18. Đổi tên cảng cạn

Posted on

Chủ đầu tư hoặc người quản lý khai thác cảng cạn thực hiện thủ tục đổi tên cảng cạn theo quy định của Bộ luật hàng hải 2015(được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018), Nghị định 38/2017/NĐ-CP, Nghị định 142/2017/NĐ-CP. (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 43/2018/NĐ-CP). Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này như sau:

1. Một số khái niệm cơ bản

Cảng cạn là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa, ga đường sắt, cửa khẩu đường bộ, đồng thời có chức năng là cửa khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. (Khoản 12 Điều 4 Bộ luật hàng hải 2015 và Khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2017/NĐ-CP).

Chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu vốn, vay vốn hoặc được giao trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng cảng cạn.(khoản 4 Điều 3 Nghị định 38/2017/NĐ-CP).

2. Chức năng của cảng cạn

 Chức năng của cảng cạn được quy định tại Điều 100 Bộ luật hàng hải 2015 như sau:

– Nhận và gửi hàng hóa được vận chuyển bằng container.

– Đóng hàng hóa vào và dỡ hàng hóa ra khỏi container.

– Tập kết container để vận chuyển đến cảng biển và ngược lại.

– Kiểm tra và hoàn tất thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

– Gom và chia hàng hóa lẻ đối với hàng hóa có nhiều chủ trong cùng container.

– Tạm chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và container.

–  Sửa chữa và bảo dưỡng container.

3. Đổi tên cảng cạn

Nguyên tắc đổi tên cảng cạn quy định tại Điều 23 Nghị định 38/2017/NĐ-CP như sau:

– Cảng cạn được đổi tên theo quyết định công bố đưa vào sử dụng trên cơ sở đề nghị của Chủ đầu tư hoặc người khai thác cảng cạn hoặc người được ủy quyền.

– Tên cảng cạn phải được viết bằng tiếng Việt, có thể kèm theo tên bằng tiếng Anh; bắt đầu là cụm từ “Cảng cạn” và tên riêng đặt theo địa danh nơi có cảng cạn hoặc tên riêng công trình.

Không đổi tên cảng cạn trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định 38/2017/NĐ-CP như sau:

– Đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp, cảng cạn đã công bố hoặc không đúng với tên gọi, chức năng của cảng cạn;

– Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của cảng cạn; trừ trường hợp có sự đồng ý của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó;

– Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên.

4. Xử phạt vi phạm hành chính:

Xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến đổi tên cảng cạn quy định tại Điều 26 Nghị định 142/2017/NĐ-CP như sau:

– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tự ý đổi tên cảng cạn không đúng với tên do cơ quan có thẩm quyền công bố.

– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thay đổi, sửa chữa tên cảng cạn đúng với tên do cơ quan có thẩm quyền công bố đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Kết luận: Thủ tục đổi tên cảng cạn được thực hiện theo quy định của Bộ luật hàng hải 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018), Nghị định 38/2017/NĐ-CP Nghị định 142/2017/NĐ-CP.

Chi tiết thủ tục, mẫu đơn xem tại đây:

Đổi tên cảng cạn