39. Xác nhận trình báo đường thủy nội địa hoặc trình báo đường thủy nội địa bổ sung
Việc xác nhận trình báo đường thủy nội địa hoặc trình báo đường thủy nội địa bổ sung được tiến hành theo quy định của pháp luật. Sau đây, Dữ liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này dựa trên những quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004, Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014, Thông tư 69/2014/TT-BGTVT.
1. Trình báo đường thủy nội địa
Trình báo đường thủy nội địa là văn bản thông báo hoàn cảnh phương tiện, tàu biển, tàu cá gặp phải và những biện pháp thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện đã áp dụng để khắc phục hoàn cảnh, hạn chế tổn thất xảy ra do thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện lập nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ phương tiện, chủ tàu biển, chủ tàu cá và những người có liên quan. (điểm b khoản 15 Điều 1 Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014)
Việc trình báo đường thủy nội địa phải thực hiện kể từ thời điểm phương tiện, tàu biển, tàu cá ghé vào cảng thủy nội địa đầu tiên sau khi xảy ra tai nạn, sự cố hoặc chậm nhất 3 ngày làm việc kể từ thời điểm xảy ra tai nạn, sự cố tại một trong các cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa, đơn vị quản lý đường thủy nội địa, Cảnh sát đường thủy, Ủy ban nhân dân gần nhất nơi xảy ra tai nạn, sự cố. (điểm c khoản 15 Điều 1 Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014)
2. Xác nhận trình báo đường thủy nội địa hoặc trình báo đường thủy nội địa bổ sung
2.1 Xác nhận trình báo đường thủy nội địa
Cơ quan xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa theo quy định tại Điều 5 Thông tư 69/2014/TT-BGTVT:
– Cảng vụ Đường thủy nội địa xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa của thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện của phương tiện thủy nội địa, tàu biển, tàu cá bị tai nạn, sự cố trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa.
– Trường hợp phương tiện thủy nội địa, tàu biển, tàu cá bị tai nạn, sự cố trên đường thủy nội địa (ngoài vùng nước cảng, bến thủy nội địa) thì thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện có thể trình báo đường thủy nội địa tại một trong các cơ quan Cảng vụ Đường thủy nội địa, đơn vị quản lý đường thủy nội địa, Cảnh sát đường thủy hoặc Ủy ban nhân dân gần nhất nơi xảy ra tai nạn, sự cố.
Thời hạn trình xác nhận trình báo đường thủy nội địa theo quy định tại Điều 6 Thông tư 69/2014/TT-BGTVT:
– Trường hợp phương tiện thủy nội địa, tàu biển, tàu cá bị tai nạn, sự cố trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa thì trình báo đường thủy nội địa phải được trình Cảng vụ Đường thủy nội địa trong thời hạn 48 (bốn mươi tám) giờ sau khi xảy ra tai nạn, sự cố.
– Trường hợp phương tiện thủy nội địa, tàu biển, tàu cá bị tai nạn, sự cố trên đường thủy nội địa (ngoài vùng nước cảng, bến thủy nội địa) thì trình báo đường thủy nội địa phải được trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 5 của Thông tư này chậm nhất 03 (ba) ngày làm việc, kể từ thời điểm xảy ra tai nạn, sự cố hoặc kể từ khi phương tiện thủy nội địa, tàu biển, tàu cá ghé vào cảng, bến thủy nội địa đầu tiên sau khi xảy ra tai nạn, sự cố.
– Trường hợp tai nạn, sự cố xảy ra có liên quan đến hàng hóa trong hầm hàng thì trình báo đường thủy nội địa phải được trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 5 của Thông tư này trước khi mở nắp hầm hàng. Trường hợp tai nạn, sự cố xảy ra với hàng hóa trong quá trình làm hàng (đã mở nắp hầm hàng) thì thực hiện theo khoản 2 Điều này.
– Trường hợp không thể trình báo đường thủy nội địa trong thời hạn quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này thì trong trình báo đường thủy nội địa phải ghi rõ nguyên nhân của sự chậm trễ đó.
Quá trình xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa theo quy định tại Điều 8 Thông tư 69/2014/TT-BGTVT:
– Khi thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện hoặc người được thuyền trưởng, người lái phương tiện ủy quyền nộp và xuất trình đủ các giấy tờ quy định tại Điều 7 của Thông tư này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa vào bản trình báo đường thủy nội địa.
– Các nội dung xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa bao gồm: Ngày, giờ nhận trình báo đường thủy nội địa; Xác nhận việc đã trình báo đường thủy nội địa; Họ, tên, chức danh và chữ ký của người xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa; Đóng dấu của cơ quan xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa.
– Thời hạn giải quyết xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa không quá 02 (hai) giờ làm việc đối với Cảng vụ đường thủy nội địa và 03 (ba) giờ làm việc đối với các cơ quan có thẩm quyền khác, kể từ khi đã nhận đủ các giấy tờ hợp lệ quy định tại Điều 7 của Thông tư này.
– Cơ quan xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa lưu 01 (một) bộ giấy tờ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 của Thông tư này, các giấy tờ còn lại trả cho thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện.
2.2 Xác nhận trình báo đường thủy nội địa bổ sung
Thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện có quyền lập trình báo đường thủy nội địa bổ sung nếu thấy cần thiết. (khoản 1 Điều 9 Thông tư 69/2014/TT-BGTVT)
Trình báo đường thủy nội địa bổ sung cũng phải được trình cho cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Thủ tục xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa bổ sung được áp dụng tương tự như thủ tục xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa. (khoản 2 Điều 9 Thông tư 69/2014/TT-BGTVT)
Kết luận: Việc xác nhận trình báo đường thủy nội địa hoặc trình báo đường thủy nội địa bổ sung được giải thích cụ thể dựa trên những quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004, Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014, Thông tư 69/2014/TT-BGTVT.
Chi tiết thủ tục, biểu mẫu xem tại đây:
Xác nhận trình báo đường thủy nội địa hoặc trình báo đường thủy nội địa bổ sung