47. Cấp giấy phép thu ngoại tệ tiền mặt từ xuất khẩu sang Campuchia
Thương nhân khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang Campuchia nhưng vì một số lý do khách quan không thể thanh toán qua ngân hàng được thì Thương nhân có quyền nộp hồ sơ đề nghị cho cơ quan có thẩm quyền để thu ngoại tệ bằng tiền mặt. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định Pháp lệnh ngoại hối 2005, Thông tư 25/2011/TT-NHNN, Thông tư 07/2012/TT-NHNN, Thông tư 29/2015/TT-NHNN, Quyết định 17/2004/QĐ-NHNN
1. Một số khái niệm cơ bản
Ngoại tệ là đồng tiền của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (khoản 1 Điều 2 Thông tư 07/2012/TT-NHNN)
Ngoại tệ tiền mặt bao gồm tiền giấy, tiền kim loại (khoản 10 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối 2005)
2. Đồng tiền thanh toán
Thương nhân khi thanh toán tiền cho bên cung cấp hàng hóa dịch vụ phải thanh toán theo đồng tiền được quy định tại Điều 4 Quyết định 17/2004/QĐ-NHNN cụ thể:
Đồng tiền thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại giữa thương nhân hai nước là ngoại tệ tự do chuyển đổi (Đô la Mỹ, Euro, Bảng Anh và Yên Nhật), VND và KHR. Thương nhân hai nước được lựa chọn đồng tiền thanh toán phù hợp với các quy định trong Quy chế này và các quy định khác của pháp luật.
3. Hình thức thanh toán
Theo quy định tại Điều 3 Quyết định 17/2004/QĐ-NHNN thì thương nhân khi thực hiện giao dịch hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng các hình thức sau:
– Thanh toán thông qua các Ngân hàng được phép của hai nước bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, theo thông lệ quốc tế (bao gồm các Ngân hàng đặt trụ sở ở trong hoặc ngoài tỉnh có biên giới giáp Campuchia);
– Thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi hoặc Đồng Việt Nam (VND) thông qua tài khoản của thương nhân Campuchia mở tại các Ngân hàng được phép ở Việt Nam (tài khoản ngoại tệ và tài khoản VND của người không cư trú tại Việt Nam);
– Thanh toán bằng VND và Riel Campuchia (KHR) thông qua tài khoản tại các Ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối tại tỉnh biên giới của Việt Nam và Ngân hàng thương mại Campuchia theo sự thoả thuận về quan hệ đại lý thanh toán giữa hai Ngân hàng này;
– Thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi tiền mặt;
– Thanh toán bằng VND và KHR tiền mặt;
– Thanh toán theo phương thức hàng đổi hàng.
4. Nguyên tắc chuyển đổi
Thương nhân khi giao dịch hàng hóa dịch vụ mà không thể thanh toán qua Ngân hàng, có nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ thì phải tuân theo quy định về chuyển đổi tại Điều 3 Thông tư 29/2015/TT-NHNN như sau:
Việc sử dụng ngoại tệ tự do chuyển đổi tiền mặt để thanh toán trong các giao dịch mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại tại khu vực biên giới giữa thương nhân Việt Nam và thương nhân Campuchia chỉ được áp dụng trong trường hợp thương nhân của hai bên không thể thanh toán qua Ngân hàng và chỉ được áp dụng cho thương nhân Việt Nam được nhận thanh toán bằng ngoại tệ tiền mặt thông qua việc bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ cho thương nhân Campuchia, không áp dụng cho thương nhân Việt Nam được dùng ngoại tệ tiền mặt thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu và cung ứng dịch vụ từ phía Campuchia.
5. Thu ngoại tệ và thẩm quyền cấp phép thu ngoại tệ
Thương nhân không phải trong mọi trường hợp muốn chuyển đổi thành thu ngoại tệ tiền mặt đều được thu mà phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thu ngoại tệ mới được thu theo quy định tại Điều 3 Thông tư 29/2015/TT-NHNN:
– Khi có nhu cầu thu ngoại tệ tiền mặt, thương nhân Việt Nam lập hồ sơ gửi đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn nơi thương nhân đặt trụ sở để được cấp Giấy phép thu ngoại tệ tiền mặt từ xuất khẩu sang Campuchia
– Thẩm quyền cấp phép như sau: Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố được quyền ký giấy phép cho thu các khoản tiền dưới mức 500.000 USD (năm trăm nghìn đô la Mỹ) hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương cho mỗi một hợp đồng. Đối với các hợp đồng có giá trị từ 500.000 USD trở lên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có ý kiến bằng văn bản và gửi hồ sơ đến Vụ Quản lý ngoại hối – Ngân hàng Nhà nước xem xét giải quyết.
Lưu ý: Thương nhân Việt Nam phải nộp số ngoại tệ tiền mặt thu được vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ của mình tại Ngân hàng được phép trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày ngoại tệ tiền mặt được mang về nước theo xác nhận của Hải quan cửa khẩu
Kết luận: Thương nhân khi giao dịch hàng hóa dịch vụ xuất khẩu sang Campuchia nhưng không thể thanh toán qua Ngân hàng thì được quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép chuyển đổi thu tiền mặt theo quy định tại Pháp lệnh ngoại hối 2005, Thông tư 25/2011/TT-NHNN, Thông tư 07/2012/TT-NHNN, Thông tư 29/2015/TT-NHNN, Quyết định 17/2004/QĐ-NHNN
Chi tiết, trình tự hồ sơ xem tại đây:
Cấp giấy phép thu ngoại tệ tiền mặt từ xuất khẩu sang Campuchia