16. Cấp biển số của phương tiện chuyên ngành hoạt động tại cảng hàng không, sân bay

Posted on

Việc cấp biển số của phương tiện chuyên ngành hoạt động tại cảng hàng không, sân bay được D Liu Pháp Lý cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, sửa đổi, bổ sung 2014, Nghị định 102/2015/NĐ-CP, Nghị định 162/2018/NĐ-CP, Thông tư 17/2016/TT-BGTVT.

1. Một số khái niệm cơ bản

1.1. Cảng hàng không là khu vực xác định, bao gồm sân bay, nhà ga và trang bị, thiết bị, công trình cần thiết khác được sử dụng cho tàu bay đi, đến và thực hiện vận chuyển hàng không (khoản 1 Điều 47 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006).

Cảng hàng không được phân thành các loại sau đây:

– Cảng hàng không quốc tế là cảng hàng không phục vụ cho vận chuyển quốc tế và vận chuyển nội địa;

– Cảng hàng không nội địa là cảng hàng không phục vụ cho vận chuyển nội địa.

1.2. Sân bay là khu vực xác định được xây dựng để bảo đảm cho tàu bay cất cánh, hạ cánh và di chuyển. Sân bay chỉ phục vụ mục đích khai thác hàng không chung hoặc mục đích vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi mà không phải vận chuyển công cộng là sân bay chuyên dùng (khoản 1 Điều 47 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam).

1.3. Phương tiện chuyên ngành hàng không là phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế, đường giao thông nội bộ trong cảng hàng không, phục vụ trực tiếp cho hoạt động của cảng hàng không, sân bay (khoản 8 Điều 3 Thông tư 17/2016/TT-BGTVT).

Lưu ý:

Phương tiện chuyên ngành hàng không phải được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường định kỳ (sau đây gọi chung là kiểm định) theo tài liệu kỹ thuật của phương tiện. Chu kỳ kiểm định phương tiện được quy định như sau (Điều 61 Thông tư 17/2016/TT-BGTVT):

– Đối với phương tiện chưa qua sử dụng, chu kỳ kiểm định lần đầu là 24 tháng, kể từ ngày được cấp biển số;

– Đối với phương tiện đã qua sử dụng, chu kỳ kiểm định là 12 tháng, kể từ ngày được cấp biển số hoặc lần kiểm định trước.

2. Quy cách biển số hoạt động của phương tiện chuyên ngành hoạt động tại cảng hàng không, sân bay

Quy cách biển số hoạt động của phương tiện chuyên ngành hoạt động tại cảng hàng không, sân bay bao gồm (Điều 53 Thông tư 17/2016/TT-BGTVT):

– Phần chữ là mã (code) IATA của cảng hàng không nơi phương tiện hoạt động.

– Chữ số đầu chỉ đơn vị quản lý khai thác phương tiện, cụ thể:

+ 1 là phương tiện của người khai thác cảng hàng không, sân bay;

+ 2 là phương tiện của các hãng hàng không;

+ 3 là phương tiện của các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không khác.

– Hai chữ số tiếp theo chỉ loại phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay do Cục Hàng không Việt Nam quy định.

– Sau hai chữ số chỉ loại phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay là những chữ số chỉ số thứ tự được cấp phép của từng loại phương tiện, bắt đầu từ 01.

– Kích thước, màu sắc biển số đăng ký, chữ và số trên biển số đăng ký của phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay làm theo quy định về kích thước biển số đăng ký xe ô tô của cơ quan Nhà nước.

3. Cấp biển số của phương tiện chuyên ngành hoạt động tại cảng hàng không, sân bay

Cảng vụ hàng không cấp biển số của phương tiện chuyên ngành hoạt động tại cảng hàng không, sân bay, trừ trường hợp phương tiện có tham gia giao thông thường xuyên ngoài khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp biển số của phương tiện chuyên ngành hoạt động tại cảng hàng không, sân bay trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cảng vụ hàng không. Hồ sơ bao gồm:

– Văn bản đề nghị cấp biển số, trong đó nêu rõ nhu cầu sử dụng phương tiện; năm sản xuất, số seri của phương tiện; phương tiện đã qua sử dụng hoặc chưa qua sử dụng;

– Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường.

4. Biển số bị thu hồi

Biển số bị thu hồi trong các trường hợp sau  (khoản 3 Điều 52 Thông tư 17/2016/TT-BGTVT):

– Hết niên hạn sử dụng đối với các xe có niên hạn sử dụng theo quy định của nhà sản xuất;

– Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không không còn nhu cầu sử dụng phương tiện để hoạt động tại cảng hàng không, sân bay.

5. Xử lí vi phạm hành chính

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) đến 30.000.000 đồng (ba mươi triệu đồng) khi đưa phương tiện, thiết bị vào khai thác trong cảng hàng không, sân bay không có Giấy phép hoặc biển số do cơ quan có thẩm quyền cấp (điểm d khoản 5 Điều 11 Nghị định 162/2018/NĐ-CP).

Kết luận: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không sẽ được Cấp biển số của phương tiện chuyên ngành hoạt động tại cảng hàng không, sân bay theo những quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, sửa đổi, bổ sung 2014, Nghị định 102/2015/NĐ-CP, Nghị định 162/2018/NĐ-CP, Thông tư 17/2016/TT-BGTVT.

Chi tiết trình tự thủ tục, hồ sơ, mẫu đơn xem tại đây:

Cấp biển số của phương tiện chuyên ngành hoạt động tại cảng hàng không, sân bay.