124. Thành lập Trung tâm học tập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn

Posted on

Trung tâm học tập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn là một trong các cơ sở giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân được thành lập nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển đất nước, phát triển xã hội. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa các quy định tại Luật giáo dục 2019Nghị định 46/2017/NĐ-CPNghị định 135/2018/NĐ-CP, Nghị định 04/2021/NĐ-CP, Quyết định số 09/2008/QĐ-BGDĐT, Quyết định 4632/QĐ-BGDĐT có liên quan đến thủ tục thành lập trung tâm học tập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn như sau:

1. Khái quát chung về trung tâm học tập tại cộng đồng tại xã, phường, thị trấn

Trung tâm học tập cộng đồng là cơ sở giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân, là trung tâm học tập tự chủ của cộng đồng cấp xã, có sự quản lý, hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời phải phát huy mạnh mẽ sự tham gia, đóng góp của nhân dân trong cộng đồng dân cư để xây dựng và phát triển các trung tâm theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm (Điều 2 nghị định 46/2017/NĐ-CP).

Giáo dục thường xuyên là giáo dục để thực hiện một chương trình giáo dục nhất định, được tổ chức linh hoạt về hình thức thực hiện chương trình, thời gian, phương pháp, địa điểm, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học (Khoản 2 Điều 5 Luật giáo dục 2019).

Lưu ý

  • Giáo dục thường xuyên được thực hiện tại cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở văn hóa, tại nơi làm việc, cộng đồng dân cư, qua phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện khác (khoản 1 Điều 44 Luật giáo dục 2019).
  • Trung tâm học tập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn là một trong các Cơ sở giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân

2. Chức năng và nhiệm vụ của trung tâm học tập cộng đồng

2.1 Chức năng của trung tâm học tập cộng đồng

Trung tâm học tập cộng đồng có các chức năng sau đây (Điều 3 Quyết định số 09/2008/QĐ-BGDĐT):

Hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời; được phổ biến kiến thức và sáng kiến kinh nghiệm trong sản xuất và cuộc sống góp phần xoá đói giảm nghèo, tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân và cả cộng đồng; là nơi thực hiện việc phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật đến với mọi người dân.

2.2 Nhiệm vụ của trung tâm học tập cộng đồng

Trung tâm học tập cộng đồng được thành lập nhằm thực hiện các nhiệm vụ sau đây được quy định tại Điều 4 Quyết định số 09/2008/QĐ-BGDĐT:

  • Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, củng cố chất lượng phổ cập giáo dục; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm mở rộng hiểu biết, nâng cao nhận thức và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân trong cộng đồng; phối hợp triển khai các chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư và các dự án, chương trình tại địa phương.
  • Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ,thể dục thể thao, đọc sách báo, tư vấn khuyến học, giáo dục cho con em nhân dân địa phương, phòng chống tệ nạn xã hội.
  • Điều tra nhu cầu học tập của cộng đồng, xây dựng nội dung và hình thức học tập phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nhóm đối tượng.

Quản lý tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị của trung tâm theo quy định của pháp luật.

3. Thủ tục thành lập trung tâm học tập tại cộng đồng tại xã, phường, thị trấn

3.1  Điều kiện thành lập trung tâm học tập tại cộng đồng tại xã, phường, thị trấn

Điều kiện thành lập trung tâm học tập tại cộng đồng tại xã, phường, thị trấn (khoản 1 Điều 7 quyết định số 09/2008/QĐ-BGDĐT):

  • Việc thành lập trung tâm học tập cộng đồng phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương; đáp ứng nhu cầu học tập của cộng đồng;
  • Có địa điểm cụ thể, có cơ sở vật chất, thiết bị, cán bộ quản lý, giáo viên, kế toán, thủ quỹ theo quy định của Quy chế quyết định số 09/2008/QĐ-BGDĐT:

3.2 Thẩm quyền ra quyết định thành lập

Chủ thể có thẩm quyền ra quyết định thành lập: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) quyết định thành lập trung tâm học tập cộng đồng theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã (Khoản 1 Điều 43 Nghị định 46/2017/NĐ-CP).

Lưu ý:

Trung tâm học tập cộng đồng bị đình chỉ hoạt động trong các trường hợp sau đây: Vi phạm các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ở mức độ phải đình chỉ; Trong thời hạn 12 tháng liên tục, trung tâm không có hoạt động để phục vụ nhu cầu học tập của cộng đồng (Điều 44 Nghị định 46/2017/NĐ-CP).

4. Xử phạt liên quan đến thành lập Trung tâm học tập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn

Theo Điều 5 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về điều kiện tổ chức hoạt động giáo dục mần non như sau:

– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung một trong các loại văn bản sau:

a) Quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập; quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục;

b) Quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập; quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi thành lập hoặc cho phép thành lập; giải thể tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Phạt tiền đối với hành vi thành lập hoặc cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể; chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên;

d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trường trung cấp có đào tạo nhóm ngành giáo viên;

đ) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với trường cao đẳng có đào tạo nhóm ngành giáo viên;

e) Từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục đại học.

Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật là quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục; quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập, quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Trục xuất người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Kết luận: Khi thành lập trung tâm học tập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn thì cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Luật giáo dục 2019Nghị định 46/2017/NĐ-CPNghị định 135/2018/NĐ-CP Nghị định 04/2021/NĐ-CP, Quyết định số 09/2008/QĐ-BGDĐT, Quyết định 4632/QĐ-BGDĐT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Thành lập trung tâm học tập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn