9. Cho phép trường cao đẳng hoạt động

Posted on

Khi đã thực hiện xong thủ tục thành lập, trường cao đẳng muốn hoạt động thì phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Khi đó, trường cao đẳng phải thực hiện thủ tục cho phép trường cao đẳng hoạt động. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo Luật Giáo dục nghề nghiệp 74/2014/QH13Nghị định 79/2015/NĐ-CPNghị định 143/2016/NĐ-CPNghị định 140/2018/NĐ-CP, Nghị định 24/2022/NĐ-CPThông tư 01/2015/TT-BGDĐTThông tư 15/2021/TT-BLĐTBXH như sau:

1. Nguyên tắc đặt tên trường cao đẳng:

Các nguyên tắc đặt tên trường cao đẳng như sau (Điều 3 Điều lệ trường cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư 01/2015/TT-BGDĐT, Điều 4 Thông tư 15/2021/TT-BLĐTBXH):

– Tên của trường cao đẳng bao gồm các cụm từ sau đây:

  • Cụm từ xác định loại trường cao đẳng: Cao đẳng, cao đẳng cộng đồng;
  • Cụm từ xác định loại hình trường, lĩnh vực, ngành nghề đào tạo (nếu cần);
  • Tên riêng: Tên địa phương, tên danh nhân văn hóa, tên danh nhân lịch sử Việt Nam, tên cá nhân, tổ chức;
  • Cụm từ xác định chất lượng, đẳng cấp nếu thấy cần thiết.

– Việc đặt tên trường phải rõ ràng, không gây hiểu sai về tổ chức và hoạt động của nhà trường; phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc; không gây nhầm lẫn về chất lượng, đẳng cấp trường.

Tên trường không được trùng và gây nhầm lẫn với tên của trường cao đẳng đã thành lập trước đó.

Tên giao dịch quốc tế của trường được dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài, phải sử dụng các thuật ngữ bằng tiếng nước ngoài phu họp với thông lệ quốc tế, không dịch tên cá nhân và không gây nhầm lẫn với tên trường khác.

Tên bằng tiếng Việt của trường được ghi trong quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, con dấu, biển hiệu, các văn bản, giấy tờ giao dịch của trường và được gắn tại trụ sở chính, phân hiệu của trường.

2. Loại hình trường cao đẳng

Trường cao đẳng trong Thông tư này được tổ chức theo các loại hình sau (Điều 5 Thông tư 15/2021/TT-BLĐTBXH):

– Trường cao đẳng được tổ chức theo các loại hình sau đây:

+ Trường cao đẳng công lập

+ Trường cao đẳng tư thục

+ Trường cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài.

–  Cơ quan chủ quản trường cao đẳng công lập bao gồm:

+ Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội

+ Đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội

+ Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

3. Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp

Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (khoản 2 Điều 14 Nghị định 143/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 6 Điều 5 Nghị định 140/2018/NĐ-CP; Khoản 21 Điều 1 Nghị định 24/2022/NĐ-CP):

Các ngành, nghề đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trong danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành; phù hợp với cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của bộ, ngành, địa phương (theo Mẫu số 01 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 24/2022/NĐ-CP)

Trường hợp tên ngành, nghề đào tạo chưa có trong danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành, trường trung cấp, trường cao đẳng phải trình bày luận cứ khoa học về ngành, nghề đào tạo mới; xây dựng bản mô tả ngành, nghề và phân tích công việc của ngành, nghề đó.

– Có cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo phù hợp với ngành, nghề, quy mô và trình độ đào tạo, cụ thể:

  • Có phòng học; phòng thí nghiệm; phòng, xưởng thực hành, thực tập; cơ sở sản xuất thử nghiệm đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học theo chương trình đào tạo, quy mô đào tạo của từng ngành, nghề. Diện tích phòng học lý thuyết; phòng, xưởng thực hành, thực tập dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm ở mức bình quân ít nhất là 5,5 m2/chỗ học.
  • Có đủ thiết bị đào tạo của từng ngành, nghề đào tạo đáp ứng theo danh mục và tiêu chuẩn thiết bị tối thiểu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định. Trường hợp Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chưa ban hành danh mục và tiêu chuẩn thiết bị tối thiểu của ngành, nghề đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì phải bảo đảm đủ thiết bị đào tạo theo quy định trong chương trình đào tạo và tương ứng với quy mô đào tạo của ngành, nghề đăng ký hoạt động.
  • Có thư viện với các phần mềm và trang thiết bị phục vụ cho việc mượn, tra cứu, nghiên cứu tài liệu; có đủ nguồn thông tin tư liệu như sách, giáo trình, bài giảng của các mô đun, tín chỉ, học phần, môn học, các tài liệu liên quan đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập.
  • Có đủ phòng làm việc, khu hành chính và khu hiệu bộ, bảo đảm đáp ứng cơ cấu tổ chức phòng, khoa, bộ môn chuyên môn, bảo đảm diện tích ít nhất là 06 m2/người đối với đào tạo trình độ trung cấp và 08 m2/người đối với đào tạo trình độ cao đẳng.
  • Có các công trình xây dựng phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí và các công trình y tế, dịch vụ để phục vụ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên

– Có đủ chương trình, giáo trình đào tạo của từng ngành, nghề đăng ký hoạt động được xây dựng, thẩm định, ban hành theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

– Có đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý đủ về số lượng, phù hợp với cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo; đạt tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm theo quy định của pháp luật; bảo đảm thực hiện mục tiêu, chương trình đào tạo, trong đó:

Tỷ lệ học sinh, sinh viên/giáo viên, giảng viên tối đa là 25. Có số lượng giáo viên, giảng viên cơ hữu đảm bảo đảm nhận tối thiểu là 60% chương trình của mỗi ngành nghề đào tạo.

Giáo viên, giảng viên là người nước ngoài giảng dạy tại các trường trung cấp, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

4. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp

Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (Điều 16 Nghị định 143/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 24/2022/NĐ-CP):

– Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với trường cao đẳng.

– Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và doanh nghiệp.

5. Xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Nghị định 79/2015/NĐ-CP như sau:

– Đối với hành vi tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động:

  • Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường cao đẳng.
  • Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp từ 01 tháng đến 03 tháng;
  • Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục quyền lợi học tập cho người học, hoàn trả cho người học các khoản đã thu đối với hành vi vi phạm.

– Đối với hành vi không ban hành quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp:

  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
  • Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc ban hành quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với hành vi vi phạm.

Kết luận: Khi cho phép trường cao đẳng hoạt động cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp 74/2014/QH13Nghị định 79/2015/NĐ-CPNghị định 143/2016/NĐ-CPNghị định 140/2018/NĐ-CP, Nghị định 24/2022/NĐ-CPThông tư 01/2015/TT-BGDĐTThông tư 15/2021/TT-BLĐTBXH