4. Công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa trong trường hợp bảo đảm an ninh quốc phòng trên đường thủy nội địa quốc gia, địa phương
Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa trong trường hợp bảo đảm an ninh quốc phòng trên đường thủy nội địa quốc gia. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Thông tư 15/2016/TT-BGTVT như sau:
1. Phân loại đường thủy nội địa
Đường thủy nội địa được phân loại thành đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa địa phương và đường thủy nội địa chuyên dùng (Điều 4 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT):
– Đường thủy nội địa quốc gia là đường thủy nội địa nối liền các trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội, các đầu mối giao thông vận tải quan trọng phục vụ kinh tế, quốc phòng, an ninh quốc gia hoặc đường thủy nội địa có hoạt động vận tải thủy qua biên giới. Danh mục các tuyến đường thủy nội địa quốc gia quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
– Đường thủy nội địa địa phương là đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ yếu phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) công bố Danh mục các tuyến đường thủy nội địa địa phương trên cơ sở đề nghị của Sở Giao thông vận tải.
– Đường thủy nội địa chuyên dùng là đường thủy nội địa nối liền cảng, bến thủy nội địa chuyên dùng với đường thủy nội địa quốc gia hoặc đường thủy nội địa địa phương, phục vụ cho nhu cầu giao thông vận tải của tổ chức, cá nhân. Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố đường thủy nội địa chuyên dùng theo quy định tại các Điều 6, 7 và Điều 8 của Thông tư này.
2. Hạn chế giao thông đường thủy nội địa
Quy định tại Khoản 1 Điều 21 Luật Giao thông đường thủy nội địa, Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa công bố cụ thể thời gian, vị trí và mức độ hạn chế giao thông trên đường thủy nội địa trong các trường hợp sau đây:
+ Có vật chướng ngại đột xuất gây cản trở giao thông trên luồng;
+ Phòng, chống lụt, bão, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn;
+ Khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về thi công công trình, hoạt động thể thao, lễ hội, diễn tập hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh trên đường thuỷ nội địa.
3. Công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa trong trường hợp bảo đảm an ninh quốc phòng trên đường thủy nội địa quốc gia
3.1.Hồ sơ
Quy định tại Khoản 2 Điều 21 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT như sau: Trường hợp bảo đảm an ninh, quốc phòng trên tuyến đường thủy nội địa, tổ chức, cá nhân đề nghị công bố hạn chế giao thông lập 01 (một) bộ hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 20 của Thông tư này.
Hồ sơ bao gồm:
– Thuyết minh chung về phương án;
– Bản vẽ mặt bằng tổng thể thể hiện phương án bố trí báo hiệu bảo đảm an toàn giao thông, vị trí các trạm điều tiết khống chế, bố trí phương tiện điều tiết khống chế;
– Phương án bố trí nhân lực;
– Quy chế hướng dẫn phương tiện qua khu vực hoặc phương án phân luồng phương tiện theo tuyến khác đối với trường hợp cấm luồng;
– Thời gian thực hiện phương án hạn chế giao thông.
3.2. Thẩm quyền công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa
Điều 20 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT, thẩm quyền công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa quy định như sau:
– Bộ Giao thông vận tải công bố hạn chế giao thông trên cơ sở đề nghị của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đối với trường hợp bảo đảm an ninh, quốc phòng trên đường thủy nội địa quốc gia.
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố hạn chế giao thông trên cơ sở đề nghị của Sở Giao thông vận tải đối với trường hợp bảo đảm an ninh, quốc phòng trên đường thủy nội địa địa phương.
– Chi cục quản lý đường thủy nội địa công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa trên đường thủy nội địa quốc gia; đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia; đường thủy nội địa chuyên dùng nằm trên địa giới hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên và đường thủy nội địa chuyên dùng nối đường thủy nội địa quốc gia với đường thủy nội địa địa phương, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
– Sở Giao thông vận tải công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa trên đường thủy nội địa địa phương và đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này
Lưu ý:
– Chi phí để công bố hạn chế giao thông và chi phí thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trong thời gian hạn chế giao thông do tổ chức, cá nhân thi công công trình hoặc thực hiện các hoạt động quy định tại các khoản 2, 3 và khoản 4 Điều này chịu trách nhiệm, trừ trường hợp có vật chướng ngại đột xuất vô chủ (khoản 5 Điều 21 của Thông tư 15/2016/TT-BGTVT).
Kết luận: Trường hợp bảo đảm an ninh, quốc phòng trên tuyến đường thủy nội địa, tổ chức, cá nhân đề nghị công bố hạn chế giao thông lập 01 (một) bộ hồ sơ gửi đến Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 20 của Thông tư 15/2016/TT-BGTVT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa trong trường hợp bảo đảm an ninh quốc phòng trên đường thủy nội địa quốc gia