59. Cấp, cấp lại Giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục
Các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân được cấp, cấp lại giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục khi đáp ứng các điều kiện do pháp luật quy định. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Thông tư 61/2012/TT-BGDĐT như sau:
1.Một số khái niệm cơ bản
Chất lượng giáo dục là sự đáp ứng mục tiêu của cơ sở giáo dục hoặc chương trình giáo dục, đáp ứng các yêu cầu của Luật giáo dục, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học, phù hợp với nhu cầu sử dụng nhân lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và cả nước (khoản 1 Điều 2 Thông tư 61/2012/TT-BGDĐT).
Kiểm định chất lượng giáo dục là hoạt động đánh giá và công nhận mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục đối với nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Kiểm định chất lượng giáo dục gồm có kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục (gọi tắt là kiểm định trường) và kiểm định chất lượng chương trình giáo dục (gọi tắt là kiểm định chương trình). Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục được áp dụng đối với tất cả các cơ sở giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo. Kiểm định chất lượng chương trình giáo dục được áp dụng đối với các chương trình giáo dục các trình độ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ (khoản 2 Điều 2 Thông tư 61/2012/TT-BGDĐT).
Đối tượng được ghi trong giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm các cơ sở giáo dục thuộc các cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân và các chương trình giáo dục của các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp (khoản 4 Điều 2 Thông tư 61/2012/TT-BGDĐT).
Phạm vi được ghi trong giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm các cơ sở giáo dục trong phạm vi cả nước, trong một cấp học hay trong một khu vực địa lý và các chương trình giáo dục nói chung hay theo từng lĩnh vực chuyên môn trên cơ sở hồ sơ đăng ký hoạt động, trình độ chuyên môn và nguồn lực của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục (khoản 5 Điều 2 Thông tư 61/2012/TT-BGDĐT).
2. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục
2.1.Khái niệm
Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục theo các quy định của Quy định này, có chức năng đánh giá và công nhận các cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục (khoản 1 Điều 3 Thông tư 61/2012/TT-BGDĐT)
Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm (khoản 2 Điều 3 Thông tư 61/2012/TT-BGDĐT):
– Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do Nhà nước thành lập hoạt động theo quy định của Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
– Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do tổ chức, cá nhân thành lập hoạt động theo quy định của Nhà nước đối với các cơ sở ngoài công lập hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục – đào tạo.
Lưu ý:
– Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có tư cách pháp nhân; có tài khoản và con dấu riêng; có trụ sở giao dịch; hoạt động độc lập với các cơ sở giáo dục (khoản 3 Điều 3 Thông tư 61/2012/TT-BGDĐT).
2.2.Điều kiện thành lập hoặc cho phép thành lập, đăng ký hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục
Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập hoặc cho phép thành lập khi đáp ứng các điều kiện sau đây (khoản 1 Điều 5 Thông tư 61/2012/TT-BGDĐT):
– Có đề án thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó đã xác định cụ thể đối tượng, phạm vi hoạt động và phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;
– Có từ 3 kiểm định viên trở lên đứng tên đề nghị thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục (đối với chủ thể đề nghị thành lập là tổ chức, cá nhân);
– Có ít nhất 10 kiểm định viên đạt tiêu chuẩn, phù hợp với đối tượng, phạm vi hoạt động quy định ở điểm a khoản 1 Điều này, cam kết sẽ làm việc toàn thời gian cho tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục sau khi được thành lập;
– Có dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;
– Có dự thảo quy chế chi tiêu nội bộ;
– Có bản thiết kế trang thông tin điện tử.
Lưu ý:
– Trong giai đoạn 2012-2015, thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Nhà nước; trong giai đoạn sau năm 2015, cho phép các tổ chức, cá nhân thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục (khoản 2 Điều 5 Thông tư 61/2012/TT-BGDĐT).
3. Điều kiện được cấp Giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục
Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được cấp giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục khi đáp ứng các điều kiện sau đây (khoản 3 Điều 5 Thông tư 61/2012/TT-BGDĐT):
– Có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;
– Có ít nhất 10 kiểm định viên làm việc toàn thời gian cho tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;
– Có trụ sở hoạt động ổn định và điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; có đủ phòng làm việc cho kiểm định viên với diện tích tối thiểu là 8m2/người; mỗi kiểm định viên có một máy tính và bàn ghế làm việc;
– Có số vốn tối thiểu 2 tỷ đồng để triển khai các hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, được góp hoặc phân bổ bằng các nguồn hợp pháp;
– Có quy chế tổ chức và hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;
– Có quy chế chi tiêu nội bộ;
– Có trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
4.Cấp lại Giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục
Trong quá trình hoạt động, nếu tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung đối tượng, phạm vi hoạt động thì tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục làm thủ tục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp lại giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Quy định này (khoản 1 Điều 8 Thông tư 61/2012/TT-BGDĐT).
5.Đình chỉ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục
Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bị đình chỉ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây (khoản 1 Điều 10 Thông tư 61/2012/TT-BGDĐT):
– Có hành vi gian lận để được cấp giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục;
– Giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục được cấp không đúng thẩm quyền quy định tại điểm c khoản 2 Điều 6 của Quy định này;
– Trong quá trình hoạt động, không duy trì được một trong các điều kiện quy định tại các điểm b và c khoản 3 Điều 5 của Quy định này;
– Không triển khai hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục;
– Thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục không khách quan, trung thực, công nhận kết quả kiểm định chất lượng giáo dục sai so với thực tế;
– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Lưu ý:
– Quyết định đình chỉ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục phải xác định rõ lý do và thời hạn đình chỉ. Quyết định đình chỉ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục phải được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các phương tiện thông tin đại chúng khác (khoản 3 Điều 10Thông tư 61/2012/TT-BGDĐT).
– Sau thời hạn đình chỉ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, nếu các nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ hoạt động được khắc phục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoạt động trở lại (khoản 4 Điều 10 Thông tư 61/2012/TT-BGDĐT).
6. Giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục
Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bị giải thể trong các trường hợp sau (khoản 1 Điều 11 Thông tư 61/2012/TT-BGDĐT):
– Vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý, tổ chức và hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;
– Sau 6 tháng kể từ ngày có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục không đăng ký hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục hoặc không đủ điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục;
– Hết thời hạn đình chỉ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục mà không khắc phục được các nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ;
– Hết thời hạn giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nhưng không đăng ký hoặc không được cấp giấy phép hoạt động tiếp;
– Có hành vi vi phạm để được thành lập hoặc cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;
– Người ký quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục không đúng thẩm quyền quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học và Quy định này;
– Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
Kết luận: Các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 Thông tư 61/2012/TT-BGDĐT. Nếu hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cấp giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục. Nếu hồ sơ không đạt yêu cầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cấp Giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục
Cấp lại Giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục