37. Chấp thuận chủ trương xây dựng cảng thủy nội địa

Posted on

Vấn đề chấp thuận chủ trương xây dựng cảng thủy nội địa. Dữ Liệu Pháp Lý giải thích cụ thể dựa trên những quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa được sửa đổi bổ sung năm 2014, Thông tư 50/2014/TT-BGTVT

1. Những quy định chung

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 50/2014/TT-BGTVT:

Cảng thủy nội địa là hệ thống các công trình được xây dựng để phương tiện thủy nội địa, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài neo đậu, xếp, dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện các dịch vụ hỗ trợ khác; cảng thủy nội địa có vùng đất cảng và vùng nước cảng.

Cảng thủy nội địa bao gồm cảng tổng hợp, cảng hàng hóa, cảng hành khách, cảng chuyên dùng.

Nguyên tắc đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa được quy định tại Điều 5 Thông tư 50/2014/TT-BGTVT:

+ Việc đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa phải tuân theo những quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng; phòng cháy, chữa cháy; bảo vệ môi trường; tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, bảo đảm an toàn giao thông và các quy định khác. Phải phù hợp với quy hoạch hệ thống cảng thủy nội địa đã được phê duyệt. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa chưa có trong quy hoạch hoặc có sự khác nhau so với quy hoạch, trước khi thực hiện dự án, chủ đầu tư phải báo cáo và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chấp thuận.

+ Chủ đầu tư xây dựng cảng thủy nôi địa khi có nhu cầu phê duyệt chấp thuận chủ trương xây dựng cảng thủy nội địa gửi hồ sơ yêu cầu phê duyệt đến Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải để được chấp thuận chủ trương xây dựng cảng thủy nội địa.

2. Thủ tục chấp thuận

– Thẩm quyền

+ Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương xây dựng cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài.

+ Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chấp thuận chủ trương xây dựng cảng thủy nội địa không tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nằm trên địa giới của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cảng thủy nội địa có khu đất vừa trên đường thủy nội địa quốc gia vừa trên đường thủy nội địa địa phương hoặc vừa trên đường thủy nội địa quốc gia vừa trên vùng nước cảng biển.

+ Sở Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương xây dựng cảng thủy nội địa không tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia ủy quyền quản lý, đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương và bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển thuộc phạm vi địa giới hành chính địa phương (khoản 1 Điều 6 Thông tư 50/2014/TT-BGTVT).

– Hồ sơ

Chủ đầu tư gửi 01 (một) bộ hồ sơ bao gồm:

+ Đơn đề nghị chấp thuận chủ trương xây dựng cảng thủy nội địa (Mẫu số 1 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 50/2014/TT-BGTVT).

+ Bình đồ vị trí công trình cảng dự kiến xây dựng, mặt bằng cảng, vùng nước trước cảng (khoản 2 Điều 6 Thông tư 50/2014/TT-BGTVT).

– Sau khi tiếp nhận hồ sơ Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải tiến hành kiểm tra và xử lý như sau:

+ Đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, nếu hồ sơ đầy đủ thì cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn kết quả theo thời hạn quy định; nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì trả lại ngay và hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ.

+ Trường hợp nhận hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác, nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì trong thời gian 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

+ Đối với cảng thủy nội địa có tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài:

Sau khi Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải thẩm định hồ sơ tiến hành trình Bộ Giao thông vận tải kết quả thẩm định, kèm theo 01 (một) bộ hồ sơ do chủ đầu tư nộp trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải có văn bản chấp thuận chủ trương xây dựng cảng thủy nội địa gửi chủ đầu tư. Trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

+ Đối với cảng thủy nội địa không tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài:

Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải có văn bản chấp thuận xây dựng cảng thủy nội địa gửi cho chủ đầu tư. Trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Đối với cảng thủy nội địa nằm trong vùng nước cảng biển, trước khi chấp thuận chủ trương xây dựng cảng thủy nội địa, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải phải lấy ý kiến bằng văn bản của Cảng vụ Hàng hải khu vực. Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn đề nghị của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ Hàng hải khu vực có văn bản trả lời (khoản 3 Điều 6 Thông tư 50/2014/TT-BGTVT).

Lưu ý

Văn bản chấp thuận chủ trương xây dựng cảng thủy nội địa có thời hạn 24 tháng (đối với công trình cảng thuộc dự án nhóm A), 12 tháng (đối với công trình cảng thuộc dự án nhóm B và nhóm C).

Trường hợp quá thời hạn trên, nếu chủ đầu tư có nhu cầu tiếp tục triển khai dự án phải thực hiện lại thủ tục chấp thuận chủ trương xây dựng cảng thủy nội địa (khoản 4 Điều 6 Thông tư 50/2014/TT-BGTVT).

Kết luận: Việc chấp thuận chủ trương xây dựng cảng thủy nội địa sẽ được quy định cụ thể dựa trên những quy định tại Thông tư 50/2014/TT-BGTVT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Chấp thuận chủ trương xây dựng cảng thủy nội địa