39. Đăng ký khoản thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú
Khoản thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú được đăng ký theo thủ tục Đăng ký khoản thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nuớc ngoài. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung trên theo quy định tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP, Thông tư 37/2013/TT-NHNN.
1. Khái niệm
– Bảo lãnh cho người không cư trú là việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức kinh tế là người cư trú cam kết bằng văn bản với bên nhận bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh là người không cư trú khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh (khoản 1 Điều 3 Thông tư 37/2013/TT-NHNN).
– Thu hồi nợ bảo lãnh là việc Bên bảo lãnh thu hồi khoản nợ từ bên được bảo lãnh là người không cư trú sau khi đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (khoản 2 Điều 3 Thông tư 37/2013/TT-NHNN).
– Đăng ký khoản thu hồi nợ bảo lãnh là việc bên bảo lãnh thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước về khoản thu hồi nợ bảo lãnh theo quy định tại Thông tư 37/2013/2015/TT-NHNN (khoản 8 Điều 3 Thông tư 37/2013/TT-NHNN).
– Bên bảo lãnh gồm: tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh cho người không cư trú (khoản 1 Điều 2 Thông tư 37/2013/TT-NHNN); và tổ chức kinh tế được Thủ tướng Chính phủ cho phép bảo lãnh cho người không cư trú (khoản 3 Điều 2 Thông tư 37/2013/TT-NHNN).
2. Đăng ký khoản thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú
2.1 Đối tượng thực hiện đăng ký khoản thu hồi nợ bảo lãnh (Điều 5 Thông tư 37/2013/TT-NHNN):
– Tổ chức kinh tế thực hiện bảo lãnh cho người không cư trú.
– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện bảo lãnh cho người không cư trú.
– Đại diện bên bảo lãnh trong khoản đồng bảo lãnh của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho người không cư trú.
– Trường hợp các thỏa thuận cấp bảo lãnh cho người không cư trú có sự tham gia của ít nhất hai (02) tổ chức kinh tế, từng tổ chức kinh tế thực hiện đăng ký, đăng ký thay đổi khoản cho vay ra nước ngoài, khoản thu hồi nợ bảo lãnh đối với phần cho vay, bảo lãnh của mình.
2.2 Các trường hợp không phải thực hiện đăng ký khoản thu hồi nợ bảo lãnh
Trường hợp khoản nợ phát sinh từ việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh được Bên được bảo lãnh thanh toán cho Bên bảo lãnh trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, bên bảo lãnh không cần thực hiện đăng ký khoản thu hồi nợ bảo lãnh theo quy định tại Thông tư (Điều 5 Thông tư 37/2013/TT-NHNN).
2.3 Tài khoản thực hiện bảo lãnh của tổ chức kinh tế (khoản 2, 3 Điều 15 Thông tư 37/2013/TT-NHNN)
– Trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến khoản bảo lãnh cho người không cư trú, tổ chức kinh tế mở một (01) tài khoản bảo lãnh cho người không cư trú mở tại một (01) tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tài khoản. Các giao dịch liên quan đến khoản bảo lãnh (trả nợ thay bên được bảo lãnh, thu hồi nợ từ bên bảo lãnh, các loại phí) phải thực hiện thông qua tài khoản thực hiện bảo lãnh.
– Trường hợp tổ chức kinh tế thực hiện bảo lãnh cho người không cư trú là doanh nghiệp ở nước ngoài có sự tham gia góp vốn dưới hình thức đầu tư trực tiếp của bên bảo lãnh, tài khoản thực hiện bảo lãnh là tài khoản vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của tổ chức kinh tế theo các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
2.4 Tài khoản thực hiện bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Điều 16 Thông tư 37/2013/TT-NHNN)
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là bên bảo lãnh cho người không cư trú có trách nhiệm thực hiện việc theo dõi các giao dịch liên quan đến việc thực hiện bảo lãnh và thu hồi nợ bảo lãnh qua tài khoản theo đúng các quy định hiện hành về hạch toán, kế toán đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; chịu trách nhiệm và đảm bảo thực hiện các giao dịch liên quan đến bảo lãnh và thu hồi nợ bảo lãnh theo đúng nội dung văn bản của Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản thu hồi nợ bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
3. Xử phạt vi phạm hành chính
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm: Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thủ tục hành chính đối với: Đăng ký khoản thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú (điểm g khoản 3 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP).
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm: Thực hiện thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú không đúng quy định của pháp luật (điểm g khoản 4 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP).
– Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm: Cung ứng khoản bảo lãnh cho người không cư trú không đúng quy định của pháp luật (điểm b khoản 5 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP).
– Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm: không chấp hành các quy định của pháp luật về bảo lãnh cho người không cư trú trừ trường hợp quy định tại các điểm g khoản 3, điểm d, g khoản 4 và điểm b khoản 5 Điều 23 Nghị định 888/2019/NĐ-CP(điểm a khoản 7 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP).
Kết luận: Tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nuớc ngoài có nhu cầu đăng ký khoản thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú nộp hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối) và thực hiện theo trình tự thủ tục theo quy định tại Điều 11, Điều 12 Thông tư 37/2013/TT-NHNN.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tai đây:
Đăng ký khoản thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú