98. Cấp giấy chứng nhận chất lượng giáo dục đối với trường trung học (Bao gồm trường trung học cơ sở; trường trung học phổ thông; trường phổ thông có nhiều cấp học; trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện; trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh; trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc Bộ; trường phổ thông dân tộc bán trú; trường chuyên thuộc các loại hình trong hệ thống giáo dục quốc dân)
Căn cứ vào đề nghị của Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục mà chủ thể có thẩm quyền sẽ tiến hành thực hiện cấp Giấy chứng nhận chất lượng giáo dục đối với trường trung học đáp ứng được các điều kiện theo quy định. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể về vấn đề này theo quy định của Luật Giáo dục 2019, Nghị định 46/2017/NĐ-CP, Nghị định 135/2018/NĐ-CP, Nghị định 04/2021/NĐ-CP, Thông tư 42/2012/TT-BGDĐT và Quyết định 2108/QĐ-BGDĐT như sau:
1. Khái niệm
Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục là các yêu cầu đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên để đảm bảo chất lượng giáo dục. Mỗi tiêu chuẩn bao gồm các tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục được ký hiệu bằng các chữ số Ả – rập. (khoản 1 Điều 2 Thông tư 42/2012/TT-BGDĐT)
Tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục là yêu cầu đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên ở từng nội dung cụ thể của mỗi tiêu chuẩn. Mỗi tiêu chí có các chỉ số đánh giá chất lượng giáo dục được ký hiệu bằng các chữ cái a, b, c. (khoản 2 Điều 2 Thông tư 42/2012/TT-BGDĐT)
Chỉ số đánh giá chất lượng giáo dục là yêu cầu đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên ở từng nội dung cụ thể của mỗi tiêu chí. (khoản 3 Điều 2 Thông tư 42/2012/TT-BGDĐT)
Kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên là hoạt động đánh giá (bao gồm tự đánh giá và đánh giá ngoài) để xác định mức độ cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và việc công nhận cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của cơ quan quản lý nhà nước. (khoản 4 Điều 2 Thông tư 42/2012/TT-BGDĐT)
2. Giáo dục trung học
Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong 04 năm học, từ lớp sáu đến hết lớp chín. Học sinh vào học lớp sáu phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp sáu là 11 tuổi và được tính theo năm; (điểm b khoản 1 Điều 28 Luật Giáo dục 2019)
Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 03 năm học, từ lớp mười đến hết lớp mười hai. Học sinh vào học lớp mười phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuổi của học sinh vào học lớp mười là 15 tuổi và được tính theo năm. (điểm c khoản 1 Điều 28 Luật Giáo dục 2019)
Mục tiêu của giáo dục trung học:
– Giáo dục trung học cơ sở nhằm củng cố và phát triển kết quả của giáo dục tiểu học; bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp. (khoản 3 Điều 29 Luật Giáo dục 2019)
– Giáo dục trung học phổ thông nhằm trang bị kiến thức công dân; bảo đảm cho học sinh củng cố, phát triển kết quả của giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông và có hiểu biết thông thường về kỹ thuật, hướng nghiệp; có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (khoản 4 Điều 29 Luật Giáo dục 2019)
3. Mục đích kiểm định chất lượng giáo dục
Căn cứ Điều 3 Thông tư 42/2012/TT-BGDĐT quy định kiểm định chất lượng giáo dục trường trung học nhằm giúp cơ sở giáo dục xác định mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn, để xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục; thông báo công khai với các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về thực trạng chất lượng của cơ sở giáo dục; để cơ quan quản lý nhà nước đánh giá và công nhận cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
4. Điều kiện thành lập trường trung học
Căn cứ Điều 25 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện thành lập trường trung học:
– Có đề án thành lập trường phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Đề án thành lập trường xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy; nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường.
5. Công nhận trường trung học đạt tiêu chuẩn chất lượng
Căn cứ khoản 2 Điều 31 Thông tư 42/2012/TT-BGDĐT quy định trường trung học được đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường trung học quy định tại Mục 2, Chương II của văn bản này với ba cấp độ:
– Cấp độ 1: Trường trung học có từ 60% tiêu chí trở lên đạt yêu cầu;
– Cấp độ 2: Trường trung học có từ 70% đến dưới 85% tiêu chí đạt yêu cầu, trong đó phải đạt được các tiêu chí sau:
+ Tiêu chuẩn 1 gồm các tiêu chí: 1, 2, 4, 6, 8, 9;
+ Tiêu chuẩn 2 gồm các tiêu chí: 1, 3, 5;
+ Tiêu chuẩn 3 gồm tiêu chí: 6;
+ Tiêu chuẩn 4 gồm tiêu chí: 2;
+ Tiêu chuẩn 5 gồm các tiêu chí: 1, 2, 4, 7, 9, 10, 12;
– Cấp độ 3: Trường trung học có ít nhất 85% tiêu chí đạt yêu cầu, trong đó phải đạt được các tiêu chí quy định ở cấp độ 2.
Lưu ý:
– Căn cứ kết quả đánh giá ngoài, trong thời hạn 20 ngày làm việc, giám đốc sở giáo dục và đào tạo ra quyết định cấp giấy chứng nhận chất lượng giáo dục cho cơ sở giáo dục. Mẫu giấy chứng nhận chất lượng giáo dục theo Phụ lục của quy định này. (khoản 1 Điều 32 Thông tư 42/2012/TT-BGDĐT)
– Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục được công bố công khai trên website của sở giáo dục và đào tạo. (khoản 2 Điều 32 Thông tư 42/2012/TT-BGDĐT)
– Trường hợp giấy chứng nhận chất lượng giáo dục còn thời hạn mà cơ sở giáo dục không còn đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá thì giấy chứng nhận chất lượng giáo dục bị thu hồi. (khoản 1 Điều 33 Thông tư 42/2012/TT-BGDĐT)
– Mẫu giấy chứng nhận chất lượng giáo dục theo Phụ lục của quy định này. (khoản 1 Điều 32 Thông tư 42/2012/TT-BGDĐT)
6. Vi phạm về kiểm định chất lượng giáo dục
Những hành vi sai phạm trong quá trình cấp giấy chứng nhận chất lượng giáo dục đối với trường Trung học có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 34 Nghị định 04/2021/NĐ-CP. Những hành vi vi phạm và hình thức xử lý theo quy định này điển hình là:
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hạnh vi tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành;
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi báo cáo kết quả đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục hoặc chương trình giáo dục không đúng thực tế.
– Phạt tiền đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục vi phạm quy định theo các mức phạt sau:
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không công khai hoặc công khai không đầy đủ, công khai không chính xác các nội dung trên trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định của pháp luật hiện hành;
+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hạnh vi thành lập đoàn đánh giá ngoài không đúng quy định của pháp luật hiện hành;
+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện đánh giá ngoài cơ sở giáo dục hoặc chương trình giáo dục không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành;
+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi công nhận kết quả đánh giá và cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục khi không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành
– Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi công nhận kết quả đánh giá và cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục khi không đáp ứng đủ các điều.
– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện công khai theo quy định hoặc buộc cải chính thông tin sai sự, hủy bỏ kết quả công nhận đánh giá hoặc kết quả kiểm định chất lượng giáo dục hoặc buộc trả lại số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức trả lại tuỳ theo từng trường hợp vi phạm.
Kết luận: Trong thời hạn 40 ngày làm việc kể từ khi dự thảo báo cáo đánh giá ngoài được gửi đến trường trung học để lấy ý kiến phản hồi, cơ quan có thẩm quyền thực hiện cấp giấy chứng nhận chất lượng giáo dục đối với trường trung học. Việc tiến hành thực hiện theo quy định tại Luật Giáo dục 2019, Nghị định 46/2017/NĐ-CP, Nghị định 135/2018/NĐ-CP, Nghị định 04/2021/NĐ-CP, Thông tư 42/2012/TT-BGDĐT và Quyết định 2108/QĐ-BGDĐT.
Chi tiết về hồ sơ, trình tự, biểu mẫu xem tại đây: