27. Cử đoàn ra công tác ngắn hạn tại nước ngoài (Thay thế: Cử cán bộ đi công tác tại nước ngoài)

Posted on

Cán bộ, công chức, viên chức do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý được cử đi công tác, bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài (đoàn ra). Việc cử đoàn ra công tác ngắn hạn tại nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Thông tư 17/2014/TT-BGDĐT (được sửa đổi bởi Thông tư 23/2019/TT-BGDĐT), Quyết định 698/QĐ-BGDĐT như sau:

1. Khái niệm

Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. (khoản 1 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008)

Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. (khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chứcluật viên chức sửa đổi 2019)

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. (Điều 2 Luật Viên chức 2010)

Theo Điều 1 Quy chế quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức và viên chức ban hành kèm theo Thông tư 17/2004/BGDĐT (được sửa đổi bởi Thông tư 23/2019/TT-BGDĐT), đoàn ra được hiểu là việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức và viên chức.

Khoản 1 Điều 2 Quy chế này quy định: cán bộ, công chức, viên chức do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý được cử đi công tác, bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài với thời gian dưới 180 ngày, bao gồm:

+ Cán bộ, công chức và viên chức các đơn vị thuộc cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo;

+ Giám đốc Ban quản lý các dự án, chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

+ Thủ trưởng đơn vị là công chức, viên chức đang công tác tại các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý;

+ Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Các hình thức đoàn ra

Các hình thức đoàn ra được quy định tại Điều 4 Thông tư 17/2014/TT-BGDĐT sửa đổi bổ sung bởi điểm a khoản 3 Điều 1 Thông tư 23/2019/TT-BGDĐT, bao gồm:

+ Đoàn tháp tùng Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đoàn liên ngành;

+ Đoàn do lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn đi thăm và làm việc chính thức với các nước; tham dự hội nghị, hội thảo, diễn đàn, đàm phán quốc tế, họp liên Chính phủ trong khuôn khổ các thỏa thuận quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

+ Đoàn tham dự hội nghị, hội thảo, diễn đàn, đàm phán quốc tế, họp liên Chính phủ trong khuôn khổ các thỏa thuận quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; các khóa bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn; các hoạt động giao lưu văn hóa, trại hè, các đại hội thể thao, cuộc thi quốc tế;

+ Đoàn đi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm; đàm phán, làm việc trong khuôn khổ các dự án, chương trình hợp tác đã ký kết; tham gia các hội chợ, triển lãm giáo dục quốc tế trong kế hoạch của các chương trình, dự án hoặc tham gia các hoạt động khác thuộc lĩnh vực giáo dục;

+ Công chức, viên chức tham dự hội nghị, hội thảo, diễn đàn, đàm phán quốc tế, tham dự họp liên Chính phủ; tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn; các hoạt động giao lưu văn hóa, trại hè, đại hội thể thao, cuộc thi quốc tế.

3. Số lượng, thời gian, thành phần chi tiết đoàn ra

Căn cứ Khoản 4 Điều 1 Thông tư 23/2019/TT-BGDĐT bổ sung Điều 4a vào sau Điều 4 Thông tư 17/2014/TT-BGDĐT quy định như sau:

– Đối với đoàn ra theo hình thức quy định tại khoản 1 Điều 4, số lượng người tham gia, thời gian công tác, mục đích, nội dung, chương trình làm việc căn cứ theo đề án đoàn ra đã được phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

– Đối với đoàn ra theo hình thức quy định tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5, Điều 4 của Thông tư này, số lượng người tham gia, thời gian, công tác, mục đích, nội dung, chương trình làm việc căn cứ theo đề án đoàn ra đã được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét quyết định bảo đảm hiệu quả chuyến công tác.

4. Thẩm quyền cử đoàn ra

Theo Điều 5 Thông tư 17/2014/TT-BGDĐT quy định:

– Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, phê duyệt về chủ trương cho phép các Thứ trưởng, Thủ trưởng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc cơ quan Bộ và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài. Bộ trưởng duyệt ký quyết định hoặc ủy quyền cho Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực hợp tác quốc tế ký quyết định cử cấp Thứ trưởng đi công tác nước ngoài.

– Bộ trưởng phân công Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực hợp tác quốc tế ký quyết định cử cán bộ, công chức quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy chế này đi công tác nước ngoài.

– Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được phân cấp quản lý ký quyết định cử công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị mình đi công tác nước ngoài theo quy định hiện hành.

5. Hồ sơ, trình tự, thủ tục

Điều 6 Thông tư 17/2014/TT-BGDĐT quy định hồ sơ cử đoàn ra gửi Cục Hợp tác quốc tế gồm:

+ Công văn đề nghị của Thủ trưởng đơn vị chủ trì tổ chức đoàn ra, trong đó nêu rõ tên đoàn công tác, nước đến, mục đích chuyến đi, thời gian đi, nguồn kinh phí, thông tin về mã ngạch công chức của người được cử đi công tác; địa chỉ, điện thoại, số fax, email của đơn vị có cán bộ, công chức đi công tác nước ngoài;

+ Văn bản có ý kiến phê duyệt về chủ trương của Lãnh đạo Bộ phụ trách. Trường hợp đoàn ra có Thủ trưởng đơn vị thuộc cơ quan Bộ thì phải có ý kiến phê duyệt đồng ý về chủ trương của Bộ trưởng;

+ Thư mời của phía nước ngoài kèm theo bản dịch tiếng Việt hợp lệ hoặc xác nhận của cơ quan, đơn vị hoặc văn bản mời của các bộ, ban, ngành, tổ chức, cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong nước;

+ Danh sách thành viên đoàn (nếu đoàn có nhiều người hoặc Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Trưởng đoàn);

+ Chương trình làm việc dự kiến, tài liệu, thiết bị mang theo có chứa thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước (nếu có);

+ Văn bản hoặc Quyết định (bản gốc) hoặc bản sao công chứng cử nhân sự của thủ trưởng đơn vị, cơ quan có cán bộ, công chức là thành viên tham gia đoàn (nếu là đoàn có nhiều đơn vị bên trong hoặc ngoài Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia).

Trình tự, thủ tục cử đoàn ra được quy định tại Điều 7 Thông tư 17/2014/TT-BGTVT:

Cục Hợp tác quốc tế chủ trì trình cấp có thẩm quyền xin phép về chủ trương cử đoàn ra, làm thủ tục cử đoàn ra được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 của Quy chế này.

Đối với các đoàn ra được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 4 của Quy chế này, cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì trình cấp có thẩm quyền xin phép về chủ trương cử đoàn ra, chuyển hồ sơ theo quy định tại Điều 6 của Quy chế này đến Cục Hợp tác quốc tế trước thời gian lên đường ít nhất 20 ngày làm việc để làm thủ tục cử đoàn ra. Trong thời gian 07 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Hợp tác quốc tế thẩm định, trình lãnh đạo Bộ xem xét ký quyết định cử đoàn ra (theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quy chế này).

Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cục Hợp tác quốc tế thông báo bằng văn bản cho các cơ quan, đơn vị cử đoàn ra để sửa đổi, bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ, trong thời gian 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trong thời gian 02 (hai) ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo đề nghị sửa đổi, bổ sung hồ sơ, cơ quan, đơn vị cử đoàn ra phải gửi hồ sơ đã hoàn thiện cho Cục Hợp tác quốc tế để làm thủ tục cử đoàn ra.

Lưu ý:

Việc cử đoàn ra phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

+ Đoàn ra phải có mục đích, chương trình, nội dung thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp nhiệm vụ của đơn vị, của ngành. Việc đi công tác nước ngoài không được ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng công việc mà cán bộ, công chức được giao thực hiện trong nước;

+ Việc tổ chức đoàn ra phải căn cứ vào kế hoạch đoàn ra hàng năm đã được phê duyệt hoặc trong khuôn khổ các dự án, chương trình hợp tác đã được ký kết. Trường hợp cử đoàn ra nằm ngoài kế hoạch đã được phê duyệt, các cơ quan, đơn vị tổ chức đoàn ra phải báo cáo bằng văn bản nêu rõ mục đích, nội dung, chương trình, thành phần của đoàn ra, thời gian, địa điểm, nguồn kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đơn vị tổ chức đoàn ra chỉ tiến hành thông báo cho đối tác nước ngoài và tiến hành các thủ tục liên quan sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép;

+ Việc cử đoàn ra trên cơ sở thư mời của các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài, các bộ, ban, ngành, tổ chức, các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong nước (gọi chung là phía mời) phải có nội dung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và được Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được Bộ trưởng phân cấp quản lý phê duyệt;

+ Cán bộ được cử đi công tác nước ngoài phải có chuyên môn phù hợp, có trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu và có sức khỏe tốt để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Đoàn ra có hai người trở lên phải có trưởng đoàn;

+ Thủ trưởng các đơn vị, giám đốc các dự án, đề án, chương trình thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch hội đồng đại học, chủ tịch hội đồng trường của các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý tham gia không quá 02 (hai) lần mỗi năm các đoàn ra trong Kế hoạch khi có nội dung phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, trừ trường hợp tham gia đoàn tháp tùng, tùy tùng theo yêu cầu của cấp trên, làm nhiệm vụ hợp tác quốc tế, đàm phán quốc tế do yêu cầu công tác và các trường hợp khác được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép; không cử nhiều hơn 01 đoàn đi công tác trong cùng thời gian, địa điểm, cùng một sự kiện theo lời mời của cùng một đối tác.

Kết luận: Việc cử đoàn ra công tác ngắn hạn tại nước ngoài được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của Thông tư 17/2004/BGDĐT (được sửa đổi bởi Thông tư 23/2019/TT-BGDĐT), Quyết định 698/QĐ-BGDĐT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Cử đoàn ra công tác ngắn hạn tại nước ngoài