4. Cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung
Về cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo quy định của Luật hàng không dân dụng năm 2006 sửa đổi bổ sung năm 2014, Nghị định 125/2015/NĐ-CP, Nghị định 92/2016/NĐ-CP, Nghị định 89/2019/NĐ-CP, Nghị định 162/2018/NĐ-CP, Thông tư 19/2017/TT-BGTVT, Thông tư 32/2021/TT-BGTVT như sau:
1. Một số khái niệm liên quan
Dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay là những dịch vụ liên quan trực tiếp đến khai thác tàu bay, khai thác vận chuyển hàng không và hoạt động bay được thực hiện tại cảng hàng không, sân bay. (khoản 1 Điều 3 Nghị định 92/2016/NĐ-CP)
Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 92/2016/NĐ-CP quy định kinh doanh vận tải hàng không bao gồm hai hình thức kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung:
- Kinh doanh vận chuyển hàng không là việc vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi bằng đường hàng không nhằm mục đích sinh lợi.
- Kinh doanh hàng không chung là hoạt động hàng không chung nhằm mục đích sinh lợi bằng tàu bay trừ tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ theo quy định tại Điều 21 Luật hàng không dân dụng Việt Nam
Theo khoản 1 Điều 109 Luật Hàng không dân dụng 2006 quy định:
- Vận chuyển hàng không là việc vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư bằng đường hàng không. Vận chuyển hàng không bao gồm vận chuyển hàng không thường lệ và vận chuyển hàng không không thường lệ.
- Vận chuyển hàng không thường lệ là việc vận chuyển bằng đường hàng không bao gồm các chuyến bay được thực hiện đều đặn, theo lịch bay được công bố và được mở công khai cho công chúng sử dụng.
- Vận chuyển hàng không không thường lệ là việc vận chuyển bằng đường hàng không không có đủ các yếu tố của vận chuyển hàng không thường lệ.
Kinh doanh vận chuyển hàng không là ngành kinh doanh có điều kiện và do doanh nghiệp vận chuyển hàng không thực hiện. (khoản 1 Điều 109 Luật Hàng không dân dụng 2006)
2. Điều kiện kinh doanh vận tải hàng không
Theo Điều 5 Nghị định 92/2016/NĐ-CP, sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 89/2019/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh vận tải hàng không bao gồm:
Điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác (khoản 3 Điều 1 Nghị định 89/2019/NĐ-CP)
Phương án bảo đảm có tàu bay khai thác bao gồm các nội dung sau đây:
– Số lượng, chủng loại tàu bay, tuổi của tàu bay;
– Hình thức chiếm hữu;
– Phương án khai thác, bảo dưỡng và nguồn nhân lực bảo đảm khai thác, bảo dưỡng tàu bay.
Số lượng tàu bay duy trì trong suốt quá trình kinh doanh vận tải hàng không tối thiểu là 03 tàu bay đối với kinh doanh vận chuyển hàng không; tối thiểu là 01 tàu bay đối với kinh doanh hàng không chung.
Điều kiện về tổ chức bộ máy (khoản 4 Điều 1 Nghị định 89/2019/NĐ-CP)
– Có tổ chức bộ máy thực hiện hệ thống quản lý an toàn, an ninh, hoạt động khai thác tàu bay, bảo dưỡng tàu bay, huấn luyện bay, khai thác mặt đất.
– Người được bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách trong hệ thống quản lý an toàn, an ninh, khai thác tàu bay, bảo dưỡng tàu bay, huấn luyện bay phải có kinh nghiệm tối thiểu 03 năm công tác liên tục trong lĩnh vực được bổ nhiệm, có văn bằng, chứng chỉ được cấp hoặc công nhận theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng.
– Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, số thành viên là người nước ngoài không được vượt quá một phần ba tổng số thành viên tham gia bộ máy điều hành. Bộ máy điều hành để tính tỷ lệ theo yêu cầu của khoản này gồm:
+ Tổng Giám đốc (Giám đốc), các Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc);
+ Kế toán trưởng;
+ Người phụ trách các lĩnh vực: hệ thống quản lý an toàn; khai thác tàu bay; bảo dưỡng tàu bay; huấn luyện tổ bay và người giữ chức vụ tương đương xác định theo bộ máy tổ chức của doanh nghiệp.”
Điều kiện về vốn (khoản 5 Điều 1 Nghị định 89/2019/NĐ-CP)
– Mức vốn tối thiểu (bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay) để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không:
+ Khai thác đến 10 tàu bay: 300 tỷ đồng Việt Nam;
+ Khai thác từ 11 đến 30 tàu bay: 600 tỷ đồng Việt Nam;
+ Khai thác trên 30 tàu bay: 700 tỷ đồng Việt Nam.
– Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung: 100 tỷ đồng Việt Nam.
– Doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện:
+ Nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 34% vốn điều lệ;
+ Phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất;
+ Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài góp vốn thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân
Điều kiện về phương án kinh doanh và chiến lược phát triển (khoản 6 Điều 1 Nghị định 89/2019/NĐ-CP)
Phương án kinh doanh và chiến lược phát triển của doanh nghiệp bao gồm các nội dung sau:
– Đánh giá nhu cầu và xu hướng phát triển của thị trường;
– Đánh giá thực tiễn và mức độ cạnh tranh dịch vụ được cung cấp trên thị trường;
– Chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không, chiến lược phát triển đội tàu bay và kế hoạch phát triển kinh doanh của 05 năm đầu kể từ ngày khai thác.
3. Thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung
Theo khoản 7 Điều 1 Nghị định 89/2019/NĐ-CP quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này hoặc thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc không cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung
Lưu ý: Theo khoản 9 Điều 1 Nghị định 89/2019/NĐ-CP Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung bị hủy bỏ trong các trường hợp sau đây:
- Không duy trì vốn tối thiểu trong thời gian 03 năm liên tục;
- Cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép;
- Ngừng khai thác vận tải hàng không 36 tháng liên tục;
- Không được cấp Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép;
- Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay bị thu hồi, hủy bỏ quá 36 tháng mà không được cấp lại;
- Hoạt động sai mục đích hoặc không đúng với nội dung ghi trong Giấy phép;
- Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về an ninh, quốc phòng;
- Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về an ninh hàng không, an toàn hàng không, tổ chức bộ máy điều hành và hoạt động khai thác vận chuyển hàng không, hoạt động hàng không chung;
- Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không;
- Không còn đáp ứng đủ điều kiện cấp Giấy phép theo quy định của pháp luật.
4. Xử phạt hành chính
Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 22 Nghị định 162/2018/NĐ-CP thì Phạt tiền từ 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng) đến 60.000.000 đồng (sáu mươi triệu đồng) đối với hành vi không duy trì đủ điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và Giấy phép kinh doanh hàng không chung.
Căn cứ quy định tại Khoản 7 Điều 24 Nghị định 162/2018/NĐ-CP thì Phạt tiền từ 60.000.000 đồng (sáu mươi triệu đồng) đến 70.000.000 đồng (bảy mươi triệu đồng) đối với hành vi vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi vì mục đích thương mại mà không được phép hoặc không có Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Kết luận: Để được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung phải đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định tại khoản 3,4,5,6 Điều 1 Nghị định 89/2019/NĐ-CP
Chi tiết trình tự, hồ sơ,biểu mẫu xem tại đây:
Cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung