73. Giải thể trường trung học phổ thông
Trong quá trình hoạt động của trường trung học phổ thông có thể phát sinh việc giải thể trường trung học phổ thông. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý cụ thể nội dung đó theo quy định của Luật giáo dục 2019, Nghị định 04/2021/NĐ-CP, Nghị định 46/2017/NĐ, Nghị định 135/2018/NĐ-CP như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản về trường trung học phổ thông
1.1. Loại hình trường trung học phổ thông
Trường trung học được tổ chức theo hai loại hình (khoản 1 Điều 4 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT)
– Trường công lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập và trực tiếp quản lý. Nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí cho chi thường xuyên của trường trung học công lập chủ yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm.
– Trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động, được thành lập theo quy định của pháp luật. Nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động của trường trung học tư thục là nguồn ngoài ngân sách nhà nước.
1.2. Nhiệm vụ và quyền hạn của trường trung học
Trường trung học có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây (Điều 3 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT):
– Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển nhà trường gắn với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương; xác định tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị cốt lõi về giáo dục, văn hóa, lịch sử và truyền thống của nhà trường.
– Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường theo chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Phối hợp với gia đình học sinh, tổ chức và cá nhân trong tổ chức các hoạt động giáo dục.
– Tuyển sinh và tiếp nhận học sinh, quản lý học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
– Thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục trong phạm vi được phân công.
– Tổ chức cho giáo viên, nhân viên, học sinh tham gia các hoạt động xã hội.
– Quản lý giáo viên, nhân viên theo quy định của pháp luật.
– Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực cho hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật.
– Quản lý, sử dụng và bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện các hoạt động về bảo đảm chất lượng giáo dục, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
– Thực hiện công khai về cam kết chất lượng giáo dục, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và thu, chi tài chính theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện dân chủ, trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục trong quản lý các hoạt động giáo dục; bảo đảm việc tham gia của học sinh, gia đình và xã hội trong quản lý các hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện các nhiệm vụ và quyền khác theo quy định của pháp luật.
1.3. Điều kiện thành lập trường trung học phổ thông
Điều kiện thành lập trường trung học phổ thông (Điều 25 Nghị định 46/2017/NĐ-CP):
– Có đề án thành lập trường phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Đề án thành lập trường xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy; nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường.
1.4. Điều kiện hoạt động của trường trung học phổ thông
Theo Điều 27 Nghị định 46/2017/NĐ-CP thì điều kiện để trường trung học hoạt động giáo dục được quy định như sau:
– Có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập của người có thẩm quyền quy định.
– Có đất đai, trường sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động giáo dục.
– Địa điểm của trường bảo đảm môi trường giáo dục, an toàn cho học sinh, giáo viên, cán bộ và nhân viên. Trường học là một khu riêng, có tường bao quanh, có cổng trường và biển tên trường. Diện tích của trường đủ theo quy định, đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động giáo dục.
– Có chương trình giáo dục và tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định phù hợp với mỗi cấp học.
– Có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn về phẩm chất và đạt trình độ chuẩn được đào tạo phù hợp với từng cấp học; đủ về số lượng theo cơ cấu về loại hình giáo viên, bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục.
– Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục.
– Có quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
2. Giải thể trường trung học phổ thông
Theo khoản 2 Điều 51 Luật giáo dục 2019 và Điều 31 Nghị định 46/2017/NĐ thì trường trung học phổ thông bị giải thể một trong các trường hợp sau đây:
– Vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý, tổ chức, hoạt động của nhà trường;
– Hết thời hạn đình chỉ ghi trong quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ;
– Mục tiêu, nội dung hoạt động trong quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường không còn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương;
– Theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trường.
Ngoài ra, việc giải thể nhà trường phải xác định rõ lý do, biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người học, người lao động trong nhà trường và phải được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo khoản 3 Điều 51 Luật giáo dục 2019.
3. Thẩm quyền giải thể trường trung học phổ thông
Người có thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập thì có thẩm quyền quyết định giải thể nhà trường (khoản 2 Điều 31 Nghị định 46/2017/NĐ).
Do đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập đối với trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông (sau đây gọi chung là trường trung học phổ thông) (khoản 1 Điều 26 Nghị định 46/2017/NĐ) sẽ có thẩm quyền ra quyết định giải thể trường trung học phổ thông.
Kết luận: Khi trường trung học phổ thông thuộc một trong các trường hợp bị giải thể như trên thì người có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập trường ra quyết định giải thể trường trong vòng 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện tại đây: