52. Cho phép mở phân hiệu của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Posted on

Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài muốn mở phân hiệu tại Việt Nam thì cần phải thực hiện thủ tục cho phép thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo Nghị định 86/2018/NĐ-CPThông tư 04/2020/TT-BGDĐT.

1. Một số khái niệm liên quan.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 6 Điều 2 Nghị định 86/2018/NĐ-CP thì:

Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài là cơ sở giáo dục do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, được phép sử dụng con dấu và tài khoản riêng.

Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức và chịu sự quản lý, điều hành của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam.

2. Loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.

Căn cứ theo quy định tại Điều 28 Nghị định 86/2018/NĐ-CP thì có các loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài sau:

– Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn.

– Cơ sở giáo dục mầm non.

– Cơ sở giáo dục phổ thông (trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học).

– Cơ sở giáo dục đại học.

– Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Lưu ý: Theo quy đinh tại Khoản 4 Điều 31 Nghị định 86/2018/NĐ-CP thì việc cho phép mở phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo trình tự sau đây:

– Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

– Cấp quyết định cho phép thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học;

– Cấp quyết định cho phép hoạt động và thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp phép.

3. Điều kiện cho phép mở và yêu cầu đảm bảo chất lượng phân hiệu cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.

a) Vốn đầu tư.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 35 Nghị định 86/2018/NĐ-CP thì:

–  Dự án đầu tư xin thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải có vốn đầu tư tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiệu trường đại học, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 150 tỷ đồng.

b) Cơ sở vật chất, thiết bị.

Tại Khoản 4 Điều 36 Nghị định 86/2018/NĐ-CP có quy định về cơ sở vật chất, thiết bị đối với phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như sau:

– Diện tích đất để xây dựng trường đạt bình quân ít nhất 25 m2/sinh viên tại thời điểm có quy mô đào tạo cao nhất trong kế hoạch phát triển nhà trường;

– Diện tích xây nhà bình quân ít nhất là 09 m2/sinh viên, trong đó diện tích học tập ít nhất là 06 m2/sinh viên, diện tích nhà ở và sinh hoạt của sinh viên ít nhất là 03 m2/sinh viên;

– Có đủ số giảng đường, phòng học, phòng chức năng phù hợp và đáp ứng yêu cầu đào tạo theo ngành và phương thức tổ chức đào tạo;

– Có đủ phòng làm việc, khu hành chính và ban giám hiệu bảo đảm đáp ứng được cơ cấu tổ chức phòng, ban, khoa, bộ môn chuyên môn, bảo đảm diện tích ít nhất là 08 m2/người;

– Có hội trường, thư viện, cơ sở thí nghiệm, thực tập, thực hành và các cơ sở vật chất khác đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo và hoạt động khoa học – công nghệ;

– Có nhà ăn, các công trình xây dựng phục vụ hoạt động giải trí, thể thao, văn hóa và các công trình y tế, dịch vụ để phục vụ sinh hoạt cho cán bộ, giảng viên và sinh viên;

– Có khu công trình kỹ thuật, nhà để xe ô tô, xe máy, xe đạp.

c) Chương trình giáo dục.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 và Điểm a, c Khoản 2 Điều 37 Nghị định 86/2018/NĐ-CP thì:

– Chương trình giáo dục thực hiện tại phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài phải thể hiện mục tiêu giáo dục, không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và phải bảo đảm điều kiện liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.

– Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài được tổ chức giảng dạy:

+ Chương trình giáo dục của Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;

+ Chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ của nước ngoài trong khuôn khổ các liên kết đào tạo với nước ngoài.

d) Đội ngũ nhà giáo.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 38 Nghị định 86/2018/NĐ-CP thì yêu cầu về đội ngũ nhà giáo đối với cơ sở giáo dục đại học như sau:

– Giảng viên ít nhất phải có trình độ thạc sĩ trở lên trong đó tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ không ít hơn 50% tổng số giảng viên, trừ những ngành đào tạo đặc thù do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định;

– Tỷ lệ sinh viên/giảng viên tối đa là 10 sinh viên/giảng viên đối với các ngành đào tạo năng khiếu, 15 sinh viên/giảng viên đối với các ngành đào tạo khoa học kỹ thuật và công nghệ, 25 sinh viên/giảng viên đối với các ngành đào tạo khoa học xã hội, nhân văn và kinh tế – quản trị kinh doanh;

– Cơ sở giáo dục phải có đủ số lượng giảng viên cơ hữu để đảm nhận ít nhất 60% khối lượng chương trình của mỗi ngành đào tạo;

– Giảng viên là người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài phải có kinh nghiệm giảng dạy đại học trong cùng lĩnh vực giảng dạy trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này;

– Giảng viên là người bản ngữ nước ngoài dạy kỹ năng ngoại ngữ tại cơ sở giáo dục đại học phải có bằng đại học trở lên và có chứng chỉ giảng dạy ngoại ngữ phù hợp.

Kết luận: Khi tiến hành thực hiện thủ tục cho phép thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài cần phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định 86/2018/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cho phép mở phân hiệu của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam