79. Sáp nhập, giải thể Trung tâm giáo dục thường xuyên
Sáp nhập, giải thể Trung tâm giáo dục thường xuyên là thủ tục quan trọng và cần thiết, phát sinh trong quá trình hoạt động. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cung cấp những nội dung cụ thể về Sáp nhập, giải thể Trung tâm giáo dục thường xuyên theo Luật Giáo dục 2019, Nghị định 46/2017/NĐ-CP ( được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 135/2018/NĐ-CP), Quyết định 01/2007/QĐ-BGDĐT và Quyết định 698/QĐ-BGDĐT năm 2016 như sau:
1. Khái niệm
Giáo dục thường xuyên là giáo dục để thực hiện một chương trình giáo dục nhất định, được tổ chức linh hoạt về hình thức thực hiện chương trình, thời gian, phương pháp, địa điểm, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học. (khoản 2 Điều 5 Luật Giáo dục 2019)
Giáo dục thường xuyên được thực hiện tại cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở văn hóa, tại nơi làm việc, cộng đồng dân cư, qua phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện khác. (khoản 1 Điều 44 Luật Giáo dục 2019)
Căn cứ khoản 2 Điều 44 Luật Giáo dục 2019 quy định cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm:
– Trung tâm giáo dục thường xuyên;
– Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên;
– Trung tâm học tập cộng đồng;
– Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên.
2. Điều kiện thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên
Căn cứ Điều 37 Nghị định 476/2017/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 18 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP quy định điều kiện thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên như sau:
– Có đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đạt tiêu chuẩn theo quy định.
– Có địa điểm để xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị theo quy định sau đây:
+ Có đủ các phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện, phòng thực hành lao động sản xuất;
+ Có các thiết bị dạy học và tài liệu học tập theo yêu cầu thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên.”
3. Thẩm quyền Sáp nhập, chia, tách, giải thể trung tâm giáo dục thường xuyên
Căn cứ Điều 39 Nghị định 46/2017/NĐ-CP Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định việc sáp nhập, chia, tách trung tâm giáo dục thường xuyên.
Căn cứ Điều 41 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án giải thể trung tâm giáo dục thường xuyên, gửi công văn đề nghị Sở Nội vụ tổ chức thẩm định. Sau khi thẩm định, Sở Nội vụ chuyển hồ sơ thẩm định đến văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm tra và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giải thể trung tâm giáo dục thường xuyên
4. Sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên
Theo khoản 2 Điều 39 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định thì việc sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên tuân theo các điều kiện quy định như khi thành lập tại Điều 37, 38 Nghị định này.
Lưu ý:
– Thông báo điều chỉnh, thay đổi tên ( nếu có), trụ sở chính, phân hiệu, …
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên.
5. Giải thể trung tâm giáo dục thường xuyên
Theo khoản 1 Điều 41 Nghị định 46/2017/NĐ-CP ( được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 2 Nghị định 135/2018/NĐ-CP), các trường hợp trung tâm giáo dục thường xuyên bị giải thế:
– Vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý, tổ chức, hoạt động của trung tâm;
– Hết thời gian đình chỉ ghi trong quyết định đình chỉ hoạt động mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ.
Lưu ý:
Sau thời gian đình chỉ, nếu trung tâm giáo dục thường xuyên khắc phục được những nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định cho phép trung tâm giáo dục thường xuyên hoạt động giáo dục trở lại và phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Quyết định giải thể trung tâm giáo dục thường xuyên phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
6. Xử phạt hành chính
Xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp sáp nhập mà không điều chỉnh địa điểm hoạt động: Căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định 138/2013/NĐ-CP, đối với hành vi tổ chức hoạt động giáo dục ngoài địa điểm được phép sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trung tâm giáo dục thường xuyên.
Kết luận: Khi sáp nhập, giải thể trung tâm giáo dục thường xuyên thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nộp hồ sơ trực tiếp đến Sở Nội vụ hoặc qua đường bưu điện, đồng thời đáp ứng các điều kiện tại Điều 39, 41 Nghị định số 46/2017/NĐ-CP, Điều 11 Chương 2 Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên ban hành kèm theo Quyết định số 01/2007/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 698/QĐ-BGDĐT năm 2016.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn xem tại đây:
Sáp nhập, giải thể Trung tâm giáo dục thường xuyên