29. Cấp Giấy xác nhận việc cấp Giấy chứng nhận

Posted on

Các thuyền viên khi đủ điều kiện sẽ được cấp Giấy xác nhận việc cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo quy định tại Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015, Nghị định 56/2022/NĐ-CP, Thông tư 189/2016/TT-BTC, Thông tư 03/2020/TT-BGTVT như sau:

1. Khái niệm

Sỹ quan vô tuyến điện GMDSS là sỹ quan có trình độ nghiệp vụ chuyên môn theo quy định của Chương IV của Công ước STCW. (khoản 16 Điều 3 Thông tư 03/2020/TT-BGTVT)

Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (sau đây viết tắt là GCNKNCM) là chứng chỉ được cấp cho thuyền viên theo quy định của Công ước STCW. (khoản 33 Điều 3 Thông tư 03/2020/TT-BGTVT)

Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ (sau đây viết tắt là GCNHLNV) là chứng chỉ được cấp cho thuyền viên theo quy định của Công ước STCW. (khoản 34 Điều 3 Thông tư 03/2020/TT-BGTVT)

Giấy công nhận GCNKNCM là văn bản do Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải được Cục Hàng hải Việt Nam ủy quyền cấp cho thuyền viên có chứng chỉ chuyên môn được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ đã được Việt Nam ký thỏa thuận về việc công nhận chứng chỉ chuyên môn, để làm việc trên tàu biển Việt Nam. (khoản 35 Điều 3 Thông tư 03/2020/TT-BGTVT)

Giấy xác nhận việc cấp giấy chứng nhận là văn bản do Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải được Cục Hàng hải Việt Nam ủy quyền cấp cho thuyền viên đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa huấn luyện tại Việt Nam theo quy định tại Quy tắc IV/2, Quy tắc V/1-1, Quy tắc V/1-2 của Công ước STCW. (khoản 36 Điều 3 Thông tư 03/2020/TT-BGTVT)

2. Thuyền viên

Thuyền viên được quy định tại Điều 59 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015:

Thuyền viên là người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đảm nhiệm chức danh trên tàu biển Việt Nam.

Thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam phải có đủ các điều kiện sau đây:

– Là công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài được phép làm việc trên tàu biển Việt Nam;

– Có đủ tiêu chuẩn sức khỏe, tuổi lao động và chứng chỉ chuyên môn theo quy định;

– Được bố trí đảm nhận chức danh trên tàu biển;

– Có sổ thuyền viên;

– Có hộ chiếu để xuất cảnh hoặc nhập cảnh, nếu thuyền viên đó được bố trí làm việc trên tàu biển hoạt động tuyến quốc tế.

3. Giấy chứng nhận vô tuyến điện viên hệ GMDSS

Giấy chứng nhận vô tuyến điện viên hệ GMDSS được quy định tại khoản 3 Điều 52 Thông tư 03/2020/TT-BGTVT

– Giấy chứng nhận vô tuyến điện viên hệ GMDSS hạng tổng quát (GOC) được cấp cho thuyền trưởng, đại phó, sỹ quan boong làm việc trên tàu có trang bị GMDSS hoạt động trong vùng A2, A3, A4 đã hoàn thành khóa huấn luyện khai thác viên hệ GMDSS hạng tổng quát;

– Giấy chứng nhận vô tuyến điện viên hệ GMDSS hạng hạn chế (ROC) được cấp cho thuyền trưởng, đại phó, sỹ quan boong làm việc trên tàu có trang bị GMDSS hoạt động trong vùng A1 đã hoàn thành khóa huấn luyện khai thác viên hệ GMDSS hạng hạn chế.

4. Điều kiện cấp Giấy xác nhận việc cấp giấy chứng nhận

Theo quy định tại Điều 44 Thông tư 03/2020/TT-BGTVT thì để được cấp Giấy xác nhận việc cấp giấy chứng nhận thì các thuyền viên phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Có giấy chứng nhận vô tuyến điện viên hệ GMDSS hạng tổng quát (GOC), Giấy chứng nhận vô tuyến điện viên hệ GMDSS hạng hạn chế (ROC) hoặc Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ trên tàu chở dầu, tàu chở hóa chất, tàu chở khí hóa lỏng, tàu hoạt động vùng cực, tàu cao tốc.
  • Đối với trường hợp xác nhận về việc cấp giấy Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ nâng cao trên tàu hoạt động vùng cực phải có kinh nghiệm tối thiểu 02 tháng làm việc tại vùng cực hoặc thừa nhận tương đương khác.

5. Chủ thể thực hiện, cơ quan thực hiện

Chủ thể thực hiện: thuyền viên đáp ứng điều kiện cấp Giấy xác nhận việc cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Thông tư này và Công ước STCW thì được cấp Giấy xác nhận theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Thông tư 03/2020/TT-BGTVT.

Cơ quan thực hiện: Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải được Cục Hàng hải Việt Nam ủy quyền cấp cho thuyền viên đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa huấn luyện tại Việt Nam theo quy định tại Quy tắc IV/2, Quy tắc V/1-1, Quy tắc V/1-2 của Công ước STCW theo quy định tại khoản 36 Điều 3 Thông tư 03/2020/TT-BGTVT.

6. Hồ sơ

Theo quy định tại khoản 2 Điều 57 Thông tư 03/2020/TT-BGTVT thì hồ sơ sẽ bao gồm:

– Đơn đề nghị của thuyền viên theo mẫu quy định tại Phụ lục V hoặc văn bản đề nghị của tổ chức quản lý thuyền viên theo mẫu tại Phụ lục VI của Thông tư này;

– Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu: Giấy chứng nhận GOC, ROC, GCNHLNVĐB;

– 02 ảnh màu, cỡ 3 cm x 4 cm, kiểu chứng minh nhân dân chụp trong vòng 06 tháng gần nhất.

7. Thời hạn giải quyết

Theo quy định tại khoản 3 Điều 57 Thông tư 03/2020/TT-BGTVT thì thời hạn giải quyết hồ sơ:

– Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải được Cục Hàng hải Việt Nam ủy quyền tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần, số lượng hồ sơ theo quy định, vào sổ và hẹn trả kết quả đúng thời hạn quy định.

Lưu ý: nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải được Cục Hàng hải Việt Nam ủy quyền thông báo bằng văn bản chậm nhất 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải được Cục Hàng hải Việt Nam ủy quyền cấp Giấy xác nhận. Nếu không cấp thì phải nêu rõ lý do trong văn bản trả lời.

Lưu ý chung:

Giấy xác nhận việc cấp giấy chứng nhận sẽ có giá trị sử dụng theo hiệu lực của Giấy chứng nhận GOC, ROC, GCNHLNVĐB theo quy định tại khoản 4 Điều 57 Thông tư 03/2020/TT-BGTVT.

Kết luận: Như vậy, thuyền viên sẽ được cấp Giấy xác nhận việc cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật khi đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật. Thủ tục tuân theo các quy định tại Thông tư 03/2020/TT-BGTVT.

Chi tiết, trình tự, mẫu đơn xem tại đây:

Cấp Giấy xác nhận việc cấp Giấy chứng nhận