35. Đăng ký tàu biển đang đóng
Đăng ký tàu biển là việc cơ quan có thẩm quyền về đăng ký tàu biển tại Việt Nam thực hiện ghi, lưu trữ các thông tin về tàu biển vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam và cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu biển theo quy định của pháp luật. Đăng ký tàu biển bao gồm đăng ký tàu biển đang đóng. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 và Nghị định 171/2016/NĐ-CP như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản
Tàu thuyền là phương tiện hoạt động trên mặt nước hoặc dưới mặt nước bao gồm tàu, thuyền và các phương tiện khác có động cơ hoặc không có động cơ (khoản 1 Điều 4 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015).
Đăng ký tàu biển là việc cơ quan có thẩm quyền về đăng ký tàu biển tại Việt Nam thực hiện ghi, lưu trữ các thông tin về tàu biển vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam và cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu biển theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp Luật. Đăng ký tàu biển bao gồm các hình thức sau (khoản 1 Điều 3 Nghị định 171/2016/NĐ-CP):
– Đăng ký tàu biển không thời hạn;
– Đăng ký tàu biển có thời hạn;
– Đăng ký thay đổi;
– Đăng ký tàu biển tạm thời;
– Đăng ký tàu biển đang đóng;
– Đăng ký tàu biển loại nhỏ.
Đăng ký tàu biển đang đóng là việc đăng ký đối với tàu biển đã được đặt sống chính nhưng chưa hoàn thành việc đóng tàu (khoản 6 Điều 3 Nghị định 171/2016/NĐ-CP).
2. Đăng kí tàu biển đang đóng
Chủ tàu biển đang đóng có quyền đăng ký tàu biển đang đóng trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển đang đóng. Giấy chứng nhận này không có giá trị thay thế Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam (khoản 1 Điều 23 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015).
Tàu biển đang đóng khi đăng ký phải có đủ các điều kiện sau đây (khoản 2 Điều 23 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015):
– Có hợp đồng đóng tàu hoặc hợp đồng mua bán tàu biển đang đóng;
– Tên gọi riêng của tàu biển đang đóng;
– Tàu đã được đặt sống chính.
Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển đang đóng như sau (khoản 1 Điều 13 Nghị định 171/2016/NĐ-CP):
– Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển đang đóng được cấp 01 bản chính theo Mẫu số 09 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
– Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển đang đóng không có giá trị thay thế Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển.
Lưu ý:
– Trường hợp giấy chứng nhận đăng ký tàu biển bị mất, bị rách nát, hư hỏng, cơ quan đăng ký tàu biển cấp lại cho chủ tàu trên cơ sở hình thức đăng ký trước đó của tàu biển (khoản 1 Điều 16 Nghị định 171/2016/NĐ-CP).
3. Xóa đăng ký tàu biển Việt Nam
Tàu biển Việt Nam phải xóa đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam trong trường hợp sau đây (khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015):
– Bị phá hủy, phá dỡ hoặc chìm đắm mà không thể trục vớt được;
– Mất tích;
– Không còn đủ điều kiện để được mang cờ quốc tịch Việt Nam;
– Không còn tính năng tàu biển;
– Theo đề nghị của chủ tàu hoặc người đứng tên đăng ký tàu biển.
Lưu ý:
– Trong trường hợp không còn tính năng tàu biển hoặc theo đề nghị của chủ tàu hoặc người đứng tên đăng ký tàu biển, tàu biển đang thế chấp chỉ được xóa đăng ký tàu biển Việt Nam, nếu người nhận thế chấp tàu biển đó chấp thuận (khoản 2 Điều 25 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015).
– Khi xóa đăng ký tàu biển hoặc xóa đăng ký tàu biển đang đóng, Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam hoặc Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển đang đóng và cấp Giấy chứng nhận xóa đăng ký (khoản 3 Điều 25 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015).
Kết luận: Chủ tàu biển đang đóng có quyền đăng ký tàu biển đang đóng trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển đang đóng. Giấy chứng nhận này không có giá trị thay thế Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam. Quá trình đăng ký tàu biển đang đóng phải đảm bảo tuân thủ đúng trình tự,, thủ tục quy định tại Điều 13 Nghị định 171/2016/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây: