6. Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ

Posted on

Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ là một thủ tục có ý nghĩa đặc biệt với các tổ chức cá nhân tham gia trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung trên theo Luật thi đua, khen thưởng 2003 (sửa đổi, bổ sung 2005, 2013), Luật Khoa học và công nghệ 2013, Nghị định 78/2014/NĐ-CP, Nghị định 60/2019/NĐ-CP, Thông tư 29/2019/TT-BKHCN như sau:

1. Một số khái niệm

Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ là giải thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng các tác giả công trình, cụm công trình khoa học và công nghệ đặc biệt xuất sắc, có giá trị rất cao, nhiều đột phá về khoa học và công nghệ, hiệu quả kinh tế xã hội, có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, là kết quả của sự dày công nghiên cứu, cống hiến trí tuệ và tài năng của các nhà khoa học, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ.

2. Điều kiện Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ

Theo Điều 8 Nghị định 78/2014/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 60/2019/NĐ-CP, điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ bao gồm:

– Công trình đề nghị xét tặng giải thưởng phải có hồ sơ hợp lệ, được công bố theo quy định (trừ các công trình có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước), được ứng dụng tại Việt Nam.

– Thời gian công trình được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn ít nhất là 03 năm hoặc công trình được ứng dụng đổi mới sáng tạo có hiệu quả ít nhất 01 năm tính đến thời điểm cơ quan chủ trì tổ chức xét tặng giải thưởng nhận hồ sơ công trình đề nghị xét tặng.

– Tính đến thời điểm xét tặng giải thưởng, tác giả công trình không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật Khoa học và Công nghệ.

– Công trình đề nghị xét tặng giải thưởng là kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng hoặc nhận hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước phải được đăng ký, lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định pháp luật.

Lưu ý:

Theo Điều 8 Luật Khoa học và Công nghệ 2013, các hành vi bị cấm bao gồm:

– Lợi dụng hoạt động khoa học và công nghệ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến tài nguyên, môi trường, sức khỏe con người; trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

– Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chiếm đoạt, chuyển nhượng, chuyển giao bất hợp pháp kết quả khoa học và công nghệ.

– Tiết lộ tài liệu, kết quả khoa học và công nghệ thuộc danh mục bí mật nhà nước; lừa dối, giả mạo trong hoạt động khoa học và công nghệ.

– Cản trở hoạt động khoa học và công nghệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

3. Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ

a. Đối với công trình nghiên cứu khoa học(Điều 9 Nghị định 78/2014/NĐ-CP)

– Công trình đặc biệt xuất sắc

Kết quả nghiên cứu của công trình có phát minh mới hoặc là thành tựu khoa học nổi trội, tiêu biểu, dẫn tới những thay đổi đặc biệt quan trọng trong nhận thức, sản xuất, quốc phòng, an ninh và đời sống xã hội.

– Công trình có giá trị rất cao về khoa học:

+ Tìm ra bản chất, quy luật phát triển của sự vật, hiện tượng hoặc đạt một trong các tiêu chí sau: hình thành hướng nghiên cứu mới; tư tưởng, quan niệm mới; nhận thức mới; cách tiếp cận mới; lý thuyết mới; phương pháp mới; tri thức mới; phát hiện mới về khoa học công nghệ;

+ Được công bố, trích dẫn trên các tạp chí khoa học có uy tín quốc tế hoặc trong nước.

– Công trình có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển nền kinh tế quốc dân, khoa học, công nghệ hoặc ứng dụng trong thực tiễn có một trong các tác dụng sau:

+ Mang lại hiệu quả kinh tế lớn hoặc làm thay đổi hợp lý cơ cấu ngành nghề; tiết kiệm chi phí sản xuất; nâng cao năng suất lao động; giảm thiểu tác động xấu đến môi trường;

+ Đóng góp đặc biệt quan trọng cho việc dự báo xu hướng tương lai, hoạch định và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

+ Làm chuyển biến nhận thức của xã hội hoặc tác động đặc biệt quan trọng đến đời sống xã hội; nâng cao dân trí; thay đổi tích cực hành vi ứng xử của nhóm, tầng lớp trong xã hội;

+ Được sử dụng để phục vụ cho công tác nghiên cứu và đào tạo đại học, sau đại học.

b. Đối với công trình nghiên cứu phát triển công nghệ(Điều 10 Nghị định 78/2014/NĐ-CP)

– Công trình đặc biệt xuất sắc

Kết quả nghiên cứu của công trình là thành tựu khoa học, công nghệ nổi trội, tiêu biểu, có tính sáng tạo và đổi mới đặc biệt quan trọng về công nghệ hoặc tạo ra được công nghệ mới đạt trình độ tiên tiến quốc tế hoặc khu vực.

– Công trình có giá trị rất cao về khoa học, công nghệ

+ Giải quyết được những vấn đề then chốt để cải tiến, đổi mới công nghệ, tạo sản phẩm mới hoặc được cấp bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc được công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín.

+ Góp phần đặc biệt quan trọng thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tạo điều kiện hình thành và phát triển ngành nghề mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của ngành kinh tế.

– Công trình có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển nền kinh tế quốc dân, khoa học, công nghệ hoặc ứng dụng trong thực tiễn có một trong các tác dụng sau:

+ Mang lại hiệu quả kinh tế lớn hoặc tạo ra sản phẩm quốc gia, sản phẩm có thương hiệu xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu;

+ Làm thay đổi phương thức lao động, sản xuất truyền thống hoặc cải thiện điều kiện và môi trường lao động, sản xuất hoặc góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân;

+ Phát triển công nghệ đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới đối với ngành, lĩnh vực, địa phương.

c. Đối với công trình ứng dụng công nghệ(Điều 11 Nghị định 78/2014/NĐ-CP)

– Công trình đặc biệt xuất sắc

Kết quả ứng dụng công nghệ là thành tựu ứng dụng công nghệ nổi trội, tiêu biểu, có sáng tạo đặc biệt, góp phần sản xuất hàng hóa ở quy mô công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

+ Công trình có giá trị rất cao về công nghệ, được ứng dụng thành công và có hiệu quả trong các công trình trọng điểm quốc gia, thuộc một trong các loại sau:

+ Sáng tạo ra công nghệ đặc biệt mang tính đột phá;

+ Có những cải tiến kỹ thuật, công nghệ đặc biệt quan trọng mang lại hiệu quả cao;

+ Xây dựng được phương án tổng thể với các giải pháp kỹ thuật đồng bộ kèm theo.

– Công trình có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển nền kinh tế quốc dân, khoa học, công nghệ hoặc ứng dụng trong thực tiễn có một trong các tác dụng sau:

+ Tạo ra hiệu quả kinh tế – xã hội rất lớn, đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế – xã hội hoặc quốc phòng – an ninh hoặc tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, thay thế hàng nhập khẩu;

+ Có đóng góp quan trọng trong phát triển khoa học và công nghệ của lĩnh vực.

4. Thẩm quyền xét tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ

Theo Điều 6 Nghị định 78/2014/NĐ-CP, thẩm quyền xét tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ được quy định như sau:

– Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.

– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức việc xét tặng và quyết định tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương.

– Tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài tổ chức việc xét tặng và quyết định tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ do tổ chức, cá nhân đặt ra.

5. Thời gian xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ

Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ được xét tặng và công bố 05 năm một lần, vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 02 tháng 9. (khoản 1 Điều 15 Nghị định 78/2014/NĐ-CP)

Lưu ý:

– Thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ tại Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp cơ sở được quy định tại Điều 18 Nghị định 78/2014/NĐ-CP.

– Thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ tại Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Bộ, ngành, địa phương được quy định tại Điều 19 Nghị định 78/2014/NĐ-CP.

– Thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ tại Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp nhà nước được quy định tại Điều 20 Nghị định 78/2014/NĐ-CP.

– Thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Mình về khoa học và công nghệ tại Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp nhà nước được quy định tại Điều 21 Nghị định 78/2014/NĐ-CP.

Kết luận: Như vậy, khi cá nhân, tổ chức có nhu cầu xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ thì thực hiện theo thủ tục xét tặng tại Luật thi đua, khen thưởng 2003 (sửa đổi, bổ sung 2005, 2013), Luật Khoa học và công nghệ 2013, Nghị định 78/2014/NĐ-CP, Nghị định 60/2019/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ