152. Sáp nhập, chia tách nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục
Thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, biên chế và cơ cấu lại đội ngũ giảng dạy lớp mẫu giáo độc lập tư thục nên đã phát sinh nên thủ tục Sáp nhập, chia tách nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Luật giáo dục 2019, Nghị định 46/2017/NĐ-CP, Nghị định 04/2021/NĐ-CP, Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT, Thông tư 19/2017/TT-BGDĐT, Thông tư 13/2018/TT-BGDĐT , Thông tư 52/2020/TT-BGDĐ như sau:
1. Khái quát chung
Theo tiểu mục 1.1 Mục 1 Thông tư 19/2017/TT-BGDĐT quy định:
– Nhà trẻ là cơ sở giáo dục mầm non nhận trẻ em từ ba tháng tuổi đến ba tuổi.
– Nhóm trẻ độc lập là những cơ sở nhà trẻ ở những nơi chưa đủ điều kiện để thành lập trường nhưng đã được cấp giấy phép hoạt động.
– Lớp mẫu giáo độc lập là lớp của cơ sở mẫu giáo ở những nơi chưa đủ điều kiện để thành lập trường nhưng đã được cấp giấy phép hoạt động.
Loại hình: Tư thục: do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Theo khoản 12 Điều 5 Luật giáo dục 2019 quy định: Cơ sở giáo dục là tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm nhà trường và cơ sở giáo dục khác.
Theo khoản 1 Điều 1 Thông tư 13/2018/TT-BGDĐT quy định: Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Cơ cấu, tổ chức bao gồm: chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục; tổ trưởng chuyên môn; giáo viên, nhân viên và các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo.
Theo Điều 2 Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT quy định vị trí của nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục như sau:
– Nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là cơ sở giáo dục mầm non thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động là nguồn ngoài ngân sách nhà nước.
– Nhà trường, nhà trẻ tư thục có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản riêng.
Theo khoản 1 Điều 15 Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT quy định: Chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là người đứng tên xin phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.
2. Điều kiện sáp nhập, chia tách nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục
Theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 46/2017/NĐ-CP, việc sáp nhập, chia, tách nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
– Bảo đảm quy định về giáo viên, số lượng trẻ em trên một nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, tổ chức lớp học;
– Bảo đảm an toàn và quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em và giáo viên;
– Góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Lưu ý:
Bảo đảm quy định về giáo viên, số lượng trẻ em trên một nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, tổ chức lớp học được quy định tại Điều 15 của Điều lệ trường mầm non, cụ thể Điều lệ trường mầm non theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐ là:
- Trẻ em được tổ chức theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo.
- a) Đối với nhóm trẻ: trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi được tổ chức thành các nhóm trẻ. Số trẻ tối đa trong một nhóm trẻ được quy định như sau:
– Nhóm trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi: 15 trẻ;
– Nhóm trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi: 20 trẻ;
– Nhóm trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi: 25 trẻ.
- b) Đối với lớp mẫu giáo: Trẻ em từ ba tuổi đến sáu tuổi được tổ chức thành các lớp mẫu giáo. Số trẻ tối đa trong một lớp mẫu giáo được quy định như sau:
– Lớp mẫu giáo 3 – 4 tuổi: 25 trẻ;
– Lớp mẫu giáo 4 – 5 tuổi: 30 trẻ;
– Lớp mẫu giáo 5 – 6 tuổi: 35 trẻ.
- c) Nếu số lượng trẻ em trong mỗi nhóm, lớp không đủ 50% so với số trẻ tối đa được quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1 của Điều này thì được tổ chức thành nhóm trẻ ghép có không quá 20 trẻ em hoặc lớp mẫu giáo ghép có không quá 30 trẻ;
d)Mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có không quá 02 trẻ em khuyết tật học hòa nhập.
- e) Mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có đủ số lượng giáo viên theo quy định.
- f) Trường mầm non có thể có điểm trường ở những địa bàn khác nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em đến trường. Mỗi điểm trường do hiệu trưởng phụ trách hoặc phân công phó hiệu trưởng phụ trách.
Theo Điều 1 Thông tư 13/2018/TT-BGDĐT, khi sáp nhập, chia, tách nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập cần lưu ý những điểm sau:
– Tổ trưởng chuyên môn do chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục thỏa thuận trong hợp đồng lao động, đảm bảo tiêu chuẩn và thực hiện các nhiệm vụ sau:
+ Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non trở lên; sức khỏe tốt; đảm bảo các quy định của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non;
+ Thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định Chương trình giáo dục mầm non, bao gồm: tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục trẻ; kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục;
+ Trường hợp chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đảm bảo các quy định tại điểm a khoản này thì đồng thời có thể làm tổ trưởng chuyên môn.
– Số trẻ em trong nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không quá 70 (bảy mươi) trẻ.
Trẻ em trong mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo được tổ chức theo độ tuổi và số lượng theo quy định tại Điều lệ trường mầm non.
– Điều kiện thành lập, thủ tục thành lập, sáp nhập, chia, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục thực hiện theo quy định tại Điều 10, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
– Đối với những nơi mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non chưa đáp ứng đủ nhu cầu đưa trẻ em tới trường, lớp, các cá nhân có thể tổ chức nhóm trẻ nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em của cha mẹ và phải đăng ký hoạt động với Ủy ban nhân dân cấp xã, bảo đảm các điều kiện đăng ký hoạt động theo quy định tại khoản 6 Điều 10 của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
– Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo tổ chức kiểm tra (thường xuyên, đột xuất) hoạt động của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục và nhóm trẻ được quy định tại khoản 6 của Điều này; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm theo quy định hiện hành.
3. Một số lưu ý chung
– Theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định sáp nhập, chia, tách nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.
– Theo khoản 4 Điều 12 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định: Trình tự thực hiện:
+ Tổ chức, cá nhân gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều này đến Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo đề nghị kiểm tra các điều kiện sáp nhập, chia, tách nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập;
+ Trong thời hạn 10 ngày làm việc, Phòng Giáo dục và Đào tạo xem xét, kiểm tra trên thực tế, nếu thấy đủ điều kiện, Phòng Giáo dục và Đào tạo có ý kiến bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã;
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định sáp nhập, chia, tách. Nếu không sáp nhập, chia, tách nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập thì có văn bản thông báo đến Phòng Giáo dục và Đào tạo và tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ nêu rõ lý do.
– Theo Điều 6 Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT quy định về nhà trường, nhà trẻ tư thục có cơ cấu tổ chức đảm bảo các yêu cầu về cơ cấu tổ chức quy định tại Điều lệ trường mầm non và phù hợp với điều kiện, quy mô của trường, bao gồm:Hội đồng quản trị (nếu có); ban kiểm soát; hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng; tổ chuyên môn; tổ văn phòng; tổ chức đoàn thể; các nhóm, lớp.
– Theo Điều 16 Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT, nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có trách nhiệm thực hiện chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Hệ thống hồ sơ, sổ sách, tổ chức hoạt động và đánh giá kết quả nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em thực hiện theo quy định tại Điều lệ trường mầm non.
– Theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 46/2017/NĐ-CP, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định sáp nhập, chia, tách trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ.
– Theo Điều 8 Nghị định 46/2017/NĐ-CP, trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ bị đình chỉ hoạt động giáo dục khi xảy ra một trong những trường hợp sau đây:
+ Có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục;
+ Không bảo đảm một trong các điều kiện để được phép hoạt động giáo dục quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định này;
+ Người cho phép hoạt động giáo dục không đúng thẩm quyền;
+ Không triển khai hoạt động giáo dục trong thời hạn 01 năm kể từ ngày được phép hoạt động giáo dục;
+ Vi phạm các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ở mức độ phải đình chỉ theo quy định hiện hành;
+ Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
4. Xử phạt vi phạm hành chính
Theo Điều 5 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về điều kiện tổ chức hoạt động giáo dục mần non như sau:
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung một trong các loại văn bản sau:
a) Quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập; quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục;
b) Quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập; quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi thành lập hoặc cho phép thành lập; giải thể tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Phạt tiền đối với hành vi thành lập hoặc cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể; chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo các mức phạt sau:
a) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ;
c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên;
d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trường trung cấp có đào tạo nhóm ngành giáo viên;
đ) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với trường cao đẳng có đào tạo nhóm ngành giáo viên;
e) Từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục đại học.
Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật là quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục; quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập, quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Trục xuất người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Kết luận: Khi sáp nhập, chia tách nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục cần đáp ứng đủ điều kiện theo Luật giáo dục 2019, Nghị định 46/2017/NĐ-CP, Nghị định 04/2021/NĐ-CP, Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT, Thông tư 19/2017/TT-BGDĐT, Thông tư 13/2018/TT-BGDĐT , Thông tư 52/2020/TT-BGDĐ
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Sáp nhập, chia tách nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục