17. Đề nghị chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, tổ chức chủ trì sẽ phát sinh những vấn đề pháp lý dẫn đến việc đề nghị chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa một số quy định của Luật Khoa học và công nghệ 2013 (sửa đổi, bổ sung 2018), Nghị định 359/QĐ-BKHCN 2016, Thông tư 04/2015/TT-BKHCN như sau:
1. Một số khái niệm
– Tổ chức khoa học và công nghệ là tổ chức có chức năng chủ yếu là nghiên cứu khoa học, nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ, hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ, được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật. (khoản 11 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
– Đặt hàng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là việc bên đặt hàng đưa ra yêu cầu về sản phẩm khoa học và công nghệ, cung cấp kinh phí để tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tạo ra sản phẩm khoa học và công nghệ thông qua hợp đồng. (khoản 14 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
2. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ
Theo điểm a khoản 1 Điều 22 Thông tư 04/2015/TT-BKHCN, hợp đồng chấm dứt trong trường hợp tổ chức chủ trì nhiệm vụ chủ động đề nghị chấm dứt hợp đồng.
Theo Điều 21 Thông tư 04/2015/TT-BKHCN, chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khi thuộc các trường hợp được quy định tại Khoản 2, 3, 4, 5 Điều 5 của Mẫu hợp đồng ban hành kèm theo Thông tư số 05/2014/TT-BKHCN ngày 10 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cụ thể các trường hợp chấm dứt như sau:
– Có căn cứ để khẳng định việc thực hiện hoặc tiếp tục thực hiện Đề tài/Đề án/Dự án/Dự án sản xuất thử nghiệm là không cần thiết và hai bên đồng ý chấm dứt Hợp đồng trước thời hạn.
– Bên nhận đặt hàng bị đình chỉ thực hiện Đề tài/Đề án/Dự án/Dự án sản xuất thử nghiệm theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
– Bên nhận đặt hàng không nộp hồ sơ để đánh giá, nghiệm thu Đề tài/Đề án/Dự án/Dự án sản xuất thử nghiệm theo quy định pháp luật.
– Bên đặt hàng vi phạm một trong các điều kiện dẫn đến việc Đề tài/Đề án/Dự án/Dự án sản xuất thử nghiệm không thể tiếp tục thực hiện do:
+ Không cấp đủ kinh phí theo tiến độ thực hiện Đề tài/Đề án/Dự án/Dự án sản xuất thử nghiệm mà không có lý do chính đáng;
+ Không kịp thời giải quyết những kiến nghị, đề xuất của Bên B theo quy định của pháp luật.
3. Xử lý khi chấm dứt hợp đồng
Theo Điều 6 của Mẫu hợp đồng ban hành kèm theo Thông tư số 05/2014/TT-BKHCN ngày 10 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, khi chấm dứt hợp đồng tài chình và tải sản được xử lý như sau:
3.1. Xử lý tài chính khi chấm dứt Hợp đồng
– Đối với các nhiệm vụ đã kết thúc và được nghiệm thu:
+ Các nhiệm vụ đã kết thúc và đánh giá nghiệm thu từ mức “Đạt” trở lên thì Bên đặt hàng thanh toán đầy đủ kinh phí cho Bên nhận đặt hàng theo quy định tại Hợp đồng này.
+ Các nhiệm vụ đã kết thúc, nhưng nghiệm thu mức “không đạt” thì Bên nhận đặt hàng có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ số kinh phí ngân sách nhà nước đã cấp nhưng chưa sử dụng. Các bên xác định mức bồi hoàn căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành về mức xử lý trách nhiệm đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ không hoàn thành do lỗi khách quan, lỗi chủ quan.
– Đối với các nhiệm vụ chấm dứt khi có căn cứ khẳng định không còn nhu cầu thực hiện:
+ Trường hợp các nhiệm vụ chấm dứt khi có căn cứ khẳng định không còn nhu cầu thực hiện thì hai bên cùng nhau xác định khối lượng công việc Bên nhận đặt hàng đã thực hiện để làm căn cứ thanh toán số kinh phí Bên nhận đặt hàng đã sử dụng nhằm thực hiện các nhiệm vụ và thu hồi số kinh phí còn lại đã cấp cho Bên nhận đặt hàng.
+ Trường hợp hai bên thỏa thuận ký Hợp đồng mới để thay thế và kết quả nghiên cứu của Hợp đồng cũ là một bộ phận cấu thành kết quả nghiên cứu của Hợp đồng mới thì số kinh phí đã cấp cho Hợp đồng cũ được tính vào kinh phí cấp cho Hợp đồng mới và được tiếp tục thực hiện với Hợp đồng mới.
– Đối với các nhiệm vụ bị đình chỉ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc Hợp đồng bị chấm dứt do Bên nhận đặt hàng không nộp hồ sơ để đánh giá, nghiệm thu các nhiệm vụ theo quy định pháp luật thì Bên nhận đặt hàng có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ số kinh phí ngân sách nhà nước đã được cấp nhưng chưa sử dụng. Các bên xác định mức bồi hoàn căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành về mức xử lý trách nhiệm đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ không hoàn thành do lỗi khách quan, lỗi chủ quan.
– Đối với các nhiệm vụ không hoàn thành do lỗi của Bên đặt hàng dẫn đến việc chấm dứt Hợp đồng thì Bên nhận đặt hàng không phải bồi hoàn số kinh phí đã sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ, nhưng vẫn phải thực hiện việc quyết toán kinh phí theo quy định của pháp luật.
3.2. Xử lý tài sản khi chấm dứt Hợp đồng
– Khi chấm dứt Hợp đồng, việc xử lý tài sản được mua sắm hoặc được hình thành bằng ngân sách nhà nước cấp cho các nhiệm vụ được thực hiện theo quy định pháp luật.
– Các sản phẩm vật chất của các nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước: nguồn thu khi các sản phẩm này được tiêu thụ trên thị trường sau khi trừ các khoản chi phí cần thiết, hợp lệ, được phân chia theo quy định pháp luật.
– Bỏ nội dung Xử lý tài sản khi chấm dứt Hợp đồng đối với nhiệm vụ không có tài sản nào được mua sắm bằng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước.
4. Một số lưu ý
– Chủ thể đề nghị chấm dứt hợp đồng:
+ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ lập hồ sơ đề nghị chấm dứt hợp đồng trong trường hợp chủ động đề nghị chấm dứt hợp đồng;
+ Đơn vị quản lý kinh phí lập hồ sơ đề nghị chấm dứt hợp đồng trong trường hợp có đủ căn cứ quy định tại Điều 21 Thông tư 04/2015/TT-BKHCN.
Theo khoản 3 Điều 22 Thông tư 04/2015/TT-BKHCN, tổ chức cá nhân cần lưu ý những điểm sau:
– Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được hồ sơ đề nghị chấm dứt hợp đồng hợp lệ, Bộ trưởng Bộ chủ trì nhiệm vụ xem xét và có thông báo tạm dừng thực hiện nhiệm vụ;
– Tổ chức chủ trì phải ngừng mọi hoạt động có liên quan kể từ ngày có thông báo tạm dừng thực hiện nhiệm vụ, đồng thời báo cáo chi tiết bằng văn bản với Bộ chủ trì nhiệm vụ các nội dung đã thực hiện, tình hình sử dụng kinh phí, nguyên vật liệu, trang thiết bị mua sắm;
– Bộ chủ trì tổ chức kiểm tra, đánh giá hồ sơ và hiện trường trước khi ra quyết định chấm dứt hợp đồng. Trường hợp cần thiết, Bộ chủ trì nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến tư vấn của các nhà khoa học, chuyên gia quản lý. Trong quyết định chấm dứt hợp đồng cần xác định rõ số kinh phí phải hoàn trả ngân sách nhà nước, phương án xử lý sản phẩm, tài sản được hình thành hoặc mua sắm;
– Đơn vị quản lý kinh phí thực hiện việc thanh lý hợp đồng với tổ chức chủ trì nhiệm vụ theo quy định hiện hành.
Kết luận: Đề nghị chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là một thủ tục quan trọng nhằm đảm bảo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tốt nhất. Tổ chức cá nhâ cần tuân thủ quy định tại Luật Khoa học và công nghệ 2013 (sửa đổi, bổ sung 2018), Nghị định 359/QĐ-BKHCN 2016, Thông tư 04/2015/TT-BKHCN.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Đề nghị chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ