29. Mua sáng chế, sáng kiến
Trong quá trình hoạt động, tổ chức, cá nhân sẽ phát sinh việc mua sáng chế, sáng kiến, khi đó tổ chức cá nhân có nhu cầu phải tiến hành đề nghị mua. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019), Luật Chuyển giao công nghệ 2017, Nghị định 13/2012/NĐ-CP, Nghị định 76/2018/NĐ-CP, Nghị định 51/2019/NĐ-CP.
1. Khái niệm:
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên (khoản 12 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005).
Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (gọi chung là giải pháp), được cơ sở công nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây (Điều 7 Nghị định 13/2012/NĐ-CP):
– Có tính mới trong phạm vi cơ sở đó;
– Đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ sở đó và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực;
– Không thuộc đối tượng bị loại trừ quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 13/2012/NĐ-CP. Theo đó các đối tượng sau đây không được công nhận là sáng kiến:
+ Giải pháp mà việc công bố, áp dụng giải pháp trái với trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội;
+ Giải pháp là đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật tính đến thời điểm xét công nhận sáng kiến.
2. Mục đích mua sáng chế, sáng kiến:
Theo khoản 2 Điều 42 Luật Chuyển giao công nghệ và Điều 21 Nghị định 76/2018/NĐ-CP thì việc mua, nghiên cứu hoàn thiện sáng chế, sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả ở quy mô nhỏ để chuyển giao cho doanh nghiệp áp dụng, phổ biến cho công chúng là hoạt động phát triển nguồn cung, nguồn cầu của thị trường khoa học và công nghệ. Theo đó, Nhà nước xem xét mua để chuyển giao cho doanh nghiệp áp dụng, phổ biến cho công chúng theo quy định của pháp luật về mua sắm sử dụng vốn nhà nước.
3. Điều kiện mua sáng chế, sáng kiến:
Theo khoản 2 Điều 22 Nghị định 76/2018/NĐ-CP thì để được mua sáng chế, sáng kiến thì tổ chức cá nhân phải đáp ứng điều kiện về nội dung đánh giá hồ sơ đề nghị trước khi xem xét mua sáng chế, sáng kiến, cụ thể nội dung đánh giá cần phải đáp ứng như sau:
– Hiệu lực, phạm vi bảo hộ, nội dung giải pháp của sáng chế được bảo hộ; nội dung sáng kiến được cơ quan có thẩm quyền công nhận;
– Hiệu quả ứng dụng thực tiễn của sáng chế, sáng kiến; nhu cầu của doanh nghiệp, công chúng; điều kiện, khả năng mở rộng quy mô áp dụng sáng chế, sáng kiến;
– Khả năng ứng dụng sáng chế, sáng kiến phục vụ lợi ích xã hội trong sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công; phục vụ quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Lưu ý:
Phương thức mua sáng chế được thực hiện theo quy định của pháp luật về mua sắm sử dụng vốn nhà nước và pháp luật khác có liên quan (khoản 5 Điều 22 Nghị định 76/2018/NĐ-CP).
Tổ chức, cá nhân có sáng chế, sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả ở quy mô nhỏ được ưu tiên tham gia chương trình, đề án do bộ, ngành, địa phương quản lý để nghiên cứu hoàn thiện, chuyển giao, mở rộng quy mô áp dụng (khoản 2 Điều 21 Nghị định 76/2018/NĐ-CP).
4. Xử phạt vi phạm hành chính
Vi phạm chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Theo điểm e khoản 4 Điều 20 Nghị định 51/2019/NĐ-CP: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gian lận, lừa dối để nhận được hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ tương ứng với trường hợp hỗ trợ, ưu đãi sau: Mua sáng chế, sáng kiến để chuyển giao cho doanh nghiệp áp dụng, phổ biến cho công chúng.
Kết luận: Để mua sáng chế, sáng kiến thì tổ chức cá nhân có nhu cầu nộp hồ sơ đề nghị mua đến Bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, đồng thời đáp ứng điều kiện xem xét mua, trình tự thủ tục thực hiện tại Điều 22 Nghị định 76/2018/NĐ-CP và Quyết định 1573/QĐ-BKHCN 2018.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây: