12. Cấp Giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển
Thủ tục Cấp Giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển được thực hiện theo Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015, Bộ luật ISPS, Nghị định 142/2017/NĐ-CP, Thông tư 27/2011/TT-BGTVT, Thông tư 192/2016/TT-BTC. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ gửi đến bạn đọc một số lưu ý về vấn đề này:
1. Một số khái niệm cơ bản
Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 73 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015:
– Cảng biển là khu vực bao gồm vùng đất cảng và vùng nước cảng, được xây dựng kết cấu hạ tầng, lắp đặt trang thiết bị cho tàu thuyền đến, rời để bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện dịch vụ khác. Cảng biển có một hoặc nhiều bến cảng. Bến cảng có một hoặc nhiều cầu cảng.
– Kết cấu hạ tầng cảng biển bao gồm cầu cảng, vùng nước trước cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước và các công trình phụ trợ khác được xây dựng, lắp đặt cố định tại vùng đất cảng và vùng nước trước cầu cảng.
Đồng thời tại khoản 10 Điều 4 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015: Bến cảng là khu vực bao gồm vùng đất và vùng nước thuộc một cảng biển, được xây dựng cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước, vùng nước trước cầu cảng, luồng hàng hải và các công trình phụ trợ khác. Bến cảng có một hoặc nhiều cầu cảng.
Theo khoản 1 Điều 75 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 quy định phân loại cảng biển như sau:
– Cảng biển đặc biệt là cảng biển có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của cả nước hoặc liên vùng và có chức năng trung chuyển quốc tế hoặc cảng cửa ngõ quốc tế;
– Cảng biển loại I là cảng biển có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của cả nước hoặc liên vùng;
– Cảng biển loại II là cảng biển có quy mô vừa phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của vùng;
– Cảng biển loại III là cảng biển có quy mô nhỏ phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
2. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển
Theo khoản 5 Điều 8 Thông tư 27/2011/TT-BGTVT thì doanh nghiệp cảng biển phải có kế hoạch an ninh cảng biển đáp ứng quy định của Bộ luật ISPS(International Ship & Port Facilities Sucurity Code – Bộ luật quốc tế về an ninh tàu và bến cảng), cụ thể là thực hiện theo quy định kế hoạch an ninh bến cảng tại Điều 16 Bộ luật ISPS, theo đó kế hoạch tối thiểu phải nêu rõ:
– Các biện pháp được thiết lập để ngăn ngừa đưa vào bến cảng hoặc lên tàu vũ khí hoặc bất kỳ các hóa chất và thiết bị nguy hiểm nào dự định sử dụng vào mục đích tấn công người, tàu hoặc bến cảng và việc vận chuyển chúng là bất hợp pháp;
– Các biện pháp được thiết lập để ngăn ngừa việc tiếp cận trái phép bến cảng, tàu đậu tại bến cảng và các khu vực hạn chế của bến cảng;
– Các qui trình đối phó đe dọa an ninh hoặc vi phạm an ninh kể cả các quy định về việc duy trì những hoạt động khẩn cấp của bến cảng hoặc giao tiếp tàu/cảng;
– Các qui trình tuân thủ hướng dẫn an ninh bất kỳ do Chính phủ Ký kết, mà bến cảng thuộc chủ quyền, đưa ra ở cấp độ an ninh 3;
– Các qui trình sơ tán trong trường hợp có sự đe dọa an ninh hoặc vi phạm an ninh;
– Nhiệm vụ của nhân viên bến cảng được phân công trách nhiệm về an ninh và nhiệm vụ của những người khác trong bến cảng về các lĩnh vực an ninh;
– Các qui trình về phối hợp với các hoạt động an ninh của tàu;
– Các qui trình về soát xét định kỳ và cập nhật kế hoạch;
– Các qui trình về báo cáo sự cố an ninh;
– Nhận biết Nhân viên An ninh Bến cảng, kể cả chi tiết liên lạc 24/24 giờ;
– Các biện pháp đảm bảo an ninh thông tin trong kế hoạch;
– Các biện pháp được thiết lập để đảm bảo an ninh hiệu quả đối với hàng hóa và thiết bị làm hàng trong bến cảng;
– Các qui trình đánh giá Kế hoạch An ninh Bến cảng;
– Các qui trình ứng phó trong trường hợp hệ thống báo động an ninh tàu tại bến cảng hoạt động;
– Các qui trình tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi bờ của thuyền viên hoặc thay đổi nhân sự cũng như việc tiếp cận của khách lên tàu, kể cả đại diện của các tổ chức phúc lợi thuyền viên và công đoàn.
3. Xử phạt vi phạm hành chính
Đối với hành vi không thực hiện đầy đủ Kế hoạch an ninh cảng biển đã được phê duyệt theo quy định, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân), hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ việc tiếp nhận tàu thuyền hoạt động tuyến quốc tế vào cảng biển từ 01 tháng đến 03 tháng (điểm d khoản 5, khoản 7 Điều 10 Nghị định 142/2017/NĐ-CP).
4. Mức thu phí cấp Giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển
Để được cấp giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển lần đầu hoặc định kỳ 5 năm, doanh nghiệp cảng biển phải nộp mức phí thẩm định, phê duyệt kế hoạch an ninh cảng biển bao gồm: 20.000.000 đồng/lần (Biểu mức phí tại Điều 3 Thông tư 192/2016/TT-BTC).
5. Một số lưu ý
.- Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm Cấp Giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển theo mẫu quy định và thực hiện việc kiểm tra xác nhận hàng năm (điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư 27/2011/TT-BGTVT).
– Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 27/2011/TT-BGTVT thì doanh nghiệp cảng biển cần lưu ý những điểm sau:
+ Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận và xem xét hồ sơ; nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn cho Doanh nghiệp cảng biển bổ sung hoàn chỉnh, nếu đầy đủ thì thông báo về thời gian kiểm tra tại cảng biển.
+ Cục Hàng hải Việt Nam tiến hành kiểm tra kế hoạch an ninh cảng biển tại cảng biển.
– Thời hạn Cục Hàng hải Việt Nam cấp Giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển: chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra tại cảng biển (khoản 4 Điều 8 Thông tư 27/2011/TT-BGTVT).
Kết luận: Cấp Giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển là một thủ tục bắt buộc để kiểm tra cảng biển trước khi đưa vào hoạt động.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cấp Giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển