15. Giải quyết hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 613/QĐ-TTg
Giải quyết hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 613/QĐ-TTg là những quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động có thời gian công tác ít nhất từ 15 năm và đã hết tuổi lao động. Việc giải quyết hưởng chế độ này được thể hiện theo Quyết định số 613/QĐ-TTg năm 2010, Thông tư 16/2010/TT-BLĐTBXH, Công văn số 1594/BHXH-CSXH năm 2011, Công văn 2834/BHXH-CSXH năm 2010, Công văn số 3984/BHXH-CSXH năm 2011 và Công văn số 5371/BHXH-CSXH năm 2011, Công văn 1699/BHXH-CSXH năm 2015. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể những nội dung như sau.
1. Điều kiện để được giải quyết hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 613/QĐ-TTg
Căn cứ Điều 2 Quyết định số 613/QĐ-TTg năm 2010 và khoản 1, khoản 2 Điều 1, Điều 2 Thông tư 16/2010/TT-BLĐTBXH, điều kiện để được hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 613/QĐ-TTg năm 2010:
Có thời gian công tác thực tế từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm
Đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động mà không thuộc diện được tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
Đã hết tuổi lao động (nam đủ 60 tuổi trở lên, nữ đủ 55 tuổi trở lên).
Lưu ý: Những đối tượng cụ thể được hưởng trợ cấp theo Quyết định số 613/QĐ-TTg năm 2010 được hướng dẫn chi tiết tại mục 1 Công văn số 1594/BHXH-CSXH năm 2011 và mục 1 Công văn số 3984/BHXH-CSXH năm 2011.
2. Mức trợ cấp hàng tháng
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Quyết định số 613/QĐ-TTg năm 2010, khoản 1 Điều 4 Thông tư 16/2010/TT-BLĐTBXH và mục 3 Công văn số 3984/BHXH-CSXH năm 2011, mức trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 613/QĐ-TTg năm 2010 là:
-Từ trước ngày 01 tháng 5 năm 2010: mức trợ cấp bằng 100.000 đồng/tháng
-Từ ngày 01 tháng 5 năm 2010 đến ngày 30/4/2011: mức trợ cấp bằng 464.267 đồng/tháng, không phụ thuộc vào mức trợ cấp mất sức lao động hàng tháng đã hưởng trước đó.
– Từ ngày 01/5/2011 đến khi Chính phủ ban hành quy định mới về điều chỉnh: mức trợ cấp bằng 527.872 đồng/tháng.
Lưu ý:
– Khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng thì mức trợ cấp này cũng được điều chỉnh theo.
– Theo quy định khoản 2 Điều 3 Quyết định số 613/QĐ-TTg năm 2010, khoản 2 Điều 4 Thông tư 16/2010/TT-BLĐTBXH: Người hưởng trợ cấp hàng tháng, trong thời gian hưởng trợ cấp còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; khi chết, người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành.
3. Thời điểm hưởng trợ cấp và cách tính hưởng trợ cấp hàng tháng
Căn cứ Điều 3 Thông tư 16/2010/TT-BLĐTBXH, thời điểm hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 613/QĐ-TTg năm 2010:
– Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư này, được hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức quy định tại Điều 4 Thông tư này kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2010.
Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A sinh tháng 5/1948, có thời gian công tác thực tế là 18 năm 6 tháng (thời gian công tác quy đổi là 22 năm), nghỉ việc hưởng trợ cấp mất sức lao động từ tháng 8/1990 đến tháng 8/2001 hết thời hạn hưởng trợ cấp.
Ông A hết tuổi lao động từ tháng 6/2008 nên ông A được hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức quy định tại Điều 4 Thông tư này từ ngày 01 tháng 5 năm 2010.
– Đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư này, được hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức quy định tại Điều 4 Thông tư này kể từ ngày 01 tháng liền kề sau tháng người lao động hết tuổi lao động.
Trường hợp trong hồ sơ hưởng trợ cấp mất sức lao động chỉ ghi năm sinh mà không ghi ngày, tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh làm căn cứ để xác định thời điểm hưởng trợ cấp hàng tháng.
Ví dụ 2: Bà Nguyễn Thị B sinh tháng 7/1956, có thời gian công tác thực tế 15 năm 6 tháng (thời gian công tác quy đổi là 15 năm 6 tháng), nghỉ việc hưởng trợ cấp mất sức lao động từ tháng 9/1992 đến tháng 6/2000 hết thời hạn hưởng trợ cấp.
Bà B được hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức quy định tại Điều 4 Thông tư này từ ngày 01/8/2011 (tháng 7/2011 là tháng bà B hết tuổi lao động).
Ví dụ 3: Bà Nguyễn Thị C sinh năm 1957, có thời gian công tác thực tế là 17 năm (thời gian công tác quy đổi là 18 năm), nghỉ việc hưởng trợ cấp mất sức lao động từ tháng 8/1992 đến tháng 8/2001 hết thời hạn hưởng trợ cấp.
Do hồ sơ hưởng trợ cấp mất sức lao động của Bà C chỉ ghi sinh năm 1957 (không ghi ngày, tháng sinh) nên bà C được hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức quy định tại Điều 4 Thông tư này từ ngày 01/01/2012.
– Đối tượng quy định tại điểm a, b, c khoản 3 Điều 1 Thông tư này, được hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức quy định tại Điều 4 Thông tư này kể từ ngày 01 tháng liền kề sau tháng người bị phạt tù đã chấp hành xong hình phạt tù hoặc người bị toà án tuyên bố là mất tích trở về hoặc người xuất cảnh trở về định cư hợp pháp.
Ví dụ 4: Ông Nguyễn Văn D sinh tháng 5/1947, có thời gian công tác thực tế là 18 năm 6 tháng (thời gian công tác quy đổi là 22 năm), nghỉ việc hưởng trợ cấp mất sức lao động từ tháng 8/1990 đến tháng 8/2001 hết thời hạn hưởng trợ cấp. Năm 2008, do vi phạm pháp luật ông D bị tuyên phạt 6 năm tù giam.
Giả sử đến tháng 6/2013, ông D chấp hành xong hình phạt tù thì ông D được hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức quy định tại Điều 4 Thông tư này kể từ ngày 01/ 7/2013.
4. Thành phần hồ sơ hưởng trợ cấp hàng tháng
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư 16/2010/TT-BLĐTBXH và điểm 2.1 mục 2 Công văn số 2834/BHXH-CSXH năm 2010, thành phần hồ sơ hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 613/QĐ-TTg năm 2010 bao gồm:
– Đơn đề nghị giải quyết trợ cấp hàng tháng (Mẫu số 01- QĐ613, bản chính);
– Hồ sơ hưởng trợ cấp mất sức lao động (01 bản chính hoặc 01 bản sao lục từ Trung tâm Lưu trữ thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam), bao gồm:
+ Quyết định của cơ quan, đơn vị cho nghỉ việc vì mất sức lao động (bản chính);
+ Phiếu cá nhân đối với trường hợp tại mặt sau của Quyết định nghỉ việc không ghi quá trình công tác (bản chính);
+ Biên bản giám định y khoa;
+ Quyết định hoặc Thông báo thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng (bản chính).
– Quyết định hưởng trợ cấp hàng tháng (theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định).
Lưu ý:
– Trường hợp hồ sơ hưởng trợ cấp mất sức lao động do cơ quan BHXH quản lý không có hoặc bị thiếu, tùy theo từng trường hợp cụ thể người lao động nộp bổ sung để hoàn thiện hồ sơ.
– Đối với trường hợp có bản chính Bản trích lục hồ sơ mất sức lao động của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì được sử dụng thay cho hồ sơ mất sức lao động nêu trên.
– Trường hợp người bị phạt tù nhưng không được hưởng án treo; người bị Tòa án tuyên bố là mất tích trở về; người xuất cảnh trái phép trở về định cư hợp pháp thì có thêm:
+ Giấy ủy quyền (Mẫu số 13-HSB, bản chính) đối với người đang chấp hành hình phạt tù và thời gian bắt đầu chấp hành hình phạt tù từ ngày 01/01/2016 trở đi;
+ Giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù hoặc giấy đặc xá tha tù trước thời hạn hoặc quyết định miễn thi hành án, tạm hoãn thi hành án đối với người bắt đầu chấp hành hình phạt tù trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1995 đến ngày 31/12/2015;
+ Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc trở về nước định cư hợp pháp đối với trường hợp xuất cảnh trái phép;
+ Quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người mất tích trở về;
– Những vướng mắc khác trong quá trình hoàn thiện hồ sơ được quy định chi tiết tại mục 3, mục 4 Công văn số 1594/BHXH-CSXH năm 2011 và Công văn số 5371/BHXH-CSXH năm 2011.
– Hồ sơ giải quyết trợ cấp mai táng được quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 16/2010/TT-BLĐTBXH và điểm 2.2 mục 2 Công văn số 2834/BHXH-CSXH năm 2010.
5. Giải quyết hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 613/QĐ-TTg
Căn cứ mục 3 Công văn số 2834/BHXH-CSXH năm 2010:
+ BHXH huyện tiếp nhận hồ sơ từ người đề nghị, rà soát hồ sơ và chuyển hồ sơ cho BHXH tỉnh (Hướng dẫn người đề nghị làm Đơn và lập hồ sơ theo quy định (nếu có)).
+ BHXH tỉnh tiếp nhận hồ sơ từ người đề nghị hoặc từ BHXH huyện; giải quyết và trả hồ sơ đã giải quyết cho BHXH huyện (Trường hợp không giải quyết phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do không giải quyết).
+ BHXH huyện tiếp nhận hồ sơ đã giải quyết từ BHXH tỉnh để trả cho người đề nghị.
Lưu ý: Căn cứ khoản 3 Điều 5 Thông tư 16/2010/TT-BLĐTBXH quy định về thời hạn giải quyết:
– Trợ cấp hàng tháng: tối đa là 30 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội nhận được đơn đề nghị giải quyết trợ cấp hàng tháng của người đủ điều kiện hưởng theo quy định.
Những trường hợp đủ điều kiện hưởng và có đơn đề nghị giải quyết trợ cấp hàng tháng trước ngày 30 tháng 11 năm 2010, thời hạn giải quyết tối đa trước ngày 01 tháng 01 năm 2011.
– Trợ cấp mai táng: tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội nhận được hồ sơ quy định tại tiết a, tiết b khoản 2 Điều này từ thân nhân của người hưởng trợ cấp.
Hết thời hạn nêu trên cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Kết luận: Giải quyết hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 613/QĐ-TTg là quyền lợi của người lao động có thời gian công tác ít nhất từ 15 năm và đã hết tuổi lao động. Khi thực hiện người lao động cần xem quy định tại Quyết định số 613/QĐ-TTg, Thông tư 16/2010/TT-BLĐTBXH, Công văn số 1594/BHXH-CSXH năm 2011, Công văn 2834/BHXH-CSXH năm 2010, Công văn số 3984/BHXH-CSXH năm 2011 và Công văn số 5371/BHXH-CSXH năm 2011, Công văn 1699/BHXH-CSXH năm 2015.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Giải quyết hưởng trợ cấp hàng tháng theo quyết định số 613/QĐ-TTG