3. Giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Giải quyết hưởng trợ cấp nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi cơ bản của người lao động khi làm việc tại các cơ quan, tổ chức, nơi sản xuất, các công ty… Liên quan đến vấn đề giải quyết hưởng trợ cấp nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, tai nạn lao đông, bệnh nghề nghiệp được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, Thông tư 59/2015/TT– BLĐTBXH, Nghị định 115/2015/ NĐ– CP, Quyết định 500/QĐ-TTg năm 2021. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung của thủ tục này.
1. Trình tự thực hiện
Bước 1. Lập, nộp hồ sơ
+ Thủ trưởng đơn vị SDLĐ phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở căn cứ hồ sơ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, TNLĐ, BNN, tình trạng sức khỏe của NLĐ và quy định của chính sách để quyết định về số NLĐ, số ngày nghỉ DSPHSK sau ốm đau, thai sản, TNLĐ, BNN theo quy định.
+ Lập Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK (mẫu 01B-HSB).
+ Nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH nơi đơn vị SDLĐ đóng BHXH.
Bước 2. Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo quy định.
Bước 3. Nhận kết quả giải quyết
– Đơn vị SDLĐ: nhận Danh sách giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp DSPHSK (mẫu C70a-HD) và tiền trợ cấp để chi trả cho NLĐ đăng ký nhận tiền mặt tại đơn vị SDLĐ.
– NLĐ: nhận tiền trợ cấp.
2. Cách thức thực hiện
+ Nộp hồ sơ
Đơn vị SDLĐ nộp hồ sơ bằng một trong các hình thức sau:
– Qua giao dịch điện tử: đơn vị SDLĐ lập hồ sơ điện tử, ký số và gửi lên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc qua tổ chức I-VAN; trường hợp không chuyển hồ sơ giấy sang định dạng điện tử thì gửi hồ sơ giấy đến cơ quan BHXH qua dịch vụ bưu chính công ích.
– Qua dịch vụ bưu chính công ích;
– Trực tiếp tại cơ quan BHXH.
+ Nhận kết quả:
Đơn vị SDLĐ:
– Nhận Danh sách giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp DSPHSK (mẫu số C70a-HD) thông qua dịch vụ bưu chính công ích, giao dịch điện tử hoặc trực tiếp tại cơ quan BHXH;
– Nhận tiền trợ cấp cơ quan BHXH chuyển qua tài khoản của đơn vị để chi trả cho NLĐ đăng ký nhận bằng tiền mặt tại đơn vị SDLĐ.
NLĐ nhận tiền trợ cấp bằng một trong các hình thức sau:
– Thông qua tài khoản cá nhân;
– Trực tiếp nhận tại cơ quan BHXH trong trường hợp chưa nhận tại đơn vị mà đơn vị đã chuyển lại kinh phí cho cơ quan BHXH;
– Thông qua đơn vị SDLĐ;
– Trường hợp ủy quyền cho người khác lĩnh thay, thực hiện theo quy định tại thủ tục “ủy quyền lĩnh thay các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp” hoặc bản chính Hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật.
3. Thành phần hồ sơ
Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK (mẫu 01B-HSB)
– Số lượng hồ sơ: 01 bộ
– Thời hạn giải quyết: Tối đa 06 ngày làm việc kể từ khi cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ theo quy định.
4. Điều kiên hưởng và mức trợ cấp đối với từng trường hợp
a. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau
– Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì điều kiện để người lao động được hưởng chế độ nghỉ dưỡng, phục hồi sau ốm đau là: Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định tại Điều 26, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm.
Như vậy, sau khi hưởng chế độ ốm đau mà khi quay lại làm việc sức khỏe người lao động vẫn chưa phục hồi sẽ được hưởng thì sẽ được hưởng chế độ nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe
– Mức hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được tính: một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
– Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định như sau:
+ Tối đa 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;
+ Tối đa 07 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật;
+ Bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác.
Lưu ý:
– Theo khoản 3 Điều 7 Thông tư 59/2015/TT- BLĐTBXH: “Trường hợp người lao động không nghỉ việc thì không được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe”.
– Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
– Hướng dẫn cụ thể về dưỡng sức phục hồi tại Điều 7 Thông tư 59/2015/TT- BLĐTBXH
– Người lao động đã hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm, kể cả người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định tại Điều 29 của Luật bảo hiểm xã hội.
b. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
– Nếu trong khoảng thời gian 30 ngày đầu quay trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi sẽ được hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày sau khi sinh con theo quy định khoản 1 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
– Tại khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mức trợ cấp đối với trường hợp này được tính bằng 30% mức lương cơ sở
– Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại Khoản 1 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
+ Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;
+ Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
+ Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.
Lưu ý:
– Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
– Lao động nữ, lao động nữ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định tại Điều 41 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và điểm c khoản 3 Điều 3 của Nghị định 115/2015/NĐ-CP.
– Lao động nữ đủ điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong năm nào thì thời gian nghỉ việc hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được tính cho năm đó.
c. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
– Theo khoản 1 Điều 54 Luật an toàn về sinh lao động 2015 thì “Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
– Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
+ Tối đa 10 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên;
+ Tối đa 07 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%;
+ Tối đa 05 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%.
– Người lao động được hưởng 01 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Lưu ý:
– Mức lương cơ sở hiện tại 1.390.000 đồng/tháng tại Nghị định 72/2018/NĐ-CP, từ ngày ngày 1/7/ 2019 là 1.490.000 đồng/tháng tại Nghị quyết 70/2018/QH14.
– Trường hợp chưa nhận được kết luận giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc thì người lao động vẫn được giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động sau khi điều trị thương tật, bệnh tật nếu Hội đồng giám định y khoa kết luận mức suy giảm khả năng lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
5. Giải quyết hưởng trợ cấp nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, sau ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
a. Trường hợp nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản
Theo Điều 103 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy đinh thì việc giải quyết hưởng trợ cấp nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản được quy định :
– Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, người sử dụng lao động lập danh sách và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
– Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động
Lưu ý: Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
b. Trường hợp nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo Điều 60 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì việc giải quyết chế độ ốm đau như sau:
– Đối với người sử dụng lao động: Lập danh sách người đã hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày người lao động được xác định là sức khỏe chưa phục hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
– Đối với cơ quan bảo hiểm xã hội: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi nhận danh sách, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động và chuyển tiền cho đơn vị sử dụng lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Lưu ý: Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được tiền do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển đến, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả tiền trợ cấp cho người lao động.
Kết luận: Khi thuộc các trường hợp được hưởng trợ cấp nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, nghề nghiệp thì người lao động; người sử dụng lao động và cơ quan BHXH có trách nhiệm trong giải quyết trợ cấp quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, Thông tư 59/2015/TT– BLĐTBXH, Nghị định 115/2015/ NĐ– CP, Quyết định 500/QĐ-TTg năm 2021.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp