48. Chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục

Posted on

Trong quá trình hoạt động trường đại học dân lập muốn chuyển đổi sang loại hình trường đại học tư thục cần đáp ứng một số điều kiện về quyền và nghĩa vụ để được cấp Quyết định chuyển đổi loại hình trường của Thủ tướng Chính phủ. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến thủ tục chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục theo Luật giáo dục đại học 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018)Thông tư 45/2014/TT-BGDĐT.

1. Một số khái niệm liên quan.

Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 4 Luật giáo dục đại học 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) thì:

– Cơ sở giáo dục đại học là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng.

– Trường đại học, học viện (sau đây gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này.

– Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.

2. Yêu cầu của việc chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục.

Tại Điều 2 Thông tư 45/2014/TT-BGDĐT có quy định về yêu cầu của việc chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập (sau đây gọi tắt là trường dân lập) sang loại hình trường đại học tư thục như sau: “Quá trình chuyển đổi không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của nhà trường, không gây khó khăn cho người học, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động của nhà trường, các cá nhân và tổ chức có liên quan.”.

3. Nội dung chuyển đổi.

a) Kiểm toán tài chính, định giá tài sản (Điều 4 Thông tư 45/2014/TT-BGDĐT)

– Thời điểm kiểm toán là thời điểm lập báo cáo tài chính quý hoặc năm gần nhất do Hội đồng quản trị trường dân lập quyết định, nhưng không quá 12 tháng tính đến thời điểm trình hồ sơ chuyển đổi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo.

– Việc kiểm toán, định giá tài sản được thực hiện bằng đơn vị đồng Việt Nam, theo quy định của pháp luật, do một công ty kiểm toán độc lập và một công ty định giá độc lập có tư cách pháp nhân thực hiện.

Báo cáo kiểm toán phải phân loại tiền vốn theo nguồn gốc hình thành:

+ Tiền vốn góp ban đầu và tiền vốn góp trong quá trình hoạt động của nhà trường từ các tổ chức, cá nhân;

+ Tiền vốn được biếu, tặng hoặc được cấp phát từ các nguồn tài chính hợp pháp;

+ Tiền vốn được hình thành trong quá trình hoạt động của trường;

+ Tiền vốn nhà trường vay, thuê của tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài.

– Báo cáo kiểm toán phải xác định được tổng số vốn thực có, nghĩa vụ đối với các khoản công nợ và nguyên nhân chênh lệch giữa thực tế với sổ sách tại thời điểm kiểm toán (nếu có).

– Báo cáo kiểm toán phải được niêm yết công khai, đảm bảo người góp vốn, giảng viên cơ hữu và người lao động của nhà trường thuận tiện theo dõi và giám sát.

b) Xử lý tiền vốn, tài sản, đất đai của trường dân lập khi chuyển sang trường tư thục (Điều 5 Thông tư 45/2014/TT-BGDĐT).

– Vốn của các tổ chức, cá nhân góp ban đầu và vốn góp trong quá trình hoạt động của trường dân lập được quy ra đồng Việt Nam tại thời điểm góp vốn, được bảo toàn giá trị tại thời điểm chuyển đổi trên cơ sở thống nhất giữa Hội đồng quản trị với các tổ chức, cá nhân góp vốn và được chuyển thành cổ phần khi chuyển đổi sang trường tư thục.

+ Hội đồng quản trị trường dân lập quyết nghị về phương thức bảo toàn giá trị vốn góp của các tổ chức, cá nhân đã góp vốn.

– Tài sản do biếu, tặng hoặc cấp phát và được hình thành từ kết quả hoạt động của trường dân lập là tài sản sở hữu chung hợp nhất không phân chia và được chuyển thành tài sản sở hữu chung hợp nhất không phân chia của trường tư thục.

– Sau khi được công nhận chuyển đổi từ trường dân lập, trường tư thục kế thừa các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán và nghĩa vụ tài sản khác của trường dân lập.

– Trường dân lập bàn giao toàn bộ diện tích đất và tài sản trên đất đang sử dụng kèm hồ sơ cho trường tư thục. Trường tư thục có trách nhiệm quản lý, sử dụng đất, tài sản trên đất được bàn giao từ trường dân lập đúng mục đích và chịu trách nhiệm liên quan đến việc sử dụng đất và tài sản trên đất.

c) Quyền lợi của tổ chức xin thành lập trường, cá nhân có công trong quá trình thành lập, phát triển trường dân lập và thành viên Hội đồng quản trị đương nhiệm (Điều 6 Thông tư 45/2014/TT-BGDĐT).

– Tổ chức xin thành lập trường dân lập được ưu tiên góp vốn bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để trở thành cổ đông của trường tư thục. Tổ chức xin thành lập trường dân lập không góp vốn thì không còn quyền và nghĩa vụ đối với trường tư thục.

– Các cá nhân có công trong quá trình thành lập, phát triển trường dân lập, các thành viên đương nhiệm của Hội đồng quản trị trường dân lập chưa góp vốn được ưu tiên góp vốn để trở thành cổ đông của trường tư thục.

– Tổ chức xin thành lập trường, các cá nhân có công trong quá trình thành lập, phát triển trường dân lập, các thành viên đương nhiệm của Hội đồng quản trị trường dân lập trước đây đã góp vốn nhưng đã chuyển nhượng hết phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác thì không được hưởng quyền ưu tiên góp vốn.

– Hội đồng quản trị trường dân lập cùng với Đảng ủy, Công đoàn giải quyết quyền lợi chính đáng, hợp pháp đối với các cá nhân có công trong quá trình thành lập và phát triển trường dân lập.

d) Xác định vốn điều lệ và huy động vốn điều lệ tăng thêm cho trường đại học tư thục (Điều 7 Thông tư 45/2014/TT-BGDĐT).

Vốn điều lệ của trường tư thục khi chuyển đổi từ trường dân lập là vốn của các tổ chức, cá nhân góp ban đầu và góp trong quá trình hoạt động của trường đại học dân lập sau khi được Hội đồng quản trị trường dân lập quyết định phương thức bảo toàn giá trị vốn góp theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Thông tư này.

– Hội đồng quản trị trường đại học dân lập quyết định công nhận đối với số vốn điều lệ, giá trị mỗi cổ phần, số lượng cổ phần của trường tư thục khi chuyển đổi từ trường dân lập.

– Trong trường hợp trường dân lập có nhu cầu tăng vốn góp cho trường trước khi xác định vốn điều lệ của trường tư thục thì Hội đồng quản trị trường dân lập tiến hành huy động vốn góp theo thứ tự ưu tiên như sau:

+ Các đối tượng quy định tại Điều 6 của Thông tư này;

+ Người đã góp vốn;

+ Giảng viên cơ hữu của trường.

– Giá trị vốn góp cụ thể của các đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều này do Hội đồng quản trị trường dân lập quy định.

Kết luận: Khi tiến hành thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục cần phải tuân thủ theo quy định tại Luật giáo dục đại học 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018)Thông tư 45/2014/TT-BGDĐT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục