14. Đăng ký vận tải hành khách cố định trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo
Để hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hành khách cố định trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo thì tổ chức, cá nhân phải thực hiện thủ tục đăng ký vận tải hành khách cố định trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo Bộ luật Hàng hải Việt nam 2015, Thông tư 16/2013/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 36/2019/TT-BGTVT) như sau:
1. Khái niệm cơ bản
Tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo thuộc vùng biển Việt Nam bao gồm các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư 36/2019/TT-BGTVT và các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo được công bố theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa
(khoản 1 Điều 1 Thông tư 16/2013/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 36/2019/TT-BGTVT).
2. Trách nhiệm quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo
Theo Điều 2 Thông tư 16/2013/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 36/2019/TT-BGTVT) thì trách nhiệm quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo được quy định như sau:
– Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức quản lý hoạt động vận tải thủy trên tuyến quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư 36/2019/TT-BGTVT theo quy định của pháp luật hàng hải và giao thông đường thủy nội địa.
– Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức quản lý hoặc kiểm tra, hướng dẫn các Sở Giao thông vận tải tổ chức quản lý đối với các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo được công bố theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.
3. Điều kiện đăng ký vận tải hành khách cố định trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo theo Cục Hàng hải Việt Nam
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 16/2013/TT-BGTVT thì tổ chức, cá nhân có nhu cầu phải đáp ứng nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định, trong đó cần lưu ý những điểm sau:
– Phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản hoặc hợp đồng với tổ chức quản lý cảng, bến cho phương tiện vào đón, trả hành khách.
– Phải có chứng thực về nội dung ngành nghề vận tải hành khách đường thủy; đăng ký phương tiện; an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện còn hiệu lực và phù hợp với tuyến hoạt động.
Lưu ý
Khi đăng ký vận tải hành khách cố định trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo theo Cục Hàng hải Việt Nam thì quy trình thực hiện như sau: tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đăng ký cho cảng vụ hàng hải khu vực. Cảng vụ hàng hải sẽ tiếp nhận hồ sơ sau đó sẽ xin ý kiến của Sở Giao thông vận tải nơi có cảng, bến đón trả khách do địa phương quản lý. Cuối cùng Cảng vụ hàng hải sẽ xem xét hồ sơ và ra quyết định có chấp thuận hồ sơ đăng ký của tổ chức, cá nhân.
4. Thời hạn chấp thuận đăng ký
Cũng theo quy định tại Điều 3 Thông tư 16/2013/TT-BGTVT thì thời hạn đăng ký được quy định như sau:
– Chậm nhất không quá 05 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, cảng vụ hàng hải khu vực gửi xin ý kiến bằng văn bản của Sở Giao thông vận tải nơi có cảng, bến đón trả khách do địa phương quản lý. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 05 ngày làm việc.
– Chậm nhất không quá 05 ngày làm việc sau khi nhận được đủ hồ sơ theo quy định, cảng vụ hàng hải khu vực xem xét, nếu hồ sơ đầy đủ các giấy tờ theo quy định thì có văn bản chấp thuận cho tổ chức, cá nhân vận tải khách cố định trên tuyến. Trường hợp không thỏa mãn các điều kiện quy định thì trả lại hồ sơ và trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Kết luận: Thủ tục đăng kí vận tải hành khách cố định trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo là một thủ tục bắt buộc và quan trọng để duy trì hoạt động cố định. Khi tiến hành đăng ký tổ chức, cá nhân phải tuân thủ thực hiện theo các quy định tại Thông tư 16/2013/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 36/2019/TT-BGTVT).
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Đăng ký vận tải hành khách cố định trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo