115. Đề nghị phê duyệt việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài
Nhà nước đã cho phép việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác để nhằm nâng cao chất lượng nhân lực và giáo dục Việt Nam, cũng như giúp nhà giáo và người học tăng cường năng lực ngoại ngữ, có khả năng tiếp cận và khai thác các nguồn tài liệu khoa học, chuyên môn đa dạng. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến thủ tục đề nghị phê duyệt việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài theo Quyết định 72/2014/QĐ-TTg và Thông tư 16/2016/TT-BGDĐT.
1. Nguyên tắc của việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục.
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Quyết định 72/2014/QĐ-TTg thì việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài cần đảm bảo được những nguyên tắc sau:
– Việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài xuất phát từ nhu cầu của xã hội và sự tự nguyện của người học.
– Các chương trình, môn học được dạy và học bằng tiếng nước ngoài phải bảo đảm mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, đào tạo của từng cấp học, trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu các quy định pháp luật liên quan đến giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
– Các chương trình giáo dục thường xuyên được dạy và học bằng tiếng nước ngoài phải tuân theo các quy định như đối với các chương trình tương ứng của giáo dục chính quy.
– Các chương trình đào tạo hoặc môn học được dạy và học bằng tiếng nước ngoài nào thì việc kiểm tra, thi, đánh giá phải được thực hiện bằng tiếng nước ngoài đó tại các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
2. Tổ chức dạy và học bằng tiếng nước ngoài.
Việc tổ chức dạy và học bằng tiếng nước ngoài được quy định cụ thể tại Chương II Quyết định 72/2014/QĐ-TTg như sau:
a) Chương trình và tài liệu dạy và học bằng tiếng nước ngoài. (Điều 3 Quyết định 72/2014/QĐ-TTg)
– Đối với giáo dục phổ thông:
Chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam có thể được dạy và học một phần hoặc hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, ưu tiên đối với các lĩnh vực toán, khoa học tự nhiên, công nghệ và tin học. Sách giáo khoa, tài liệu sử dụng dạy và học bằng tiếng nước ngoài (bằng tiếng nước ngoài, tiếng Việt hoặc song ngữ) phải được Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép sử dụng.
– Đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp:
+ Những chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục nước ngoài đã được kiểm định và công nhận về chất lượng có thể được giảng dạy một phần hoặc toàn bộ bằng tiếng nước ngoài; ưu tiên giảng dạy bằng tiếng nước ngoài đối với các chương trình, môn học thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản hoặc một số ngành, nghề và lĩnh vực mà xã hội có nhu cầu, phục vụ hội nhập quốc tế.
+ Giáo trình, tài liệu giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để dạy và học bằng tiếng nước ngoài do Hiệu trưởng (Thủ trưởng) cơ sở giáo dục phê duyệt trên cơ sở thẩm định của Hội đồng Thẩm định do Hiệu trưởng (Thủ trưởng) thành lập, bảo đảm thực hiện theo đúng quy trình thẩm định giáo trình, tài liệu.
b) Người dạy, người học. (Điều 4 Quyết định 72/2014/QĐ-TTg).
– Người dạy chương trình giáo dục, đào tạo bằng tiếng nước ngoài phải đạt trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định đối với chức danh nghề nghiệp đối với nhà giáo các cấp học, trình độ đào tạo tương ứng; đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu như sau:
+ Giáo viên phổ thông phải có chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tối thiểu cao hơn 2 bậc so với yêu cầu năng lực ngoại ngữ đối với học sinh đạt được sau khi học xong cấp học, tính theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.
+ Người dạy tại các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp phải có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương. Những người được đào tạo đại học, thạc sỹ, tiến sỹ toàn thời gian ở nước ngoài thì được miễn yêu cầu về năng lực ngoại ngữ quy định như trên.
– Người học phải đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu của chương trình, môn học được dạy bằng tiếng nước ngoài và theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.
c) Cơ sở vật chất, thiết bị. (Điều 5 Quyết định 72/2014/QĐ-TTg)
Cơ sở giáo dục tổ chức dạy và học bằng tiếng nước ngoài phải bảo đảm đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình, tài liệu, đáp ứng yêu cầu mà chương trình, môn học được tổ chức dạy và học bằng tiếng nước ngoài đề ra (kể cả các chương trình giáo dục, đào tạo của nước ngoài).
d) Kiểm tra, thi, đánh giá, công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ. (Điều 6 Quyết định 72/2014/QĐ-TTg)
– Đối với giáo dục phổ thông, việc kiểm tra, thi cuối năm học, cuối cấp học của các chương trình, môn học được dạy và học bằng tiếng nước ngoài phải thực hiện bằng tiếng Việt. Người học có thể làm thêm bài kiểm tra, bài thi bằng tiếng nước ngoài để được hưởng chế độ khuyến khích trong học tập theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
– Đối với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, việc kiểm tra, thi, đánh giá, công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ đối với tất cả các chương trình được dạy bằng tiếng nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu cấp văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam.
đ) Kiểm định chất lượng giáo dục. (Điều 7 Quyết định 72/2014/QĐ-TTg)
– Việc kiểm định chất lượng đối với các chương trình của Việt Nam sử dụng để giảng dạy bằng tiếng nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật.
– Việc kiểm định chất lượng giáo dục đối với các chương trình giảng dạy của nước ngoài được thực hiện bởi cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công nhận.
e) Học phí, sử dụng và quản lý học phí. (Điều 8 Quyết định 72/2014/QĐ-TTg)
– Trên cơ sở tính đúng, tính đủ, lấy thu bù chi và có sự đồng thuận của người học, cơ sở giáo dục chủ động xây dựng mức học phí cho từng năm học và khóa học đối với từng chương trình, môn học được dạy và học bằng tiếng nước ngoài để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thông báo công khai cho người học biết trước khi tuyển sinh:
+ Mức học phí đối với chương trình giáo dục phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề được dạy và học bằng tiếng nước ngoài tại các cơ sở giáo dục của địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
+ Mức học phí đối với các chương trình giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học được dạy và học bằng tiếng nước ngoài phải báo cáo cơ quan chủ quản, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trước khi thực hiện.
– Việc sử dụng học phí để bảo đảm các chi phí cho việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài, kể cả việc chi trả thù lao cho giáo viên và các khoản chi từ học phí phải được quy định rõ trong Đề án tổ chức thực hiện chương trình dạy và học bằng tiếng nước ngoài.
– Việc quản lý học phí, công tác kế toán và thống kê, tổng hợp việc thu, chi học phí vào báo cáo quyết toán hàng năm của đơn vị phải được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành, bảo đảm tính công khai và minh bạch. Cơ sở giáo dục phải thực hiện yêu cầu về thanh tra, kiểm tra của cơ quan tài chính và cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền.
Lưu ý:
– Tại Điều 10 Quyết định 72/2014/QĐ-TTg có quy định về thẩm quyền phê duyệt việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài như sau:
+ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Đề án tổ chức thực hiện chương trình dạy và học bằng tiếng nước ngoài của các cơ sở giáo dục trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý.
+ Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt Đề án tổ chức thực hiện chương trình dạy và học bằng tiếng nước ngoài của các trường trung cấp nghề thuộc thẩm quyền quản lý.
+ Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Đề án tổ chức thực hiện chương trình dạy và học bằng tiếng nước ngoài của các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý.
+ Hiệu trưởng (Thủ trưởng) cơ sở giáo dục đại học (riêng đối với các cơ sở giáo dục đại học thành viên của Đại học Quốc gia, Đại học vùng thực hiện theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia, Đại học vùng), trường cao đẳng nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm phê duyệt Đề án tổ chức thực hiện chương trình dạy và học bằng tiếng nước ngoài đối với cơ sở giáo dục của mình.
– Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Thông tư 16/2016/TT-BGDĐT thì Quyết định phê duyệt Đề án tổ chức thực hiện chương trình dạy và học bằng tiếng nước ngoài (sau đây gọi là Đề án) có hiệu lực trong 05 (năm) năm kể từ ngày ký; và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 05 (năm) năm.
Kết luận: Khi tiến hành thực hiện thủ tục đề nghị phê duyệt việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài cần phải tuân thủ theo quy định tại Quyết định 72/2014/QĐ-TTg và Thông tư 16/2016/TT-BGDĐT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây: