12. Giải quyết hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đối với người chấp hành xong hình phạt tù, người xuất cảnh trái phép trở về nước định cư hợp pháp, người được Tòa án hủy quyết định tuyên bố mất tích
Sau khi chấp hành xong hình phạt tù; người xuất cảnh trái phép trở về định cư hợp pháp; hoặc được Tòa án hủy quyết định tuyên bố mất tích thì việc giải quyết việc hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng là để đảm bảo quyền lợi theo pháp luật quy định cho những người thuộc những trường hợp trên được hưởng tiếp. Để làm rõ hơn về vấn đề này, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ làm rõ dựa trên: Luật BHXH 2014; Nghị định 115/2015/NĐ – CP ngày 11/11/2015; Thông tư số 59/2015/TT – BLĐTBXH ngày 29/12/2015; Quyết định số 636/QĐ – BHXH (được thay thế bởi Quyết định 166/QĐ-BHXH); Quyết định 828/ QĐ – BHXH (được thay thế bởi Quyết định 166/QĐ-BHXH); Nghị định 134/2015/NĐ-CP.
1. Điều kiện hưởng
Căn cứ Khoản 1 Điều 64 Luật BHXH 2014 thì điều kiện để được hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp BHXH cụ thể:
– Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng mà bị phạt tù đối với trường hợp bắt đầu phải chấp hành hình phạt tù giam trong khoảng thời gian từ 01/01/1995 đến hết ngày 31/12/2015 hoặc ra xuất cảnh trái phép hoặc mất tích nay chấp hành xong hình phạt tù hoặc trở về nước định cư hợp pháp hoặc được Tòa án hủy quyết định tuyên bố mất tích.
– Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng được tiếp tục thực hiện khi người xuất cảnh trở về định cư hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú. Trường hợp có quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích thì ngoài việc tiếp tục được hưởng lương hưu, trợ cấp còn được truy lĩnh tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng kể từ thời điểm dừng hưởng.
2. Quyền lợi được hưởng
Đối với các trường hợp hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp BHXH vẫn được tính tục được tính theo quy định tại Điều 56 Luật BHXH 2014
a. Mức lương hằng tháng đối với người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
– Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
– Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội được tính như sau:
* Người lao động nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%;
* Lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;
* Lao động nam nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;
– Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
– Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Lưu ý: Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
b. Mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu
Theo quy định tại Điều 58 Luật BHXH 2014 về mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu cụ thể như sau:
– Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
– Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Như vậy, theo quy định trên, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% sẽ được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội
3. Giải quyết hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đối với người chấp hành xong hình phạt tù, người xuất cảnh trái phép trở về nước định cư hợp pháp, người được Tòa án hủy quyết định tuyên bố mất tích
Căn cứ theo quy định tại Điều 110 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về thời gian giải quyết chế độ lương hưu
– Trách nhiệm của người sử dụng lao động
* Trong thời hạn 30 ngày tính đến thời điểm người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng lương hưu, người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
– Trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội
* Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với người hưởng lương hưu hoặc trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp hưởng bảo hiểm xã hội một lần, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Kết luận: Để giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng đối với người chấp hành xong hình phạt tù, người xuất cảnh trái phép trở về nước định cư hợp pháp, người được Tòa án hủy quyết định tuyên bố mất tích thì người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm có trách nhiệm giải quyết được quy định tại Điều 27, 28, 29 Mục 2 Quyết định 636/QĐ – BHXH (được thay thế bởi Quyết định 166/QĐ-BHXH). Việc chi trả được quy định tại Điều 17, 18 Mục 2 Quyết định 828/QĐ – BHXH (được thay thế bởi Quyết định 166/QĐ-BHXH).