61. Cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ

Posted on

Tổ chức, cá nhân khi thực hiện việc chuyển giao công nghệ cần được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ theo quy định của luật. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Luật Chuyển giao công nghệ 2017, Nghị định 76/2018/NĐ-CP, Nghị định 51/2019/NĐ-CP, Thông tư 169/2016/TT-BTC, Thông tư 02/2018/TT-BKHCN.

1. Một số khái niệm cơ bản

– Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm (theo khoản 2 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017).

Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.

– Chuyển giao công nghệ trong nước là việc chuyển giao công nghệ được thực hiện trong lãnh thổ Việt Nam.

– Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam là việc chuyển giao công nghệ qua biên giới vào lãnh thổ Việt Nam.

– Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài là việc chuyển giao công nghệ từ lãnh thổ Việt Nam qua biên giới ra nước ngoài (theo các khoản 7, 8, 9, 10 Điều 2 Luật này).

2. Chuyển giao công nghệ

Đối tượng được chuyển giao công nghệ được quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Chuyển giao công nghệ 2017, bao gồm:

+ Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ;

+ Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu;

+ Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ;

+ Máy móc, thiết bị đi kèm một trong các đối tượng nêu trên.

Hình thức chuyển giao công nghệ được quy định tại các khoản 1, 2, 3 Luật này, gồm 3 hình thức chính:

+ Chuyển giao công nghệ độc lập.

+ Chuyển giao công nghệ theo phần (dự án đầu tư, góp vốn bằng công nghệ, nhượng quyền thương mại…)

+ Chuyển giao công nghệ theo hình thức khác.

– Theo Điều 6 Luật Chuyển giao công nghệ 2017, phương thức chuyển giao công nghệ bao gồm các phương thức mà hai bên có thể tự thỏa thuận hoặc theo luật định như sau:

+ Chuyển giao tài liệu về công nghệ;

+ đào tạo cho bên nhận công nghệ nắm vững và làm chủ công nghệ trong thời hạn thỏa thuận; + Cử chuyên gia tư vấn kỹ thuật cho bên nhận công nghệ đưa công nghệ vào ứng dụng, vận hành để đạt được các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm, tiến độ theo thỏa thuận;

+ chuyển giao máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 của Luật này theo các phương thức quy định tại Điều này.

Quyền chuyển giao công nghệ được quy định tại Điều 7 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 như sau:

+ Chủ sở hữu công nghệ có quyền chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ.

+ Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng công nghệ được chuyển giao quyền sử dụng công nghệ đó cho tổ chức, cá nhân khác khi chủ sở hữu công nghệ đồng ý.

+ Phạm vi chuyển giao quyền sử dụng công nghệ do các bên thỏa thuận bao gồm:

Độc quyền hoặc không độc quyền sử dụng công nghệ;

Quyền chuyển giao tiếp quyền sử dụng công nghệ của bên nhận chuyển giao cho bên thứ ba.

– Tổ chức, cá nhân có quyền chuyển giao công nghệ được quyền góp vốn bằng công nghệ vào dự án đầu tư; trường hợp dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước thì công nghệ đưa vào góp vốn phải được thẩm định giá theo quy định của pháp luật (theo Điều 8 Luật này).

Lưu ý:

Theo Điều 10 Luật Chuyển giao công nghệ 2017:

Hạn chế chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao công nghệ trong nước trong trường hợp sau đây:

+ Công nghệ; máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ không còn sử dụng phổ biến ở các quốc gia công nghiệp phát triển;

+ Sử dụng hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải nguy hại đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

+ Tạo ra sản phẩm bằng phương pháp biến đổi gen;

+ Sử dụng chất phóng xạ, tạo ra chất phóng xạ mà đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

+ Sử dụng tài nguyên, khoáng sản hạn chế khai thác trong nước;

+ Công nghệ nhân giống, nuôi, trồng giống mới chưa được kiểm nghiệm;

+ Tạo ra sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến phong tục, tập quán, truyền thống và đạo đức xã hội.

– Hạn chế chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài trong trường hợp sau đây:

+ Tạo ra các sản phẩm truyền thống, sản xuất theo bí quyết truyền thống hoặc sử dụng, tạo ra chủng, loại giống trong nông nghiệp, khoáng chất, vật liệu quý hiếm đặc trưng của Việt Nam;

+ Tạo ra sản phẩm xuất khẩu vào thị trường cạnh tranh với mặt hàng xuất khẩu chủ lực quốc gia của Việt Nam.

Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm Nghị định 76/2018/NĐ-CP.

Theo Điều 11 Luật này:

Cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong nước công nghệ sau đây:

+ Không đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo đảm sức khỏe con người, bảo vệ tài nguyên, môi trường và đa dạng sinh học;

+ Tạo ra sản phẩm gây hậu quả xấu đến phát triển kinh tế – xã hội; ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội;

+ Công nghệ; máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ không còn sử dụng phổ biến và chuyển giao ở các quốc gia đang phát triển và không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

+ Công nghệ sử dụng hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;

+ Sử dụng chất phóng xạ, tạo ra chất phóng xạ không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

– Cấm chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài công nghệ thuộc Danh mục bí mật nhà nước, trừ trường hợp luật khác cho phép chuyển giao.

Danh mục công nghệ cấm chuyển giao được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm Nghị định 76/2018/NĐ-CP.

3. Hợp đồng chuyển giao công nghệ

a. Giao kết và thực hiện hợp đồng

Việc giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác được coi là giao dịch bằng văn bản theo quy định của Bộ luật Dân sự. Văn bản hợp đồng phải được các bên ký, đóng dấu (nếu có); ký, đóng dấu giáp lai (nếu có) vào các trang của hợp đồng, phụ lục hợp đồng.

Ngôn ngữ trong hợp đồng chuyển giao công nghệ do các bên thỏa thuận.

Hợp đồng chuyển giao công nghệ được giao kết và thực hiện theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ, Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh và quy định khác của pháp luật có liên quan (theo Điều 22 Luật Chuyển giao công nghệ 2017).

b. Nội dung

– Tên công nghệ được chuyển giao.

– Đối tượng công nghệ được chuyển giao, sản phẩm do công nghệ tạo ra, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.

– Chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ.

– Phương thức chuyển giao công nghệ.

– Quyền và nghĩa vụ của các bên.

– Giá, phương thức thanh toán.

– Thời hạn, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

– Khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong hợp đồng (nếu có).

– Kế hoạch, tiến độ chuyển giao công nghệ, địa điểm thực hiện chuyển giao công nghệ.

– Trách nhiệm bảo hành công nghệ được chuyển giao.

– Phạt vi phạm hợp đồng.

– Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

– Cơ quan giải quyết tranh chấp.

– Nội dung khác do các bên thỏa thuận (theo Điều 23 Luật Chuyển giao công nghệ 2017).

c. Thời hạn thực hiện và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng

Theo Điều 24 Luật Chuyển giao công nghệ 2017:

– Thời hạn thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ do các bên thỏa thuận.

– Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển giao công nghệ do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm giao kết, trừ trường hợp quy định sau đây.

– Hợp đồng chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao có hiệu lực từ thời điểm được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ.

Hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp đăng ký theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 31 của Luật này có hiệu lực từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ; trường hợp gia hạn, sửa đổi, bổ sung thì hợp đồng gia hạn, sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung chuyển giao công nghệ.

4. Giá và phương thức thanh toán chuyển giao công nghệ

Theo Điều 4 Nghị định 76/2018/NĐ-CP:

– Các bên tham gia hợp đồng có thể thỏa thuận thanh toán theo một hoặc một số phương thức sau đây:

+ Trả một lần hoặc nhiều lần bằng tiền hoặc hàng hóa trong đó bao gồm cả hình thức trả được tính theo từng đơn vị sản phẩm sản xuất ra từ công nghệ chuyển giao;

+ Chuyển giá trị công nghệ thành vốn góp vào dự án đầu tư hoặc vào vốn của doanh nghiệp.

Trường hợp góp vốn bằng công nghệ có sử dụng vốn nhà nước (công nghệ được tạo ra bằng vốn nhà nước hoặc sử dụng vốn nhà nước để mua công nghệ) phải thực hiện thẩm định giá công nghệ theo quy định của pháp luật;

+ Trả theo phần trăm (%) giá bán tịnh.

Giá bán tịnh được xác định bằng tổng giá bán sản phẩm, dịch vụ mà trong quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ có áp dụng công nghệ được chuyển giao (tính theo hóa đơn bán hàng) trừ đi các khoản sau: Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu (nếu có); chi phí mua bán các thành phẩm, bộ phận, chi tiết, linh kiện được nhập khẩu, mua ở trong nước; chi phí mua bao bì, chi phí đóng gói, chi phí vận chuyển sản phẩm đến nơi tiêu thụ, chi phí quảng cáo;

+ Trả theo phần trăm (%) doanh thu thuần.

Doanh thu thuần được xác định bằng doanh thu bán sản phẩm, dịch vụ được tạo ra bằng công nghệ được chuyển giao, trừ đi các khoản giảm trừ doanh thu gồm chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại;

+ Trả theo phần trăm (%) lợi nhuận trước thuế.

Lợi nhuận trước thuế được xác định bằng doanh thu thuần trừ đi tổng chi phí hợp lý để sản xuất sản phẩm, dịch vụ có áp dụng công nghệ chuyển giao đã bán trên thị trường. Các bên cũng có thể thỏa thuận thanh toán theo phần trăm lợi nhuận sau thuế;

+ Kết hợp hai hoặc các phương thức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này hoặc các hình thức thanh toán khác bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

– Trường hợp công nghệ chuyển giao (công nghệ được tạo ra bằng vốn nhà nước hoặc sử dụng vốn nhà nước để mua công nghệ) giữa các bên mà một hoặc nhiều bên có vốn nhà nước, việc định giá thực hiện dựa trên tư vấn thẩm định giá công nghệ theo quy định của pháp luật.

– Trường hợp công nghệ chuyển giao giữa các bên có quan hệ theo mô hình công ty mẹ – công ty con và các bên có quan hệ liên kết theo quy định của pháp luật về thuế, việc kiểm toán giá thực hiện thông qua hình thức thẩm định giá công nghệ theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.

5. Lưu ý chung

– Những hành vi bị nghiêm cấm (theo Điều 13 Luật Chuyển giao công nghệ 2017):

+ Lợi dụng chuyển giao công nghệ làm ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, sức khỏe con người, môi trường, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; hủy hoại tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học.

+ Chuyển giao công nghệ cấm chuyển giao; chuyển giao trái phép công nghệ hạn chế chuyển giao.

+ Vi phạm quy định về quyền chuyển giao công nghệ.

+ Lừa dối, giả tạo trong việc lập, thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ, nội dung công nghệ trong hợp đồng, hồ sơ dự án đầu tư.

+ Cản trở, từ chối cung cấp thông tin về hoạt động chuyển giao công nghệ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Tiết lộ bí mật công nghệ trái quy định của pháp luật, cản trở hoạt động chuyển giao công nghệ.

+ Sử dụng công nghệ không đúng với công nghệ đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép

6. Phạt vi phạm hành chính

Tổ chức, cá nhân bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam nhưng không có Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ;

+ Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài nhưng không có Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ;

+ Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước nhưng không có Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (Điều 25 Nghị Định  51/2019/NĐ-CP).

Kết luận: Việc thực hiện cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ cần tuân thủ các quy định tại Luật Chuyển giao công nghệ 2017, Nghị định 76/2018/NĐ-CP, Nghị định 51/2019/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ