135. Cho phép hoạt động giáo dục nhà trường, nhà trẻ tư thục

Posted on

Nhu cầu gửi con em đến các nhà trường, nhà trẻ tư thục ngày càng tăng trong thời gian gần đây, theo đó việc thành lập nhà trường, nhà trẻ tư thục được diễn ra nhiều hơn. Bên cạnh việc cần phải nhận được quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập thì để được phép hoạt động giáo dục, nhà trường, nhà trẻ cũng cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến thủ tục cho phép hoạt động giáo dục nhà trường, nhà trẻ tư thục theo Nghị định 04/2021/NĐ-CPNghị định 46/2017/NĐ-CP, Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT,  Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT

1. Các loại hình của trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

Theo quy định tại Điều 4 Điều lệ Trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT thì trường mầm non, trường mẫu giáo (sau đây gọi chung là nhà trường), nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập được tổ chức theo các loại hình: công lập, dân lập và tư thục.

– Nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo công lập do cơ quan Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên.

– Nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo kinh phí hoạt động và được chính quyền địa phương hỗ trợ.

– Nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Lưu ý: Nhiệm vụ và quyền hạn của trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập được quy định tại Điều 3 Điều lệ Trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT như sau:

  1. Xây dựng phương hướng, chiến lược phát triển nhà trường theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương, tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị cốt lõi của nhà trường.
  2. Tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi theo chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
  3. Chủ động đề xuất nhu cầu, tham gia tuyển dụng cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường công lập; quản lý, sử dụng cán bộ, giáo viên, nhân viên để thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
  4. Thực hiện các hoạt động về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định. Công bố công khai mục tiêu, chương trình, kế hoạch giáo dục, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục.
  5. Thực hiện dân chủ, trách nhiệm giải trình của nhà trường trong quản lý hoạt động giáo dục.
  6. Huy động trẻ em lứa tuổi mầm non đến trường; quản lý trẻ em; tổ chức giáo dục hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật; thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi trong phạm vi được phân công; thực hiện hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non khác trên địa bàn nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động giáo dục theo phân công của cấp có thẩm quyền.
  7. Huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật; xây dựng cơ sở vật chất theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa.
  8. Tham mưu với chính quyền, phối hợp với gia đình hoặc người chăm sóc trẻ em và tổ chức, cá nhân để thực hiện hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
  9. Tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trẻ em tham gia các hoạt động phù hợp trong cộng đồng.
  10. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

2. Điều kiện thành lập nhà trường, nhà trẻ và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục.

Căn cứ quy định tại  Điều 7 Điều lệ Trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT Điều 3 Nghị định 46/2017/NĐ-CP thì:

Nhà trường, nhà trẻ được thành lập khi có đủ các điều kiện sau:

+ Có đề án thành lập nhà trường, nhà trẻ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

+ Đề án thành lập nhà trường, nhà trẻ xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường, nhà trẻ.

Nhà trường, nhà trẻ được phép hoạt động giáo dục khi có đủ các điều kiện sau🙁 Điều 3 Nghị định 46/2017/NĐ-CP)

+ Có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ;

+ Có đất đai, trường sở, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu, duy trì và phát triển hoạt động giáo dục;

+ Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt tiêu chuẩn bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục mầm non và tổ chức hoạt động giáo dục.

+ Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục.

+ Có quy chế tổ chức và hoạt động của trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ.

Lưu ý: Tại Khoản 4 Điều 4 Nghị định 46/2017/NĐ-CP có quy định: “Trong thời hạn 02 (hai) năm, nếu nhà trường, nhà trẻ có đủ các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều này thì được cho phép hoạt động giáo dục. Hết thời hạn quy định nếu không đủ điều kiện để được cho phép hoạt động giáo dục thì quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ bị thu hồi.”.

3. Xử lý vi phạm.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục ban hành kèm theo Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT thì trong trường hợp có đủ căn cứ chứng minh nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không chấp hành đúng pháp luật của Nhà nước, các quy chế, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; không bảo đảm an toàn và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; không bảo đảm yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất, trang thiết bị; hoặc không có quyết định cho phép thành lập và cho phép hoạt động giáo dục mà vẫn hoạt động thì tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo một trong các hình thức sau:

– Nhắc nhở bằng văn bản;

– Xử phạt hành chính theo quy định hiện hành;

– Tạm ngừng công tác của cá nhân, cán bộ, giáo viên, nhân viên hoặc tạm ngừng hoạt động giáo dục của nhà trường, cơ sở giáo dục;

– Đình chỉ hoạt động hoặc giải thể;

– Kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể tạiNghị định 04/2021/NĐ-CP.

Kết luận: Khi tiến hành thực hiện thủ tục cho phép hoạt động giáo dục nhà trường, nhà trẻ tư thục cần tuân thủ theo quy định tại Nghị định 04/2021/NĐ-CP, Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT  và Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cho phép hoạt động giáo dục nhà trường, nhà trẻ tư thục