145. Công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu
Công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu là thủ tục quan trọng và cần thiết nhằm đáp ứng chất lượng giáo dục và đạo tạo. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cung cấp những nội dung cụ thể về công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu theo Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT.
1. Một số khái niệm
Chất lượng giáo dục trường tiểu học là sự đáp ứng mục tiêu của trường tiểu học, đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu giáo dục của Luật giáo dục, phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và cả nước. (khoản 1 Điều 2 Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT)
Tiêu chuẩn đánh giá trường tiểu học là các yêu cầu đối với trường tiểu học nhằm đảm bảo chất lượng các hoạt động. Mỗi tiêu chuẩn ứng với một lĩnh vực hoạt động của trường tiểu học; trong mỗi tiêu chuẩn có các tiêu chí. Tiêu chuẩn đánh giá trường tiểu học có 4 mức (từ Mức 1 đến Mức 4) với yêu cầu tăng dần. Trong đó, mức sau bao gồm tất cả các yêu cầu của mức trước và bổ sung các yêu cầu nâng cao. (khoản 4 Điều 2 Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT)
=> Như vậy, mức chất lượng tối thiểu của trường tiểu học được đánh giá theo Mức 1 quy định tại Mục 1 Chương II của Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT.
2. Yêu cầu, điều kiện để công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu:
Trường tiểu học cần đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT để được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục ở mức chất lượng tối thiểu:
– Có ít nhất một khóa học sinh đã hoàn thành Chương trình tiểu học;
– Có kết quả đánh giá ngoài đánh giá đạt Mức 1 theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Chương 1 của Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT .
3. Tiêu chuẩn đánh giá trường tiểu học Mức 1
Căn cứ tại Mục 1 Chương II của Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT tiêu chuẩn đánh giá trường tiểu học Mức 1 như sau:
3.1 Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản lý nhà trường
– Điều kiện về phương hướng, chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường: Phù hợp mục tiêu giáo dục được quy định tại Luật giáo dục, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương theo từng giai đoạn và các nguồn lực của nhà trường; được xác định bằng văn bản và cấp có thẩm quyền phê duyệt và được công bố công khai bằng hình thức niêm yết tại nhà trường hoặc đăng tải trên trang thông tin điện tử của nhà trường (nếu có) hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, trang thông tin điện tử của phòng giáo dục và đào tạo.
– Điều kiện đối với Hội đồng trường (đối với trường tư thục là Hội đồng quản trị) và các hội đồng khác: Được thành lập theo quy định; thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định và các hoạt động được định kỳ rà soát, đánh giá.
– Điều kiện về tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, các đoàn thể và tổ chức khác trong nhà trường: Các đoàn thể và tổ chức khác trong nhà trường có cơ cấu tổ chức theo quy định; hoạt động theo quy định và hằng năm được rà soát, đánh giá.
– Điều kiện đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ chuyên môn và tổ văn phòng: Có hiệu trưởng, số lượng phó hiệu trưởng theo quy định; tổ chuyên môn và tổ văn phòng có cơ cấu tổ chức và có kế hoạch hoạt động và thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.
– Điều kiện về khối lớp và tổ chức lớp học: Có đủ các khối lớp cấp tiểu học; học sinh được tổ chức theo lớp học và lớp học được tổ chức theo quy định, lớp học hoạt động theo nguyên tắc tự quản, dân chủ.
– Điều kiện quản lý hành chính, tài chính và tài sản:
+ Phải lập dự toán, thực hiện thu chi, quyết toán, thống kê, báo cáo tài chính và cơ sở vật chất; công khai và định kỳ tự kiểm tra tài chính, tài sản theo quy định quy chế chi tiêu nội bộ được bổ sung, cập nhật phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định hiện hành;
+ Quản lý, sử dụng tài chính, tài sản đúng mục đích và có hiệu quả để phục vụ các hoạt động giáo dục.
– Điều kiện quản lý cán bộ, giáo viên và nhân viên: Có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; phân công, sử dụng rõ ràng, hợp lý đảm bảo hiệu quả các hoạt động của nhà trường đồng thời đảm bảo các quyền theo quy định đối với cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên.
– Điều kiện quản lý các hoạt động giáo dục: Kế hoạch giáo dục phù hợp với quy định hiện hành, điều kiện thực tế địa phương và điều kiện của nhà trường; kế hoạch giáo dục được thực hiện đầy đủ và được rà soát, đánh giá, điều chỉnh kịp thời.
– Điều kiện về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở: Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến khi xây dựng kế hoạch, nội quy, quy định, quy chế liên quan đến các hoạt động của nhà trường; Các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (nếu có) thuộc thẩm quyền xử lý của nhà trường được giải quyết đúng pháp luật; Hằng năm, có báo cáo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
– Điều kiện về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học:
+ Có phương án đảm bảo an ninh trật tự; vệ sinh an toàn thực phẩm; an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích; an toàn phòng, chống cháy, nổ; an toàn phòng, chống thảm họa, thiên tai; phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống các tệ nạn xã hội và phòng, chống bạo lực trong nhà trường; những trường có tổ chức bếp ăn cho học sinh được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
+ Có hộp thư góp ý, đường dây nóng và các hình thức khác để tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh của người dân; đảm bảo an toàn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường;
+ Không có hiện tượng kỳ thị, hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong nhà trường.
3.2 Tiêu chuẩn 2: Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh:
– Đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng: Được đánh giá đạt chuẩn hiệu trưởng trở lên và được bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý giáo dục theo quy định.
– Đối với giáo viên: Số lượng giáo viên đảm bảo để dạy các môn học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; có giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh; 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định; Có ít nhất 95% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức đạt trở lên.
– Đối với nhân viên: Có nhân viên hoặc giáo viên kiêm nhiệm để đảm nhiệm các nhiệm vụ do hiệu trưởng phân công công việc phù hợp, hợp lý theo năng lực và hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
– Đối với học sinh: Đảm bảo về tuổi học sinh tiểu học theo quy định;
3.3 Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học:
– Đối với khuôn viên, sân chơi, sân tập: đảm bảo xanh, sạch, đẹp, an toàn để tổ chức các hoạt động giáo dục; có công trường, biển tên trường và tường hoặc hàng rào bao quanh; có sân chơi, sân tập thể dục thể thao.
– Đối với phòng học: Đủ mỗi lớp một phòng học riêng, quy cách phòng học theo quy định; Bàn, ghế học sinh đúng tiêu chuẩn và đủ chỗ ngồi cho học sinh; có bàn ghế phù hợp cho học sinh khuyết tật học hòa nhập (nếu có); bàn, ghế giáo viên, bảng lớp theo quy định; Có hệ thống đèn, quạt (ở nơi có điện); có hệ thống tủ đựng hồ sơ, thiết bị dạy học.
– Đối với khối phòng phục vụ học tập và khối phòng hành chính – quản trị: Có phòng giáo dục nghệ thuật, phòng học tin học, phòng thiết bị giáo dục, phòng truyền thống và hoạt động Đội đáp ứng các yêu cầu tối thiểu các hoạt động giáo dục; Khối phòng hành chính – quản trị đáp ứng các yêu cầu tối thiểu các hoạt động hành chính – quản trị của nhà trường; Khu để xe được bố trí hợp lý, đảm bảo an toàn, trật tự.
– Đối với khu vệ sinh, hệ thống cấp thoát nước:
+ Khu vệ sinh riêng cho nam, nữ, giáo viên, nhân viên, học sinh đảm bảo không ô nhiễm môi trường; khu vệ sinh đảm bảo sử dụng thuận lợi cho học sinh khuyết tật học hòa nhập;
+ Hệ thống thoát nước đảm bảo vệ sinh môi trường; hệ thống cấp nước sạch đảm bảo nước uống và nước sinh hoạt cho giáo viên, nhân viên và học sinh;
+ Thu gom rác và xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường.
– Đối với thiết bị: đủ thiết bị văn phòng và các thiết bị khác phục vụ các hoạt động của nhà trường; đủ thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo quy định; hằng năm các thiết bị được kiểm kê, sửa chữa.
– Đới với thư viện: trang bị sách, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng đĩa giáo khoa và các xuất bản phẩm tham khảo tối thiểu phục vụ hoạt động dạy học; đáp ứng yêu cầu tối thiểu hoạt động dạy học của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh; hằng năm thư viện được kiểm kê, bổ sung sách, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng đĩa giáo khoa và các xuất bản phẩm tham khảo.
3.4 Tiêu chuẩn 4: Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội:
– Ban đại diện cha mẹ học sinh: thành lập và hoạt động theo quy định tại Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh; có kế hoạch hoạt động theo năm học; thực hiện kế hoạch hoạt động đúng tiến độ.
– Công tác tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp với các tổ chức, cá nhân của nhà trường: tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ngành Giáo dục; về mục tiêu, nội dung và kế hoạch giáo dục của nhà trường;
3.5 Tiêu chuẩn 5: Hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục
– Kế hoạch giáo dục của nhà trường: đảm bảo theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện thông qua các hoạt động giáo dục được xây dựng trong kế hoạch; được giải trình và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
– Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học: tổ chức dạy học đúng, đủ các môn học và các hoạt động giáo dục đảm bảo mục tiêu giáo dục; thực hiện đúng quy định về đánh giá học sinh tiểu học.
– Thực hiện các hoạt động giáo dục khác: đảm bảo cho tất cả học sinh được tham gia.
– Công tác phổ cập giáo dục tiểu học: Thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục theo phân công; Trong địa bàn tuyển sinh của trường tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt ít nhất 90%; Quản lý hồ sơ, số liệu phổ cập giáo dục tiểu học đúng quy định.
– Kết quả giáo dục: Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt ít nhất 70%; Tỷ lệ học sinh 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt ít nhất 65%; Tỷ lệ trẻ em đến 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt ít nhất 80% đối với trường thuộc xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 70%.
Kết luận: Để được công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu thì trường tiểu học xem xét tự đánh giá và gửi hồ sơ đến phòng giáo dục và đào tạo, đồng thời đáp ứng các điều kiện tại Mục 1 Chương II của Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mâu, thực hiện tại đây:
Công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu