BGTVT).

Cảng thủy nội địa là hệ thống công trình được xây dựng để phương tiện, tàu biển neo đậu, xếp dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện dịch vụ hỗ trợ khác. Cảng thủy nội địa có vùng đất cảng và vùng nước cảng (khoản 5 Điều 1 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2014).

– Vùng đất cảng được giới hạn để xây dựng cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước, lắp đặt thiết bị và công trình phụ trợ khác.

– Vùng nước cảng được giới hạn để thiết lập vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu hạ tải, khu tránh bão;

Lưu ý:

– Cảng thủy nội địa gồm cảng tổng hợp, cảng hàng hóa, cảng hành khách, cảng chuyên dùng và được phân thành cảng loại I, loại II, loại III (khoản 5 Điều 1 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2014).

2. Phê duyệt phương án vận tải hàng hóa siêu trường hoặc hàng hóa siêu trọng trên đường thủy nội địa

Việc vận tải hàng hoá siêu trường, siêu trọng phải sử dụng loại phương tiện phù hợp với loại hàng hoá và phải có phương án bảo đảm an toàn trong quá trình vận tải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (Điều 95 Luật Giao thông đường thủy nội đia 2004).

Khoản 3 Điều 12 Nghị định 24/2015/NĐ-CP, trước khi thực hiện việc vận tải hàng hóa siêu trường hoặc hàng hóa siêu trọng, thuyền trưởng của phương tiện hoặc người vận tải, người kinh doanh vận tải (gọi tắt là người vận tải) phải lập phương án vận tải và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Phương án vận tải hàng hóa siêu trường, hàng hóa siêu trọng có các nội dung chủ yếu sau:

– Xác định chiều rộng, chiều sâu, bán kính cong của luồng; chiều cao tĩnh không của các công trình vượt sông trên tuyến dự kiến vận tải;

– Vị trí, địa hình nơi xếp, dỡ hàng hóa thiết bị xếp, dỡ;

– Hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông, yêu cầu hỗ trợ (nếu có);

– Thời gian, địa điểm nghỉ trên đường hành trình.

3. Thẩm quyền phê duyệt phương án vận tải hàng hóa siêu trường hoặc hàng hóa siêu trọng

Theo Khoản 4 Điều 12  Nghị định 24/2015/NĐ-CP quy định về thẩm quyền phê duyệt phương án vận tải hàng hóa siêu trường hoặc hàng hóa siêu trọng:

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức phê duyệt phương án bảo đảm an toàn trong quá trình vận tải hàng hóa siêu trường, hàng hóa siêu trọng trong trường hợp phương tiện rời cảng thủy nội địa và hành trình trên tuyến đường thủy liên tỉnh;

Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức phê duyệt phương án bảo đảm an toàn trong quá trình vận tải hàng hóa siêu trường, hàng hóa siêu trọng trong trường hợp phương tiện rời cảng biển;

Sở Giao thông vận tải tổ chức phê duyệt phương án bảo đảm an toàn trong quá trình vận tải hàng hóa siêu trường, hàng hóa siêu trọng trong trường hợp phương tiện rời cảng thủy nội địa hành trình trên tuyến đường thủy nội địa nội tỉnh.

Kết luận: Trình tự, thủ tục phê duyệt phương án vận tải hàng hóa siêu trường hoặc hàng hóa siêu trọng trên đường thủy nội địa phải được đảm bảo thực hiện theo đúng quy định Điều 12 Nghị định 24/2015/NĐ-CP, Điều 11 Thông tư 61/2015/TT-BGTVT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Phê duyệt phương án vận tải hàng hóa siêu trường hoặc hàng hóa siêu trọng trên đường thủy nội địa