23. Công bố mở/đóng, không cho phép hoạt động tại vùng nước khác không thuộc vùng nước trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải, được đánh dấu, xác định vị trí bằng phao hoặc cờ hiệu có màu sắc dễ quan sát
Công bố mở, cho phép hoạt động tại vùng nước khác không thuộc vùng nước trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải, được đánh dấu, xác định vị trí bằng phao hoặc cờ hiệu có màu sắc dễ quan sát là một thủ tục quan trọng để các cá nhân, tổ chức có thể thực hiện những hoạt động vui chơi, giải trí tại vùng này. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến thủ tục trên theo Nghị định 48/2019/NĐ-CP.
1. Một số khái niệm liên quan.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 3 Nghị định 48/2019/NĐ-CP. thì vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước và người tham gia vui chơi, giải trí dưới nước được hiểu như sau:
– Phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước là tàu, thuyền hoặc cấu trúc nổi khác được dùng để phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước có sức chở không quá 05 người và hoạt động trong vùng hoạt động được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc công bố (sau đây viết tắt là phương tiện).
– Vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước là vùng nước mà phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước được phép hoạt động trong phạm vi ranh giới an toàn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc công bố.
– Người tham gia vui chơi, giải trí dưới nước là người ở trên phương tiện nhưng không trực tiếp điều khiển phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước, trừ nhân viên phục vụ trên phương tiện.
2. Quản lý hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước.
a) Nguyên tắc hoạt động vui chơi, giải trí.
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 48/2019/NĐ-CP., hoạt động vui chơi giải trí phải đảm bảo những nguyên tắc sau:
– Hoạt động vui chơi, giải trí phải bảo đảm trật tự, an toàn, an ninh, bảo vệ môi trường và hiệu quả; góp phần phát triển du lịch, phát triển kinh tế – xã hội.
– Việc đầu tư xây dựng vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước phải phù hợp với các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đã được phê duyệt. Khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước, chủ đầu tư phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.
– Tổ chức, cá nhân khai thác, cung cấp dịch vụ vui chơi, giải trí, người lái phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước và người tham gia vui chơi, giải trí dưới nước phải tuân thủ các quy định tại Nghị định này và quy định khác có liên quan của pháp luật.
b) Vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 48/2019/NĐ-CP thì vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước gồm 02 vùng:
+ Vùng 1: Là vùng nước trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải;
+ Vùng 2: Là vùng nước khác không thuộc vùng 1, được đánh dấu, xác định vị trí bằng phao hoặc cờ hiệu có màu sắc dễ quan sát.
Lưu ý: Căn cứ theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định 48/2019/NĐ-CP quy định về thời gian tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước thì căn cứ tình hình thực tế, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này quyết định khoảng thời gian trong ngày được phép tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí tại vùng 1; cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định này quy định khoảng thời gian trong ngày được phép tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí tại vùng 2.
3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác vùng hoạt động và cung cấp dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước.
Tại Điều 7 Nghị định 48/2019/NĐ-CPcó quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác vùng hoạt động và cung cấp dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước như sau:
– Thường xuyên kiểm tra điều kiện an toàn của phương tiện, thiết bị.
– Bố trí đầy đủ áo phao, thiết bị cứu sinh, thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
– Chỉ được phép tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí trong khoảng thời gian theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này và phải có phương án bảo đảm an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.
– Tập huấn, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho người tham gia hoạt động vui chơi, giải trí.
– Không đưa phương tiện vào hoạt động khi không đảm bảo các điều kiện an toàn theo quy định.
– Không cho phép người lái phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước điều khiển phương tiện ra khỏi vùng hoạt động đã được quy định.
– Có cảnh báo, chỉ dẫn về điều kiện khí hậu, thời tiết, sức khỏe và các yếu tố liên quan khi cung cấp dịch vụ; khuyến cáo những trường hợp không được tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước.
– Bố trí khu vực bến, bãi neo đậu cho các phương tiện; các phương tiện vui chơi, giải trí chỉ được phép neo đậu ở những nơi quy định.
– Bố trí báo hiệu theo quy định; trường hợp không bố trí báo hiệu thì phải bố trí phao và cờ hiệu như sau:
+ Đường kính phao tối thiểu là 50 cm, cờ hiệu 50 x 60 cm;
+ Khoảng cách giữa hai phao hoặc cờ hiệu là 10 m.
Kết luận: Khi thực hiện thủ tục công bố mở, cho phép hoạt động tại vùng nước khác không thuộc vùng nước trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải, được đánh dấu, xác định vị trí bằng phao hoặc cờ hiệu có màu sắc dễ quan sát cần phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định 48/2019/NĐ-CP
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây: