39. Giải thể hoạt động nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục

Posted on

Hiện nay ở nước ta, hệ thống giáo dục tư thục ngày càng được mở rộng và phát triển. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân dẫn đến các cơ sở này phải giải thể. Việc giải thể hoạt động nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục được thực hiện theo Nghị định 04/2021/NĐ-CPNghị định 46/2017/NĐ-CPNghị định 135/2018/NĐ-CPThông tư 13/2015/TT-BGDĐT. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý gửi đến bạn đọc một số lưu ý về vấn đề này:

1. Khái quát chung

Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Cơ cấu, tổ chức bao gồm: chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục; tổ trưởng chuyên môn; giáo viên, nhân viên và các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo.

Theo Điều 2 Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục ban hành kèm theo Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT quy định về vị trí của nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục như sau:

Nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là cơ sở giáo dục mầm non thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động là nguồn ngoài ngân sách nhà nước.

Nhà trường, nhà trẻ tư thục có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản riêng.

2. Trường hợp giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục

Theo Điều 14 Nghị định 46/2017/NĐ-CP, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập bị giải thể khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

– Hết thời hạn đình chỉ ghi trong quyết định đình chỉ mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ;

– Vi phạm nghiêm trọng các quy định về tổ chức và hoạt động của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập;

– Theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

Lưu ý:

Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo tổ chức kiểm tra, lập biên bản. Căn cứ biên bản kiểm tra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thu hồi giấy phép thành lập và quyết định giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Quyết định giải thể phải ghi rõ lý do, các biện pháp bảo đảm lợi ích hợp pháp của trẻ em, giáo viên, nhân viên và phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

3. Một số lưu ý

Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không được phép cho bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào lợi dụng danh nghĩa, sử dụng cơ sở của nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục để tiến hành các hoạt động trái với pháp luật và thực hiện các hành vi thương mại hóa hoạt động giáo dục, vụ lợi, không đúng với mục tiêu đề án hoạt động của nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục (Điều 26 Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT)

Đối với những nơi mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non chưa đáp ứng đủ nhu cầu đưa trẻ em tới trường, lớp, các cá nhân có thể tổ chức nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em cuả phụ huynh và phải đăng ký hoạt động với Uỷ ban nhân dân cấp xã, bảo đảm các điều kiện đăng ký hoạt động về số lượng trẻ, người chăm sóc, cơ sở vật chất.

4. Xử phạt vi phạm hành chính

Trong trường hợp có đủ căn cứ chứng minh nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không chấp hành đúng pháp luật của Nhà nước, các quy chế, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; không bảo đảm an toàn và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; không bảo đảm yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất, trang thiết bị; hoặc không có quyết định cho phép thành lập và cho phép hoạt động giáo dục mà vẫn hoạt động thì tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử lý, trong đó có thể bị xử lý theo hình thức giải thể (khoản 2 Điều 26 Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT).

Kết luận: Giải thể hoạt động nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là một thủ tục quan trọng, tuân thủ theo quy định tại Nghị định 46/2017/NĐ-CP, Nghị định 135/2018/NĐ-CP, Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT.