4. Cấp, cấp lại Giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải

Posted on

Hiện nay, nhằm đảm bảo quá trình lưu thông của các phương tiện giao thông đường thủy và an tòan cho các thuyền viên trên tàu thì cần phải có các cá nhân, tổ chức hoạt động hoa tiêu hàng hải. Do đó, đã phát sinh thủ tục Cấp Giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải. Sau đây, Dữ liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Bộ luật Hàng hải 2015, Nghị định 142/2017/NĐ-CP, Thông tư 189/2016/TT-BTC, Thông tư 27/2016/TT-BGTVT như sau:

1. Một số khái niệm cơ bản

Hoa tiêu hàng hải là người cố vấn cho thuyền trưởng điều khiển tàu phù hợp với điều kiện hàng hải ở khu vực dẫn tàu của hoa tiêu hàng hải. Việc sử dụng hoa tiêu hàng hải không miễn trách nhiệm chỉ huy tàu của thuyền trưởng được quy định tại khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hàng hải 2015.

Tổ chức hoa tiêu hàng hải là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ dẫn tàu thuyền đến, rời cảng biển, hoạt động trong vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc của Việt Nam được quy định tại Điều 248 Bộ luật Hàng hải 2015.

Việc sử dụng hoa tiêu hàng hải tại Việt Nam nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường; góp phần bảo vệ chủ quyền, thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia (khoản 1 Điều 247 Bộ luật Hàng hải 2015).

Tàu thuyền Việt Nam và tàu thuyền nước ngoài khi hoạt động trong vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc của Việt Nam phải sử dụng hoa tiêu hàng hải Việt Nam dẫn tàu và trả chi phí dịch vụ hoa tiêu (khoản 2 Điều 247 Bộ luật Hàng hải 2015).

Lưu ý:

– Các trường hợp không bắt buộc phải sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải (khoản 3 Điều 247 Bộ luật Hàng hải 2015):

  • Vùng hoa tiêu hàng hải không bắt buộc;
  • Tàu thuyền Việt Nam chở hành khách, chở dầu, khí hóa lỏng, xô hóa chất dưới 1.000 GT; các loại tàu thuyền khác của Việt Nam dưới 2.000 GT;
  • Tàu thuyền nước ngoài dưới 100 GT;
  • Tàu thuyền có thuyền trưởng là công dân Việt Nam đã được cấp giấy chứng nhận chuyên môn hoa tiêu hàng hải, giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải phù hợp với loại tàu thuyền và vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc mà tàu thuyền hoạt động được phép tự dẫn tàu.

– Thuyền trưởng của tàu thuyền quy định tại khoản 3 Điều này có thể yêu cầu hoa tiêu dẫn tàu nếu thấy cần thiết (khoản 4 Điều 247Bộ luật Hàng hải 2015).

2. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải

Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải được quy định tại Điều 15 Thông tư 27/2016/TT-BGTVT:

  • Có GCNKNCMHTHH.
  • Riêng đối với hoa tiêu hàng hải dẫn tàu tại cảng dầu khí ngoài khơi, để được cấp GCNVHĐHTHH thì phải thực tập dẫn tàu an toàn ít nhất 18 lượt tại vùng hoa tiêu hàng hải đó và được tổ chức hoa tiêu nơi thực tập sát hạch, Cảng vụ hàng hải khu vực xác nhận.

3. Cấp Giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải

3.1. Giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải được quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 27/2016/TT-BGTVT:

  • GCNVHĐHTHH là chứng chỉ cấp cho hoa tiêu hàng hải, thuyền trưởng quy định vùng hoạt động và tuyến dẫn tàu mà hoa tiêu hàng hải được phép hành nghề hoặc thuyền trưởng được phép tự dẫn tàu. Hoa tiêu hàng hải, thuyền trưởng chỉ được phép dẫn tàu ở các tuyến dẫn tàu ghi trong GCNVHĐHTHH.
  • Hoa tiêu hàng hải đã qua thực tập dẫn tàu, thuyền trưởng đã dẫn tàu ở vùng hoạt động và tuyến dẫn tàu nào thì được cấp GCNVHĐHTHH tại vùng hoạt động và tuyến dẫn tàu đó.

Lưu ý:

– GCNVHĐHTHH có thời hạn sử dụng là 05 năm, kể từ ngày cấp, trường hợp tuổi lao động của hoa tiêu hàng hải không còn đủ 05 năm thì thời hạn sử dụng của GCNVHĐHTHH tương ứng với tuổi lao động còn lại của hoa tiêu theo quy định của pháp luật về lao động. GCNVHĐHTHH cấp cho thuyền trưởng tự dẫn tàu có thời hạn sử dụng là 02 năm (điểm c khoản 2 Điều 2 và điểm c khoản 1 Điều 2 Thông tư 27/2016/TT-BGTVT).

4. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải đối với hoa tiêu hàng hải chuyển vùng hoạt động

Điều kiện Cấp Giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải đối với hoa tiêu hàng hải chuyển vùng hoạt động quy định tại Điều 17 Thông tư 27/2016/TT-BGTVT.

4.1. Hoa tiêu hàng hải chuyển vùng hoạt động phải có thời gian thực tập dẫn tàu ít nhất 06 tháng tại vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải nơi chuyển đến với số lượt dẫn tàu an toàn tối thiểu (được tổ chức hoa tiêu nơi thực tập sát hạch, Cảng vụ hàng hải khu vực xác nhận) theo quy định dưới đây:

– 100 lượt đối với các vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải: Quảng Ninh (trừ tuyến dẫn tàu vào khu chuyển tải Vạn Gia); Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định (trừ tuyến dẫn tàu vào các cảng biển Thái Bình, Nam Định); thành phố Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Bình Dương – Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu – sông Tiền (trừ tuyến dẫn tàu quá cảnh qua sông Tiền);

– 30 lượt đối với các vùng hoa tiêu hàng hải còn lại.

4.2. Hoa tiêu hàng hải chuyển vùng hoạt động tại cảng dầu khí ngoài khơi thì phải có thời gian thực tập dẫn tàu ít nhất 03 tháng và 18 lượt dẫn tàu an toàn.

4.3. Hoa tiêu hàng hải được cấp GCNVHĐHTHH tại 02 vùng trở lên, nếu quá 12 tháng quay lại vùng hoạt động cũ thì phải thực tập với số lượt dẫn tàu an toàn tối thiểu như sau:

– 06 lượt đối với hoa tiêu hàng hải dẫn tàu tại cảng dầu khí ngoài khơi;

– 30 lượt đối với từng hạng hoa tiêu hàng hải còn lại.

5. Điều kiện cấp lại Giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải

GCNVHĐHTHH được cấp lại trong trường hợp bị hỏng, mất, sai thông tin hoặc hết thời hạn sử dụng.

Trường hợp GCNVHĐHTHH hết thời hạn sử dụng phải đảm bảo các điều kiện như sau (Điều 19 Thông tư 27/2016/TT-BGTVT):

– Đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định.

– Hoa tiêu hàng hải đã đảm nhiệm chức danh hoa tiêu hàng hải phù hợp với GCNKNCMHTHH được cấp từ 24 tháng trở lên trong vòng 05 năm. Trường hợp không đủ 24 tháng thì phải qua thời gian thực tập lại ít nhất 03 tháng.

– Thuyền trưởng tự dẫn tàu phải hoàn thành ít nhất 12 lượt tự dẫn tàu an toàn (có xác nhận của Cảng vụ hàng hải khu vực) trong thời gian sử dụng GCNKNCMHTHH.

6. Kéo dài thời gian nâng hạng và thu hồi Giấy chứng nhận

6.1. Kéo dài thời gian nâng hạng

Trong thời gian đảm nhiệm chức danh, hoa tiêu hàng hải dẫn tàu có lỗi dẫn đến tai nạn hàng hải ít nghiêm trọng thì thời gian nâng hạng của hoa tiêu sẽ kéo dài thêm 03 tháng, nghiêm trọng thì thời gian nâng hạng của hoa tiêu sẽ kéo dài thêm 06 tháng, đặc biệt nghiêm trọng thì thời gian nâng hạng của hoa tiêu sẽ kéo dài thêm 12 tháng (khoản 1 Điều 21 Thông tư 27/2016/TT-BGTVT).

6.2. Các Giấy chứng nhận được cấp theo quy định tại Thông tư này bị thu hồi khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây (khoản 2 Điều 21 Thông tư 27/2016/TT-BGTVT):

– Sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung Giấy chứng nhận;

– Mua bán, cho thuê, cho mượn Giấy chứng nhận;

– Khai báo sai lệch thông tin hoặc sử dụng giấy tờ giả mạo trong hồ sơ xin cấp, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận;

– Thuyền trưởng tự dẫn tàu để xẩy ra tai nạn hàng hải;

– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

7. Xử phạt hành chính

– Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với  hành vi bố trí hoa tiêu hàng hải dẫn tàu không phù hợp với giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải hoặc giấy chứng nhận vùng hoạt động của hoa tiêu hàng hải (điểm a khoản 2 Điều 44 Nghị định 142/2017/NĐ-CP).

Kết luận: Khi Cấp Giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Bộ luật Hàng hải 2015, Nghị định 142/2017/NĐ-CP, Thông tư 189/2016/TT-BTC, Thông tư 27/2016/TT-BGTVT

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp Giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải

Cấp lại Giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải