34. Đề xuất dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi
Trong quá trình hoạt động, có một số dự án được đề xuất dự án thuộc Chương trình Nông thôn, miền núi. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó qua Luật Khoa học và công nghệ 2013 (sửa đổi, bổ sung 2018), Quyết định 1747/QĐ-TTg 2015, Thông tư 07/2016/TT-BKHCN như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản
– Thông tư 07/2016/TT-BKHCN quy định việc quản lý “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025” được phê duyệt tại Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Chương trình). (khoản 1 Điều 1 Thông tư 07/2016/TT-BKHCN)
– Tổ chức chủ trì dự án là tổ chức được giao trực tiếp xây dựng và tổ chức thực hiện dự án thuộc Chương trình. (khoản 3 Điều 2 Thông tư 07/2016/TT-BKHCN)
– Dự án thuộc Chương trình là dự án ứng dụng, chuyển giao công nghệ theo quy định tại khoản 1 Mục III Điều 1 Quyết định 1747/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 (sau đây viết tắt là Quyết định số 1747/QĐ-TTg). (khoản 1 Điều 3 Thông tư 07/2016/TT-BKHCN)
Lưu ý:
Theo quy định tại khoản 1 Mục III Điều 1 Quyết định 1747/QĐ-TTg, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ thông qua các mô hình cụ thể phù hợp với từng vùng nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số bao gồm:
– Xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế, trình độ phát triển của từng vùng miền, địa phương.
– Xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong việc ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ.
2. Điều kiện khi đề xuất dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi
Theo khoản 1 Điều 14 Thông tư 07/2016/TT-BKHCN, căn cứ vào mục tiêu, nội dung của Chương trình, nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và công văn hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, các tổ chức tại địa phương gửi hồ sơ đề xuất dự án về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp.Theo đó, tại Mục II, III Điều 1 Quyết định 1747/QĐ-TTg, quy định mục tiêu, nội dung của Chương trình như sau:
- Mục tiêu
– Giai đoạn 2016 – 2020:
+ Xây dựng được ít nhất 1.200 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ có hiệu quả, có quy mô phù hợp với vùng sinh thái của từng địa bàn nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, trong đó có ít nhất 30% mô hình thực hiện ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số; xây dựng được ít nhất 20% mô hình liên kết ứng dụng khoa học và công nghệ theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo sinh kế cho người dân;
+ Chuyển giao được ít nhất 1.500 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số;
+ Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án, năng lực ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho ít nhất 1.500 cán bộ quản lý và khoảng 2.500 kỹ thuật viên cơ sở ở địa phương, khoảng 80.000 lượt nông dân để có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý thường xuyên bám sát địa bàn giúp nông dân tiếp tục mở rộng việc áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ đã được chuyển giao.
– Giai đoạn 2021 – 2025:
+ Xây dựng được ít nhất 1.000 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ có hiệu quả, trong đó có ít nhất 30% mô hình thực hiện ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số; tăng tỷ lệ các mô hình liên kết ứng dụng khoa học và công nghệ theo chuỗi giá trị hàng hóa, các mô hình có quy mô sản xuất lớn, quy mô công nghiệp, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến;
+ Chuyển giao được ít nhất 1.500 lượt công nghệ mới, tiên tiến ở các lĩnh vực khoa học và công nghệ, trong đó có ít nhất 20% công nghệ cao;
+ Đào tạo ít nhất 1.500 kỹ thuật viên cơ sở, tập huấn kỹ thuật cho ít nhất 60.000 lượt nông dân;
+ Có ít nhất 10 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số được hình thành từ Chương trình.
- Nội dung
– Ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ thông qua các mô hình cụ thể phù hợp với từng vùng nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số:
+ Xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế, trình độ phát triển của từng vùng miền, địa phương:
- Tiến bộ khoa học và công nghệ về giống mới và công nghệ nhân giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, giống nấm;
- Quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, an toàn với môi trường công nghệ sản xuất theo tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến;
- Công nghệ tiên tiến và thiết bị đồng bộ trong thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm. Chú trọng công nghệ, thiết bị chế biến sâu, công nghệ tạo giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp; công nghệ sơ chế nông – lâm – thủy sản, dược liệu cho vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số;
- Công nghệ sinh học trong sản xuất các chế phẩm sinh học dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản; phân vi sinh; xử lý môi trường; phòng trừ dịch bệnh;
- Công nghệ tưới, tiêu cho các loại cây trồng, các giải pháp kỹ thuật cung cấp nước ngọt, nước sạch cho các vùng khan hiếm nước;
- Quy trình, thiết bị máy móc trong sản xuất nông nghiệp; công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp nông thôn;
- Tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất nguyên liệu, vật liệu dùng trong công nghiệp chế biến, xây dựng, dược phẩm;
- Công nghệ, thiết bị xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt; công nghệ, thiết bị đồng bộ sử dụng năng lượng tái tạo;
- Công nghệ thông tin, truyền thông để phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, thông tin thị trường cho nông dân;
- Kết hợp khoa học và công nghệ tiên tiến với tri thức truyền thống trong khai thác, phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế của các cây trồng, vật nuôi đặc sản của địa phương;
- Công nghệ, thiết bị phục vụ phát triển sản xuất gắn với du lịch sinh thái.
+ Xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong việc ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ:
Xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao đồng bộ các tiến bộ khoa học và công nghệ, tổ chức quản lý, phát triển thị trường theo chuỗi giá trị hàng hóa có sự tham gia, liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân, trong đó doanh nghiệp là nòng cốt.
– Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ phục vụ hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số:
+ Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ quản lý dự án và cán bộ chuyển giao công nghệ;
+ Đào tạo cán bộ kỹ thuật cho địa phương, tập huấn kỹ thuật cho nông dân để hình thành mạng lưới cán bộ kỹ thuật và cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp ở địa phương;
+ Thu hút cán bộ khoa học trẻ, cán bộ tình nguyện đến làm việc thường xuyên tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số để hướng dẫn, chuyển giao công nghệ trong quá trình thực hiện dự án thuộc Chương trình.
– Xây dựng tài liệu, dữ liệu về các tiến bộ khoa học và công nghệ, thực hiện các hoạt động truyền thông phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ:
+ Xây dựng tài liệu, dữ liệu điện tử về quy trình kỹ thuật, công nghệ phù hợp với từng vùng, từng địa phương;
+ Phát hành các ấn phẩm (bản giấy, điện tử) về kinh nghiệm, quy trình công nghệ đã chuyển giao để phổ biến, nhân rộng kết quả của Chương trình;
+ Thực hiện các hoạt động truyền thông phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương;
+ Biên tập tài liệu bằng tiếng dân tộc phục vụ truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ cho đồng bào dân tộc thiểu số.
3. Đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Theo Điều 26 Luật Khoa học và công nghệ 2013, việc đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ được quy định như sau:
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ về bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan nhà nước khác ở trung ương phù hợp với ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý để tổng hợp.
Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan nhà nước khác ở trung ương tổ chức lấy ý kiến tư vấn xác định và công bố công khai nhiệm vụ đặt hàng cấp mình và gửi đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia về Bộ Khoa học và Công nghệ;
– Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổng hợp đề xuất đặt hàng, tổ chức lấy ý kiến tư vấn về nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia và công bố công khai;
– Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ động hoặc theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia cấp bách, mới phát sinh có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia; tổ chức lấy ý kiến tư vấn về các nhiệm vụ này;
– Việc lấy ý kiến tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện thông qua Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định thành lập, quy định nhiệm vụ và quyền hạn. Thành phần của Hội đồng bao gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh có uy tín và trình độ phù hợp với nhiệm vụ. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có quyền lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước hoặc sau khi họp Hội đồng. Thành viên Hội đồng và chuyên gia tư vấn độc lập phải chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình.
Lưu ý:
– Việc đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước có thể áp dụng quy định nêu trên.
– Việc đề xuất, tư vấn xác định nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và kỹ thuật phải bao gồm nội dung triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm và dự toán kinh phí cho các hoạt động này hoặc đề xuất dự án triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm.
4. Một số lưu ý
– Tổ chức, cá nhân có quyền đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ để quỹ phát triển khoa học và công nghệ, quỹ đổi mới công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao và các quỹ khác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ xét tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay theo điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ. (Điều 31 Luật Khoa học và công nghệ 2013)
– Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức lấy ý kiến tư vấn thông qua hội đồng tư vấn hoặc ý kiến của ít nhất 02 chuyên gia tư vấn độc lập để xem xét, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt danh mục dự án đề xuất đặt hàng thuộc Chương trình gửi Bộ Khoa học và Công nghệ (bao gồm dự án do Trung ương quản lý, dự án ủy quyền cho địa phương quản lý). (khoản 2 Điều 14 Thông tư 07/2016/TT-BKHCN)
Theo Điều 40 Luật Khoa học và công nghệ 2013 về trách nhiệm tiếp nhận và tổ chức ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được quy định như sau:
– Đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người đứng đầu tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội có trách nhiệm tiếp nhận, tổ chức ứng dụng, bố trí kinh phí, đánh giá hiệu quả ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do mình đề xuất đặt hàng hoặc đặt hàng sau khi được đánh giá, nghiệm thu và định kỳ hằng năm gửi báo cáo kết quả ứng dụng về Bộ Khoa học và Công nghệ.
– Đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước mà tổ chức, cá nhân không có khả năng tự tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu thì có quyền đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ địa phương xem xét tạo điều kiện ứng dụng.
– Trường hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước được tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho Nhà nước thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận, lưu giữ và xem xét tổ chức ứng dụng.
– Trường hợp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không thực hiện trách nhiệm triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời không được tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước trong thời hạn 03 năm kể từ ngày bị xử lý vi phạm. (khoản 2 Điều 44 Luật Khoa học và công nghệ 2013)
Kết luận: Khi thực hiện việc đề xuất dự án thuộc Chương trình Nông thôn, miền núi thì tổ chức cá nhân gửi hồ sơ đến Sở Khoa học và Công nghệ. Đồng thời lưu ý các yêu cầu quy định tại Luật Khoa học và công nghệ 2013 (sửa đổi, bổ sung 2018), Quyết định 1747/QĐ-TTg 2015, Thông tư 07/2016/TT-BKHCN.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Đề xuất dự án thuộc Chương trình Nông thôn, miền núi