25. Hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ
Theo quy định của pháp luật thì hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ là một trong những chính sách của nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo Luật Khoa học và công nghệ 2013, Luật Chuyển giao công nghệ 2017, Nghị định 76/2018/NĐ-CP, Thông tư 07/2014/TT-BKHCN, Thông tư 03/2017/TT-BKHCN.
1. Một số khái niệm cơ bản
Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy (khoản 1 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm (khoản 2 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
Hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ (khoản 3 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
Dịch vụ khoa học và công nghệ là hoạt động phục vụ, hỗ trợ kỹ thuật cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn bức xạ, hạt nhân và năng lượng nguyên tử; dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội (khoản 10 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ (khoản 7 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017).
Đánh giá công nghệ là hoạt động xác định trình độ, hiệu quả kinh tế, tác động của công nghệ đến môi trường, kinh tế – xã hội (khoản 18 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017).
Thẩm định giá công nghệ là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá công nghệ xác định giá trị bằng tiền của công nghệ phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá (khoản 18 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017).
Giám định công nghệ là hoạt động xác định các chỉ tiêu của công nghệ đạt được trong quá trình ứng dụng so với các chỉ tiêu đã được các bên thỏa thuận (khoản 19 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017).
Môi giới chuyển giao công nghệ là hoạt động hỗ trợ tìm kiếm đối tác để thực hiện chuyển giao công nghệ (khoản 20 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017).
Tư vấn chuyển giao công nghệ là hoạt động hỗ trợ lựa chọn, ứng dụng công nghệ; khai thác thông tin công nghệ, thông tin sáng chế, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đàm phán, ký kết và thực hiện chuyển giao công nghệ (khoản 21 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017).
Xúc tiến chuyển giao công nghệ là hoạt động thúc đẩy cơ hội chuyển giao công nghệ; cung ứng dịch vụ quảng cáo, trưng bày, giới thiệu công nghệ; tổ chức chợ, hội chợ, triển lãm công nghệ, điểm kết nối cung cầu công nghệ, trung tâm giao dịch công nghệ (khoản 22 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017).
Tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ là tổ chức cung cấp dịch vụ môi giới, tư vấn, xúc tiến chuyển giao công nghệ, đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ, dịch vụ kết nối, hỗ trợ bên cung, bên cầu và các bên khác trong giao dịch liên quan đến công nghệ (khoản 1 Điều 43 Luật Chuyển giao công nghệ 2017)
2. Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 thì các chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ bao gồm:
– Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường khoa học và công nghệ, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm; nâng cao trình độ, tiềm lực công nghệ quốc gia nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển nhanh và bền vững kinh tế – xã hội.
– Đa dạng hóa hình thức, phương thức chuyển giao công nghệ; khuyến khích chuyển giao công nghệ từ nhiều nguồn khác nhau.
– Ưu tiên chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực, công nghệ phục vụ quốc phòng, an ninh từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong nước; bố trí nguồn lực đầu tư cho hoạt động chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn; chú trọng hoạt động chuyển giao công nghệ cho địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
– Hỗ trợ ý tưởng công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, liên kết giữa tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất; chú trọng thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước; phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ.
– Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam; khuyến khích chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài; thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nước; chú trọng lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước; thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân.
– Ngăn chặn, loại bỏ công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng xấu đến kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, sức khỏe con người.
3. Phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ
3.1. Biện pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 về biện pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ thì:
– Nhà nước có chính sách và biện pháp hỗ trợ, đầu tư từ ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển thị trường khoa học và công nghệ thông qua các hoạt động phát triển nguồn cung, nguồn cầu công nghệ và tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Luật này.
– Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình để phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia.
3.2. Các biện pháp để phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 thì nhà nước thực hiện các biện pháp sau đây để phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ:
– Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ hoạt động của sàn giao dịch công nghệ quốc gia, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ quốc gia trong giai đoạn 05 năm đầu hoạt động;
– Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho tổ chức trung gian;
– Hỗ trợ, nâng cao năng lực khai thác thông tin về công nghệ, sở hữu trí tuệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước và ngoài nước cho tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao công nghệ, đánh giá, thẩm định giá và giám định công nghệ.
Lưu ý:
– Bên cạnh đó, theo Khoản 3 Điều 43 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 thì khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động môi giới, tư vấn và xúc tiến chuyển giao công nghệ trong các cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo; hình thành mạng lưới liên kết hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước.
3.3. Hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ
Căn cứ theo quy định tại Điều 30 Nghị định 76/2018/NĐ-CP về hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ:
Đối tượng hỗ trợ:
– Tổ chức cung cấp dịch vụ môi giới, tư vấn, xúc tiến chuyển giao công nghệ, đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ;
– Tổ chức cung cấp dịch vụ kết nối hỗ trợ bên khác trong giao dịch liên quan đến công nghệ, bao gồm: dịch vụ hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa công nghệ; dịch vụ sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; tư vấn đầu tư, xúc tiến thương mại, hỗ trợ khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp; tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; liên minh hợp tác xã; hiệp hội ngành nghề.
Nội dung hỗ trợ:
– Được sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ, sản phẩm công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;
– Tra cứu, thu thập và cung cấp thông tin về công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, chuyên gia công nghệ, nhu cầu công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ khai thác cơ sở dữ liệu về thị trường khoa học và công nghệ phục vụ quản lý nhà nước;
– Môi giới, tư vấn, xúc tiến chuyển giao công nghệ; phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ý tưởng công nghệ;
– Tổ chức, tham gia sự kiện trong nước, ngoài nước về xúc tiến phát triển thị trường công nghệ, thương mại hóa sáng chế, khởi nghiệp sáng tạo;
– Thuê chuyên gia tư vấn trong nước, nước ngoài; tổ chức đào tạo về môi giới, xúc tiến chuyển giao công nghệ; đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ; quản trị tài sản trí tuệ; thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Hình thức hỗ trợ: Thông qua dự án nâng cao năng lực của tổ chức trung gian.
Nguồn kinh phí hỗ trợ được bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, các chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ và các chương trình, đề án khác do bộ, ngành, địa phương quản lý.
Lưu ý:
– Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, mức hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, các chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ.
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, mức hỗ trợ đối với kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, đề án khác do bộ, ngành, địa phương quản lý được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
Kết luận: Theo quy định của pháp luật thì hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ là một trong những chính sách của nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ. Khi thực hiện thủ tục xin hỗ trợ, các tổ chức cần phải tuân thủ theo quy định tại Luật Khoa học và công nghệ 2013, Luật Chuyển giao công nghệ 2017, Nghị định 76/2018/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ