95. Thành lập trường trung học phổ thông chuyên

Posted on

Hệ thống trường chuyên đã và đang là cái nôi đào tạo nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và cả nước, vì vậy đã phát sinh nên thủ tục thành lập nhiều trường trung học phổ thông chuyên. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Nghị định 46/2017/NĐ-CP, Thông tư 06/2012/TT-BGDĐT, Quyết định 4632/QĐ-BGDĐT 2018 như sau:

1. Khái niệm

– Theo quy định tại tiểu mục 2.3 Mục 2 Nội dung chỉ tiêu thống kê ngành giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 19/2017/TT-BGDĐT thì: Trường trung học phổ thông là cơ sở giáo dục phổ thông dạy dạy từ lớp 10 đến lớp 12, bảo đảm đủ các điều kiện như: cán bộ quản lý, giáo viên dạy các môn học, nhân viên hành chính, bảo vệ, y tế…; có cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập; có đủ những điều kiện về tài chính theo quy định của Bộ Tài chính, nằm trong hệ thống giáo dục quốc gia được thành lập theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước; thực hiện chương trình giáo dục, kế hoạch dạy học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục.

– Trường trung học phổ thông chuyên có hai loại hình: trường trung học phổ thông chuyên công lập và trường trung học phổ thông chuyên tư thục.

– Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên ban hành kèm theo Thông tư 06/2012/TT-BGDĐT áp dụng đối với trường THPT chuyên thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là trường chuyên thuộc tỉnh), trường THPT chuyên thuộc đại học, trường đại học (sau đây gọi chung là trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học).

– Trường trung học phổ thông chuyên thuộc trường chuyên biệt được quy định tại Mục 2 Chương V Nghị định 46/2017/NĐ-CP.

2. Điều kiện thành lập trường trung học phổ thông chuyên

Theo khoản 1 Điều 8 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 06/2012/TT-BGDĐT, điều kiện thành lập, cho phép thành lập được quy định như sau:

– Đảm bảo các điều kiện thành lập hoặc cho phép thành lập trường trung học quy định tại Điều lệ trường trung học;

– Đề án thành lập trường xác định phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường nhằm đạt được mục tiêu, nhiệm vụ của trường chuyên; sau 5 năm thành lập phải có ít nhất 40% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ chuyên môn được đào tạo từ thạc sĩ trở lên, không kể giáo viên thỉnh giảng.

Theo Điều 55 Nghị định 46/2017/NĐ-CP, điều kiện thành lập trường trung học phổ thông chuyên công lập, cho phép thành lập trường trung học phổ thông chuyên tư thục bao gồm:

– Có đề án thành lập trường phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

– Đề án thành lập trường xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường, tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển trường nhằm đạt được mục tiêu, nhiệm vụ của trường chuyên.

Lưu ý:

– Theo Điều 11 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 06/2012/TT- BGDĐT, lớp trong trường chuyên được quy định như sau:

+ Trường chuyên có thể có các lớp chuyên sau: Chuyên Toán, chuyên Tin học, chuyên Vật lí, chuyên Hóa học, chuyên Sinh học, chuyên Ngữ văn, chuyên Lịch sử, chuyên Địa lí, chuyên theo các Ngoại ngữ; ngoài các lớp chuyên, có thể có các lớp theo lĩnh vực chuyên và các lớp không chuyên.

+ Số học sinh/lớp của trường chuyên:

a) Lớp chuyên và lớp theo lĩnh vực chuyên: Không quá 35 học sinh/lớp;

b) Lớp không chuyên: Không quá 45 học sinh/lớp; đảm bảo số học sinh các lớp không chuyên không quá 20% tổng số học sinh của trường.

+ Trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng và đề nghị của hiệu trưởng trường chuyên, cơ quan quản lý trực tiếp trường chuyên quyết định:

a) Số lớp chuyên đối với từng môn chuyên;

b) Số lớp theo lĩnh vực chuyên;

c) Số lớp không chuyên.

– Theo Điều 57 Nghị định 46/2017/NĐ-CP, điều kiện để trường trung học phổ thông chuyên hoạt động giáo dục là đáp ứng các điều kiện hoạt động như đối với trường trung học phổ thông quy định tại Điều 27 của Nghị định này và các điều kiện sau đây:

+ Có chương trình giáo dục và tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định đối với trường chuyên.

+ Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đủ số lượng, phẩm chất, năng lực và trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của trường chuyên.

3. Thẩm quyền thành lập

Theo khoản 1 Điều 56 Nghị định 46/2017/NĐ-CP, thẩm quyền thành lập được quy định như sau:

– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trường chuyên công lập thuộc tỉnh hoặc cho phép thành lập trường chuyên tư thục thuộc tỉnh theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo;

– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở quyết định thành lập trường chuyên công lập hoặc cho phép thành lập trường chuyên tư thục thuộc cơ sở giáo dục đại học theo đề nghị của Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học.

Lưu ý:

Hồ sơ trình tự thành lập hoặc cho phép thành lập trường chuyên được thực hiện như đối với trường trung học theo quy định tại Nghị định này. (khoản 2 Điều 56 Nghị định 46/2017/NĐ-CP)

– Theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về  thẩm quyền thành lập trường trung học phổ thông: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập đối với trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông (sau đây gọi chung là trường trung học phổ thông).

4. Một số lưu ý

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể có ít nhất một trường chuyên với tổng số học sinh các lớp chuyên chiếm tối thiểu 2% số học sinh THPT của tỉnh, thành phố đó. (khoản 2 Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 06/2012/TT-BGDĐT)

– Cơ sở giáo dục đại học có chức năng đào tạo giáo viên phổ thông trình độ đại học hoặc cử nhân khoa học cùng lĩnh vực chuyên có thể mở trường chuyên phù hợp với điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục. (khoản 3 Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 06/2012/TT-BGDĐT)

– Theo khoản 4 Điều 26 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định: Sau thời hạn 02 năm, kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực, nếu trường trung học không được cho phép hoạt động giáo dục thì Phòng Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo người có thẩm quyền quyết định hủy bỏ quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường.

Kết luận: Thành lập trường trung học phổ thông chuyên cần phải đáp ứng đủ điều kiện theo Nghị định 46/2017/NĐ-CP, Thông tư 06/2012/TT-BGDĐT, Quyết định 4632/QĐ-BGDĐT 2018. 

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Thành lập trường trung học phổ thông chuyên