18. Cấp lại sổ bảo hiểm xã hội
Trường hợp người lao động bị hỏng hoặc mất sổ bảo hiểm xã hội nếu đáp ứng yêu cầu và điều kiện luật định thì sẽ được cấp lại sổ bảo hiểm xã hội. Sau đây, Dữ liệu pháp lý sẽ cụ thể nội dung thủ tục trên dựa theo các quy định Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Nghị định 143/2018/NĐ-CP – Quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
1. Các khái niệm
– Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội (Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
– Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này (Khoản 1 Điều 96 Luật bảo hiểm xã hội 2014)
2. Hồ sơ đăng ký tham gia và cấp sổ bảo hiểm xã hội
Hồ sơ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp hỏng hoặc mất (Khoản 2 Điều 97 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
– Đơn đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động;
– Sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp bị hỏng.
Lưu ý:
Chính phủ quy định thủ tục, hồ sơ tham gia, cấp sổ bảo hiểm xã hội đối với đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này (Khoản 2 Điều 97 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
3. Thời hạn cấp lại Sổ bảo hiểm xã hội.
Khoản 3 Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cấp sổ bảo hiểm xã hội trong thời hạn sau đây:
– 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp cấp lại sổ bảo hiểm xã hội; trường hợp quá trình xác minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phức tạp thì không quá 45 ngày. Trường hợp không cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
– 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động thì cơ quan bảo hiểm xã hội phải cấp lại sổ bảo hiểm xã hội. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Xử lý vi phạm Cấp lại sổ bảo hiểm xã hội
– Cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
– Cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
– Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội (khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
Kết luận: Thủ tục Cấp lại sổ bảo hiểm xã hội được quy định dựa theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Nghị định 143/2018/NĐ-CP – Quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Chi tiết trình tự hồ sơ, mẫu đơn xem tại:
Thủ tục Cấp lại sổ bảo hiểm xã hội