87. Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển
Chủ tàu biển được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển theo quy định của pháp luật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Bộ luật hàng hải 2015, Nghị định 171/2016/NĐ-CP như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản
Tàu biển là phương tiện nổi di động chuyên dùng hoạt động trên biển.(khoản 1 Điều 13 Bộ luật hàng hải 2015).
Lưu ý:
– Tàu biển quy định trong Bộ luật Hàng hải 2015 không bao gồm tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, tàu ngầm, tàu lặn, thủy phi cơ, kho chứa nổi, giàn di động, ụ nổi.(khoản 1 Điều 13 Bộ luật hàng hải 2015).
– Tàu biển Việt Nam là tàu biển đã được đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam hoặc đã được cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp giấy phép tạm thời mang cờ quốc tịch Việt Nam. (khoản 1 Điều 14 Bộ luật Hàng hải 2015).
– Tàu biển Việt Nam có quyền và nghĩa vụ mang cờ quốc tịch Việt Nam. Chỉ có tàu biển Việt Nam mới được mang cờ quốc tịch Việt Nam. (khoản 2, 3 Điều 14 Bộ luật Hàng hải 2015).
Đăng ký tàu biển là việc cơ quan có thẩm quyền về đăng ký tàu biển tại Việt Nam thực hiện ghi, lưu trữ các thông tin về tàu biển vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam và cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu biển theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp Luật. Đăng ký tàu biển bao gồm các hình thức quy định (Khoản 1 Điều 3 Nghị định 171/2016/NĐ-CP) sau:
– Đăng ký tàu biển không thời hạn;
– Đăng ký tàu biển có thời hạn;
– Đăng ký thay đổi;
– Đăng ký tàu biển tạm thời;
– Đăng ký tàu biển đang đóng;
– Đăng ký tàu biển loại nhỏ.
2. Điều kiện đăng ký tàu biển Việt Nam
Tàu biển khi đăng ký phải có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Hàng hải 2015 sau đây:
– Giấy tờ hợp pháp chứng minh về sở hữu tàu biển;
– Giấy chứng nhận dung tích, giấy chứng nhận phân cấp tàu biển;
– Tên gọi riêng của tàu biển;
– Giấy chứng nhận tạm ngừng đăng ký hoặc xóa đăng ký, nếu tàu biển đó đã được đăng ký ở nước ngoài, trừ trường hợp đăng ký tạm thời;
– Chủ tàu có trụ sở, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam;
– Tàu biển nước ngoài đã qua sử dụng lần đầu tiên đăng ký hoặc đăng ký lại tại Việt Nam phải có tuổi tàu phù hợp với từng loại tàu biển theo quy định của Chính phủ;
– Đã nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
– Tàu biển nước ngoài được tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê theo hình thức thuê tàu trần, thuê mua tàu khi đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam, ngoài các điều kiện quy định tại các điểm a, b, c, d, e và g khoản 1 Điều 20 Bộ luật Hàng hải 2015 phải có hợp đồng thuê tàu trần hoặc hợp đồng thuê mua tàu.
3. Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển
Cơ quan đăng ký tàu biển cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển cho chủ tàu trong trường hợp giấy chứng nhận đăng ký tàu biển bị mất, bị rách nát, hư hỏng trên cơ sở hình thức đăng ký trước đó của tàu biển. (khoản 1 Điều 16 Nghị định 171/2016/NĐ-CP).
Lưu ý:
– Tàu biển nước ngoài đã qua sử dụng lần đầu tiên đăng ký hoặc đăng ký lại tại Việt Nam phải có tuổi tàu phù hợp với từng loại tàu biển theo quy định của Chính phủ. (điểm e khoản 1 Điều 20 Bộ luật hàng hải 2015).
– Đối với trường hợp tàu đang hoạt động trên biển hoặc đang ở nước ngoài thì có thể sử dụng bản sao giấy chứng nhận đăng ký nhưng chủ tàu phải cam kết và nộp bản gốc trong vòng 30 ngày kể từ ngày giấy chứng nhận đăng ký mới được cấp. (điểm c khoản 2 Điều 15 Nghị định 171/2016/NĐ-CP).
Kết luận: Trường hợp giấy chứng nhận đăng ký tàu biển bị mất, bị rách nát, hư hỏng, cơ quan đăng ký tàu biển cấp lại cho chủ tàu trên cơ sở hình thức đăng ký trước đó của tàu biển. Trình tự thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển phải được đảm bảo tuân thủ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 171/2016/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển