68. Đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư (nhiệm vụ Nghị định thư)

Posted on

Công dân Việt Nam, Người nước ngoài, Tổ chức (không bao gồm doanh nghiệp, HTX), Tổ chức nước ngoài muốn tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư phải đăng ký theo quy định. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Luật Khoa học và công nghệ 2013, Nghị định 08/2014/NĐ-CP, Thông tư 08/2017/TT-BKHCN, Thông tư 10/2019/TT-BKHCN

1. Một số khái niệm cơ bản

Nghị định thư theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 10/2019/TT-BKHCN bao gồm:

– Các văn bản thỏa thuận của lãnh đạo Đảng và Nhà nước với các đối tác nước ngoài về khoa học và công nghệ;

– Các biên bản cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ, Ủy ban, Tiểu ban hợp tác về khoa học và công nghệ với các đối tác hợp tác song phương và đa phương mà Bộ Khoa học và Công nghệ được Chính phủ giao là đại diện: các văn bản thỏa thuận song phương và đa phương về hợp tác khoa học và công nghệ được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ký kết với các đối tác nước ngoài theo quy định

Đối tác nước ngoài theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 10/2019/TT-BKHCN  bao gồm:

– Các cơ quan, tổ chức đại diện cho quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ hợp tác về khoa học và công nghệ với Việt Nam;

– Đối tác cấp kinh phí: Các tổ chức, cá nhân (được đối tác nước ngoài quy định tại điểm a khoản 2 Điều này đồng ý) hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ Nghị định thư với tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam;

– Đối tác thực hiện: Các tổ chức hợp tác triển khai nhiệm vụ Nghị định thư với tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam.

2. Yêu cầu chung đối với nhiệm vụ Nghị định thư

Nhiệm vụ Nghị định thư phải bảo đảm có sự đóng góp nguồn lực của đối tác nước ngoài để hợp tác thực hiện nhiệm vụ Nghị định thư; góp phần thúc đẩy hợp tác khoa học và công nghệ với các đối tác nước ngoài và đáp ứng một trong những yêu cầu của Việt Nam như sau iều 4 Thông tư 10/2019/TT-BKHCN):

– Giải quyết những vấn đề về khoa học và công nghệ cấp thiết.

– Tìm kiếm, giải mã và hướng tới làm chủ hoặc tạo ra công nghệ mới, tiên tiến có tính đột phá, góp phần tạo ra sản phẩm mới, ngành sản xuất mới.

– Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý khoa học và công nghệ.

– Thúc đẩy hợp tác với các đối tác nước ngoài có quan hệ truyền thống đặc biệt.

Lưu ý:

Ngoài ra, nhiệm vụ Nghị định thư còn phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP như sau:

– Có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh trong phạm vi cả nước; có vai trò quan trọng nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia;

– Giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên vùng;

– Phải huy động nguồn lực quốc gia, có thể có sự tham gia của nhiều ngành khoa học và công nghệ.

3. Nguyên tắc tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia

3.1. Nguyên tắc chung

Tổ chức, cá nhân tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư phải đảm bảo các nguyên tắc quy đinh tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 08/2017/TT-BKHCN như sau:

– Việc tuyển chọn phải bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng; kết quả tuyển chọn phải được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc các phương tiện thông tin đại chúng;

– Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn được đánh giá thông qua hoạt động của Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ (được gọi là Hội đồng tuyển chọn, giao trực tiếp) do các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan nhà nước khác được giao quản lý (sau đây gọi tắt là bộ, ngành, địa phương) thành lập.

– Thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương quyết định chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng tuyển chọn và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trong trường hợp cần thiết, Thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương có quyền lấy ý kiến của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định.

3.2. Nguyên tắc tuyển chọn

Bên cạnh việc đáp ứng các nguyên tắc chung thì cá nhân tổ chức còn phải đáp ứng các nguyên tắc riêng về tuyển chọn được quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 08/2017/TT-BKHCN cụ thể:

– Tuyển chọn được áp dụng đối với nhiệm vụ cấp quốc gia có nhiều tổ chức và cá nhân có khả năng tham gia thực hiện;

– Danh mục các nhiệm vụ cấp quốc gia, điều kiện, thủ tục tham gia tuyển chọn được thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác trong thời gian 60 ngày để tổ chức và cá nhân tham gia tuyển chọn chuẩn bị hồ sơ đăng ký.

Lưu ý:

Không chỉ đáp ứng nguyên tắc chung và nguyên tắc cụ thể  mà cá nhân tổ chức khi tham gia tuyển chọn còn đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư 10/2019/TT-BKHCN gồm:

– Không tuyển chọn những nhiệm vụ có nội dung trùng lặp với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã và đang thực hiện;

– Không tuyển chọn những nhiệm vụ không phù hợp với Thông báo tuyển chọn nhiệm vụ Nghị định thư.

4. Điều kiện tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia

4.1. Các tổ chức có hoạt động phù hợp với lĩnh vực của nhiệm vụ khoa học và công nghệ, có con dấu và tài khoản có quyền tham gia đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia (khoản 1 Điều 4 Thông tư 08/2017/TT-BKHCN).

Lưu ý:

Tổ chức thuộc một trong các trường hợp sau đây không đủ điều kiện tham gia đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp làm chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia (khoản 2 Điều 4 Thông tư 08/2017/TT-BKHCN):

– Tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp chưa hoàn trả đầy đủ kinh phí thu hồi theo hợp đồng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia trước đây;

– Tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp chưa nộp hồ sơ đề nghị đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia khác do mình chủ trì sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian thực hiện nhiệm vụ theo Hợp đồng, bao gồm cả thời gian được gia hạn (nếu có);

– Tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp chưa hoàn thành việc đăng ký, nộp, lưu giữ các kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia khác có sử dụng ngân sách nhà nước;

– Có sai phạm dẫn đến bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia khác sẽ không được đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp trong thời gian 01 năm kể từ khi có Quyết định đình chỉ của cơ quan có thẩm quyền.

4.2. Cá nhân đăng ký chủ nhiệm nhiệm vụ cấp quốc gia phải đáp ứng đồng thời các yêu cầu (khoản 3 Điều 4 Thông tư 08/2017/TT-BKHCN):

– Có trình độ đại học trở lên;

– Có chuyên môn phù hợp và đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ phù hợp với nội dung nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia trong 05 năm gần nhất, tính đến thời điểm nộp hồ sơ;

– Có đủ khả năng trực tiếp tổ chức thực hiện và bảo đảm đủ thời gian để chủ trì thực hiện công việc của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia.

Trường hợp đặc biệt khác với các yêu cầu tại các điểm a, b, c Khoản này do Thủ trưởng bộ, ngành, địa phương quyết định.

Lưu ý:

Cá nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây không đủ điều kiện tham gia đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp làm chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia (khoản 4 Điều 4 Thông tư 08/2017/TT-BKHCN):

– Tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp đang làm chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia khác;

– Tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp chưa nộp hồ sơ đề nghị đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia khác do mình làm chủ nhiệm sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian thực hiện nhiệm vụ theo Hợp đồng, bao gồm thời gian được gia hạn (nếu có);

– Có nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia do mình làm chủ nhiệm bị đánh giá nghiệm thu ở mức “không đạt” sẽ không được tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp trong thời gian là 02 năm kể từ khi có kết luận của Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp quốc gia;

– Có sai phạm dẫn đến bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia khác do mình làm chủ nhiệm sẽ không được tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp trong thời gian 03 năm kể từ khi có Quyết định đình chỉ của cơ quan có thẩm quyền.

5. Thẩm quyền giải quyết

Trong thời hạn nhận hồ sơ tuyển chọn, tổ chức cá nhân đáp ứng đầy đủ điều kiện nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền và theo quy định tại Điều 13 Thông tư 10/2019/TT-BKHCN thì sau khi kết thúc thời hạn nhận hồ sơ tuyển chọn  Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:

Phối hợp với đối tác nước ngoài thống nhất danh sách hồ sơ hai bên cùng nhận được; kiểm tra các thông tin liên quan để chốt danh sách các hồ sơ đưa ra tuyển chọn.

Lưu ý: 

– Theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Thông tư 10/2019/TT-BKHCN  thì trong thời hạn quy định nộp hồ sơ, tổ chức và cá nhân đăng ký tham gia tuyển chọn có quyền rút hồ sơ đã nộp để thay bằng hồ sơ mới hoặc bổ sung hồ sơ đã nộp.

– Việc thay hồ sơ mới hoặc bổ sung hồ sơ phải hoàn thành trước khi hết hạn nộp hồ sơ theo quy định, các tài liệu bổ sung sau thời hạn nộp hồ sơ theo quy định không được coi là bộ phận cấu thành của hồ sơ đã nộp

Kết luận: Tổ chức, cá nhân muốn tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư phải đăng ký theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ 2013, Nghị định số 08/2014/NĐ-CP, Thông tư 08/2017/TT-BKHCN, Thông tư 10/2019/TT-BKHCN

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư (nhiệm vụ Nghị định thư)