36. Công bố, công bố lại hoạt động cảng thủy nội địa
Công bố, công bố lại hoạt động cảng thủy nội địa là thủ tục quan trọng và cần thiết trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), Nghị định 132/2015/NĐ-CP và Thông tư 50/2014/TT-BGTVT.
1. Một số khái niệm liên quan.
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Thông tư 50/2014/TT-BGTVT thì:
– Cảng thủy nội địa là hệ thống các công trình được xây dựng để phương tiện thủy nội địa, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài neo đậu, xếp, dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện các dịch vụ hỗ trợ khác; cảng thủy nội địa có vùng đất cảng và vùng nước cảng. Cảng thủy nội địa bao gồm cảng tổng hợp, cảng hàng hóa, cảng hành khách, cảng chuyên dùng.
– Vùng đất của cảng được giới hạn để xây dựng công trình cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước, lắp đặt thiết bị và các công trình phụ trợ khác.
– Vùng nước của cảng được giới hạn để thiết lập vùng nước trước cảng, quay trở, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu hạ tải, khu tránh bão.
– Cảng tổng hợp là cảng vừa xếp dỡ hàng hóa, vừa đón trả hành khách và thực hiện các dịch vụ khác.
– Cảng chuyên dùng là cảng thủy nội địa của tổ chức, cá nhân dùng để xếp, dỡ hàng hóa, vật tư phục vụ sản xuất cho chính tổ chức, cá nhân đó hoặc phục vụ đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài.
2. Thẩm quyền công bố hoạt động cảng thủy nội địa.
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Thông tư 50/2014/TT-BGTVT thì các cơ quan có thẩm quyền công bố hoạt động cảng thủy nội địa là cơ quan đã chấp thuận chủ trương xây dựng trước đó, cụ thể như sau:
– Đối với cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài: Thẩm quyền công bố là Bộ Giao thông vận tải.
– Đối với cảng thủy nội địa không tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nằm trên địa giới của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cảng thủy nội địa có khu đất vừa trên đường thủy nội địa quốc gia vừa trên đường thủy nội địa địa phương hoặc vừa trên đường thủy nội địa quốc gia vừa trên vùng nước cảng biển: Thẩm quyền công bố là Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
– Đối với cảng thủy nội địa không tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia ủy quyền quản lý, đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương và bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển: Thẩm quyền công bố là Sở Giao thông vận tải.
Lưu ý: Tại Điều 8 Thông tư 50/2014/TT-BGTVT có quy định:
– Thời hạn hiệu lực của quyết định công bố hoạt động cảng thủy nội địa bằng thời hạn sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền cấp cho chủ cảng hoặc theo đề nghị của chủ cảng.
– Trường hợp cảng mới xây dựng xong phần cầu tàu nhưng chủ đầu tư có nhu cầu sử dụng ngay phục vụ cho việc xây dựng các hạng mục công trình khác của cảng thì có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền công bố tạm thời phần cầu tàu đã hoàn thành theo thủ tục quy định, thời hạn hiệu lực của quyết định công bố tạm thời không quá 12 tháng.
3. Các trường hợp công bố lại cảng thủy nội địa.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư 50/2014/TT-BGTVT thì cảng thủy nội địa phải công bố lại trong các trường hợp sau:
– Khi thay đổi chủ sở hữu;
– Quyết định công bố hoạt động hết hiệu lực;
– Thay đổi kết cấu công trình cảng, vùng đất, vùng nước hoặc thay đổi công dụng của cảng.
Lưu ý:
– Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Thông tư 50/2014/TT-BGTVT thì Bộ Giao thông vận tải, Sở giao thông vận tải và Cục đường thủy nội địa Việt Nam có thẩm quyền công bố lại hoạt động của cảng thủy nội địa do mình đã chấp thuận chủ trương xây dựng.
– Tại Khoản 4 Điều 12 Thông tư 50/2014/TT-BGTVT có quy định: “Thời hạn hiệu lực của quyết định công bố lại hoạt động cảng thủy nội địa bằng thời hạn sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền cấp cho chủ cảng hoặc theo đề nghị của chủ cảng.”.
4. Xử lý vi phạm hành chính.
Tại Khoản 5 Điều 23 Nghị định 132/2015/NĐ-CP có quy định về một số hành vi vi phạm liên quan đến việc công bố lại cảng thủy nội địa và mức phạt cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây của chủ cảng, chủ khai thác cảng thủy nội địa:
+ Khai thác cảng thủy nội địa không đúng mục đích; quá phạm vi vùng nước hoặc khai thác quá thời hạn cho phép so với quyết định công bố;
+ Tự ý thay đổi kết cấu, kích thước, chức năng của cảng so với quy định tại quyết định công bố hoạt động;
+ Tiếp nhận phương tiện có mớn nước thực chở hoặc kích thước lớn hơn so với quy định trong quyết định công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi đưa cảng vào khai thác mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hoạt động.
Kết luận: Khi thực hiện thủ tục công bố, công bố lại hoạt động cảng thủy nội địa thì chủ cảng thủy nội địa cần tuân thủ theo quy định tại Nghị định 132/2015/NĐ-CP và Thông tư 50/2014/TT-BGTVT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tai đây:
Công bố hoạt động cảng thủy nội địa
Công bố lại cảng thủy nội địa