24. Xem xét kéo dài thời gian công tác khi đủ tuổi nghỉ hưu cho cá nhân giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập
Cá nhân giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập được xem xét kéo dài thời gian công tác để nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và không giữ chức vụ quản lý nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể thủ tục xem xét kéo dài thời gian công tác khi đủ tuổi nghỉ hưu cho cá nhân giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo Luật Khoa học và công nghệ 2013, Nghị định 40/2014/NĐ-CP.
1. Một số khái niệm cơ bản
Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy (khoản 1 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm (khoản 2 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
Hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ (khoản 3 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
Nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn (khoản 4 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
Nghiên cứu cơ bản là hoạt động nghiên cứu nhằm khám phá bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy (khoản 5 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
Nghiên cứu ứng dụng là hoạt động nghiên cứu vận dụng kết quả nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra công nghệ mới, đổi mới công nghệ phục vụ lợi ích của con người và xã hội (khoản 6 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
Phát triển công nghệ là hoạt động sử dụng kết quả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, thông qua việc triển khai thực nghiệm và sản xuất thử nghiệm để hoàn thiện công nghệ hiện có, tạo ra công nghệ mới (khoản 7 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
Triển khai thực nghiệm là hoạt động ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm công nghệ mới ở dạng mẫu (khoản 8 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
Sản xuất thử nghiệm là hoạt động ứng dụng kết quả triển khai thực nghiệm để sản xuất thử nhằm hoàn thiện công nghệ mới, sản phẩm mới trước khi đưa vào sản xuất và đời sống (khoản 9 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ (khoản 12 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
2. Chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ
Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Luật Khoa học và công nghệ 2013 thì:
– Chức danh nghiên cứu khoa học là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực nghiên cứu khoa học của cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học, gồm trợ lý nghiên cứu, nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp.
Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tham gia giảng dạy, đào tạo đại học, sau đại học được xét bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư. Thủ tục xét bổ nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục đại học.
– Chức danh công nghệ là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cá nhân hoạt động trong từng lĩnh vực công nghệ.
Chính phủ quy định cụ thể chức danh công nghệ, thủ tục, quy trình xét công nhận, bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ.
– Người có học vị tiến sĩ hoặc có công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ xuất sắc hoặc được giải thưởng cao về khoa học và công nghệ được xét công nhận, bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không phụ thuộc vào năm công tác.
– Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan quy định hệ thống danh mục, tiêu chuẩn và mã số chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ.
3. Quyền và nghĩa vụ của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ
3.1. Quyền của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Luật Khoa học và công nghệ 2013 thì cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ có những quyền sau:
– Tự do sáng tạo, bình đẳng trong hoạt động khoa học và công nghệ.
– Tự mình hoặc hợp tác với tổ chức, cá nhân khác để hoạt động khoa học và công nghệ, ký kết hợp đồng khoa học và công nghệ.
– Được tạo điều kiện để tham gia, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo chức năng của tổ chức khoa học và công nghệ mà mình là thành viên.
– Thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ trong một số lĩnh vực theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
– Đăng ký tham gia tuyển chọn hoặc được giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
– Được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; chuyển giao, chuyển nhượng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
– Công bố kết quả hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Luật báo chí, Luật xuất bản và quy định khác của pháp luật.
– Góp vốn bằng tiền, tài sản, giá trị quyền sở hữu trí tuệ để hoạt động khoa học và công nghệ, sản xuất, kinh doanh; nhận tài trợ để hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật.
– Tư vấn, đề xuất ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước với cơ quan có thẩm quyền, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức khoa học và công nghệ mà mình là thành viên và tham gia giám sát việc thực hiện.
– Tham gia tổ chức khoa học và công nghệ, hội, hiệp hội khoa học và công nghệ; tham gia hoạt động đào tạo, tư vấn, hội nghị, hội thảo khoa học và công nghệ; tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ.
– Được xét công nhận, bổ nhiệm vào chức danh quy định tại Điều 19 của Luật này.
– Được khen thưởng, hưởng quyền ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
3.2. Nghĩa vụ của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ
Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Luật Khoa học và công nghệ 2013 thì cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ có những nghĩa vụ sau:
– Đóng góp trí tuệ, tài năng vào sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
– Thực hiện hợp đồng khoa học và công nghệ đã ký kết.
– Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giao.
– Đăng ký, lưu giữ và giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.
– Giữ bí mật nhà nước về khoa học và công nghệ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và xã hội.
4. Kéo dài thời gian công tác khi đủ tuổi nghỉ hưu.
4.1. Điều kiện kéo dài thời gian công tác khi đủ tuổi nghỉ hưu (khoản 1 Điều 9 Nghị định 40/2014/NĐ-CP)
Cá nhân giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập được xem xét kéo dài thời gian công tác để nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và không giữ chức vụ quản lý nếu đáp ứng các điều kiện sau:
– Là giáo sư; phó giáo sư; người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I là tiến sĩ khoa học; người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I; người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng II là tiến sĩ;
– Có đủ sức khỏe và có nguyện vọng được kéo dài thời gian công tác;
– Tổ chức khoa học và công nghệ có nhu cầu và chấp thuận.
4.2. Thời gian công tác kéo dài (khoản 2 Điều 9 Nghị định 40/2014/NĐ-CP)
Thời gian công tác kéo dài đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này như sau:
– Không quá 10 năm đối với giáo sư; người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I là tiến sĩ khoa học;
– Không quá 7 năm đối với phó giáo sư; người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I;
– Không quá 5 năm đối với người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng II là tiến sĩ.
Lưu ý:
– Trong thời gian công tác kéo dài, các đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này được hưởng lương, các chế độ, chính sách theo quy định và có quyền đề nghị nghỉ làm việc để hưởng chế độ nghỉ hưu (khoản 3 Điều 9 Nghị định 40/2014/NĐ-CP).
Kết luận: Cá nhân giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập được xem xét kéo dài thời gian công tác để nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và không giữ chức vụ quản lý nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật. Khi thực hiện thủ tục xem xét kéo dài thời gian công tác khi đủ tuổi nghỉ hưu cho cá nhân giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập cần phải tuân thủ theo quy định tại Luật Khoa học và công nghệ 2013, Nghị định 40/2014/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Xem xét kéo dài thời gian công tác khi đủ tuổi nghỉ hưu cho cá nhân giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập